Vừa qua, một số đại biểu và cử tri băn khoăn lo lắng về việc tội phạm ma túy xuyên quốc gia lợi dụng Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy đi nước thứ ba. Theo Bộ trưởng, đây là những lo lắng chính đáng. Tuy nhiên, qua các vụ án lớn vừa qua cho thấy các đường dây ma túy đều mới hoạt động và đã bị chúng ta phát hiện, bắt giữ. Phần lớn là mới vận chuyển chuyến đầu tiên hoặc mới bắt đầu sản xuất ma túy.
“Điều đó cho thấy, mặc dù còn có vấn đề này, vấn đề kia nhưng thế trận nghiệp vụ của chúng ta trong phòng, chống tội phạm ma túy vẫn mang lại hiệu quả. Ngoài sự chủ động về nghiệp vụ, lực lượng công an nhân dân còn có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đặc biệt là sự hợp tác quốc tế ngày càng hiệu quả theo chiều sâu, tạo thành thế trận liên hoàn trong đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy”, Đại tướng Tô Lâm cho hay.
Nhìn tổng thể, Bộ trưởng Công an cho rằng, đối với vấn đề ma túy, chúng ta đang phải đối mặt với bốn thách thức lớn:
Một là, áp lực về tội phạm ma túy từ bên ngoài vào rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam có đường biên giới dài, cả đường bộ, đường biển rất khó kiểm soát. Đây là vấn đề mang tính chất khách quan. Dù muốn hay không, chúng tôi vẫn phải đối mặt và giải quyết.
Hai là, số người nghiện ma túy trong nước tiếp tục gia tăng, con số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều so với thống kê những người nghiện có hồ sơ kiểm soát. Công tác cai nghiện chưa hiệu quả và gặp nhiều khó khăn. Số người nghiện ma túy hiện đang tạo áp lực rất lớn lên các vấn đề xã hội là nguyên nhân nhiều loại tội phạm khác.
“Giải quyết vấn đề người nghiện là một trong những thách thức lớn nhất để giảm hoạt động của tội phạm ma túy hiện nay, bởi còn người nghiện thì còn nhu cầu sử dụng ma túy, sẽ kích thích các đối tượng bằng mọi cách mua bán, vận chuyển ma túy, đây là vấn đề siêu lợi nhuận”, Bộ trưởng cho hay.
Thách thức thứ ba, theo Đại tướng Tô Lâm là còn nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật đặt ra nhưng cũng chậm được giải quyết, những vấn đề đơn giản hóa các thủ tục đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện tập trung, vấn đề giám định hàm lượng các chất ma túy, vấn đề hướng dẫn áp dụng một số điều luật về tội phạm ma túy... đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên thực tế, đây cũng là vấn đề nhiều đại biểu đã phát biểu ý kiến.
Thứ tư, do điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước còn khó khăn nên nguồn lực cho công tác, phòng chống ma túy mặc dù đã được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng chưa tương xứng với tình hình phức tạp hiện nay, lực lượng, kinh phí, phương tiện cho các cơ quan chuyên trách về phòng, chống ma túy còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Vừa qua, Đảng ủy Công an Trung ương đã tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 36 về tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Hiện nay đang xây dựng các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện, trong đó phải có các giải pháp đồng bộ để xử lý những thách thức nêu trên mới mang lại hiệu quả cao trong công tác này.
“Bộ Công an rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, nhất là việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới”, Đại tướng Tô Lâm bày tỏ.