Đại tướng ưu tư khi nghe báo cáo về cải cách ruộng đất
Mặc dù đã ở tuổi 86, nhưng ông Trần Sự vẫn giữ được một trí lực tuyệt vời. Xưa, nhà ông Sự sát nách nhà Đại tướng. Cha ông bà con bên họ ngoại, còn mẹ ông bà con bên họ nội, theo thứ bậc ông gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng chú. Lần đầu tiên ông gặp Đại tướng là ngày vợ chồng Đại tướng đưa con gái đầu, Võ Hồng Anh về quê gửi lại ông bà nội chăm sóc.
“Hồi đó mình mới 12 tuổi. Chú Giáp thì hơi gầy, còn thím Thái có nước da trắng ngần, mái tóc đen nhánh. Chiều nào vợ chồng chú ấy cũng ra tắm ở bến sông với lũ trẻ con. Chú còn dạy mình học tiếng Pháp bằng cách nói với nhau bằng tiếng Pháp. Chú khuyên nên học thật giỏi để sau này giúp nước, giúp nhà. Có một lần, mẹ mình đang trồng rau sau vườn thì thím Thái bế Hồng Anh ra ngồi chơi. Mẹ mình hỏi “em bữa nay đang làm gì?”.
Thím Thái nói “em buôn gạo trên tàu, đi nhiều nên chuyến này về gửi bé Hồng Anh lại cho ông bà nội”. Sau khi vợ chồng chú Giáp đi được một thời gian thì ở nhà nghe tin thím ấy bị Pháp bắt vì hoạt động cách mạng”.
Tháng 3/1945 ông Trần Sự vào đội tự vệ cảm tử, tham gia cướp chính quyền, rồi lên chỉ huy trưởng quân sự huyện Lệ Thủy. Khi đang lên kế hoạch tiêu diệt đồn địch cuối cùng, ông nhận được mật lệnh do đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký với nội dung: Không tấn công vào đồn địch nữa mà chỉ đánh những đội quân đi càn cướp cơ động. Sau này ông biết, lúc đó ta và Pháp đã bắt đầu có những đàm phán về quân sự.
Năm 1955, ông lên giữ chức Chỉ huy trưởng quân sự tỉnh Quảng Bình lúc vừa tròn 27 tuổi. Một năm sau, ông bất ngờ nhận được điện thoại của ông Thành Quảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, khi đó là thư ký riêng cho Đại tướng nói: “Cậu sang gặp anh Văn trong thành Đồng Hới”. Gặp mặt, Đại tướng hỏi ngay: “Anh chị trên nhà có khỏe không?”. Rồi sau đó là hàng loạt câu hỏi dồn dập về tình hình đời sống của người dân...
“Mình báo cáo là có nhiều chuyển biến tốt, nhưng có những phức tạp, cần phải suy nghĩ. Chú ấy hỏi luôn “thế cải cách ruộng đất thì thế nào?”. Lúc này mình mới dám nói là oan trái quá nhiều, nhiều người có công với cách mạng bị quy sai. Ở Lệ Thủy có hai cán bộ bị bắn là anh Vi cán bộ Tỉnh đội, anh Quê - Phó Chủ tịch huyện Lệ Thủy. Cái gì chú ấy cũng rất kỹ, nhắc nhở nên làm cái này, quan tâm cái kia, riêng cải cách ruộng đất, chú chỉ nghe, nét mặt ưu tư, rơm rớm nước mắt và nói gọn một câu: “Đến thế à?!”.
Đại tướng quan tâm đặc biệt chiến trường Quảng Bình
Tháng 2 năm 1959, ông Trần Sự lại nhận được điện của ông Thành Quảng, nói anh gặp anh Văn gấp. Tới nơi Đại tướng đã trải sẵn một tấm bản đồ Quảng Bình khổ lớn trên mặt bàn. Đại tướng hỏi ông Trần Sự về một con đường mòn trên núi chạy từ bắc Quảng Bình đến nam Quảng Bình. “Chú ấy hỏi rất kỹ những thung lũng, đèo cao.
Xong chú ấy nói rất tốt. Mười ngày sau mình ra Hà Nội họp, gặp anh Thành Quảng, anh ấy ghé tai nói nhỏ: “Hôm gặp cậu về Đại tướng vui lắm, nhưng vì bí mật nên không tiện nói. Đại tướng đang lên kế hoạch mở một con đường trên núi xuyên từ Bắc vào Nam để vận chuyển quân, binh nhưng có người cản, lấy lí do đoạn qua Quảng Bình không thể làm được vì quá nhiều đèo dốc. Cậu đã giải tỏa nỗi băn khoăn cho Đại tướng đó”.
Trong trận đầu chiến đấu với không quân Mỹ, dân và quân Quảng Bình bắn cháy 4 máy bay, bắt được giặc lái. Vào lúc 24 giờ ngày 10/2/1965, ông Trần Sự nhận được mật lệnh của Đại tướng, yêu cầu phải di chuyển toàn bộ 24 cơ quan và 27.000 dân của TP Đồng Hới trước 5 giờ sáng, nhằm tránh một cuộc trả đũa bằng không quân từ hạm đội 7 của không quân Mỹ vào sáng sớm.
Vừa lên kế hoạch di tản báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy, vừa chỉ đạo lực lượng đánh trả, đến 4 giờ sáng ông Trần Sự mới thở phào khi mọi việc hoàn thành. Tuy nhiên mãi đến trưa không thấy phía địch động tĩnh gì, ai cũng sốt ruột. Đúng 12 giờ trưa, hàng loạt máy bay Mỹ ồ ạt ném bom Đồng Hới. Trận này quân và dân Quảng Bình bắn cháy 6 máy bay, bắt sống 6 giặc lái Mỹ. Đại tướng điện cho ông Sự khen ngợi, là đã chấp hành lệnh tốt, chiến đấu tốt...
Năm 1967, ông Trần Sự ngồi cùng xe với Đại tướng từ đèo Ngang vào Đồng Hới. Đại tướng hỏi tình hình chung và nói mình đánh máy bay, tàu chiến tốt rồi nhưng bộ binh thì sao? Cần phải tăng cường huấn luyện, cảnh giác với một cuộc đổ bộ của lục quân Mỹ chiếm Quảng Bình. Đại tướng đưa ra những giả thiết để trắc nghiệm trình độ chỉ huy của ông Trần Sự nếu điều đó xảy ra.
Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, lực lượng của ta ở chiến trường Trị - Thiên suy yếu, ông Trần Sự nhận được lệnh đưa quân vào chiến đấu Quảng Trị. Tại đây ông đã chỉ huy đánh nhiều trận thắng lớn khiến quân Mỹ kinh hồn, bạt vía, khiến đài phương Tây ngày ấy nhận định: “Đang có một lực lượng tinh nhuệ từ miền Bắc vào khuynh đảo chiến trường Quảng Trị”.