Đại tướng đã truyền cho giới trẻ niềm tin

TP - Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phương Đông chia sẻ với Tiền Phong những suy tư sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời và phần nào “giải mã” hiện tượng rất đông người dân, đặc biệt là giới trẻ xếp hàng vào viếng Đại tướng tại tư gia mấy ngày nay.

> Bắt đầu để tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
> TOÀN BỘ TƯ LIỆU VỀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

GS Phạm Đức Dương chia sẻ:

Mấy ngày này, điều tôi cảm nhận lớn nhất đó là tình cảm của nhân dân đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có lẽ không phải ai cũng biết, cuộc đời của cụ Giáp sóng gió lắm, cả trong chiến trường lẫn trong đời thường. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào Đại tướng vẫn giữ được sự bình tâm, giữ vững đoàn kết, phục tùng tổ chức. Để giải tỏa nỗi lòng, bình tâm trở lại có những lúc cụ tìm về với cây đàn và chơi piano. Cuộc đời của Đại tướng hết sức bình dị, đời thường. Tôi còn nhớ, hồi những năm 90, tôi đến thăm nhà anh Văn chị Hà (tôi và chị Hà - phu nhân Đại tướng có nhiều gắn bó vì chị Hà cùng làm việc ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á với tôi từ năm 1973 cho tới lúc nghỉ hưu). Tôi vẫn quen gọi Đại tướng là anh Văn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Phạm Đức Dương trong một lần gặp gỡ .

 “Tại sao lại nói thế hệ trẻ ít quan tâm đến chính trị? Người ta ít quan tâm đến chính trị là thể hiện chính trị ít hiệu quả trong đời thực. Họ thể hiện lòng quan tâm, kính trọng, ngưỡng mộ với những người có công với đất nước. Chỉ cần có người truyền cho họ niềm tin thì họ sẽ làm hết sức mình”.  

Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Đức Dương

Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là khu vườn phong lan. Anh em bộ đội ở các miền đất nước có phong lan thường tìm cây đẹp mang tới treo ở đó để bày tỏ tình cảm với Đại tướng. Hồi còn là Phó Thủ tướng, Đại tướng tự mình chăm sóc vườn cây ấy. Nhưng theo thời gian sau này vườn phong lan ấy đã tàn lụi. Tôi nhìn cảnh ấy đầy xúc động. Cái ghế chúng tôi ngồi nói chuyện với anh Văn cũng cũ kỹ. Đại tướng là con người vĩ đại nhưng hết sức gần gũi đời thường. Tôi còn nhớ năm ấy, tuổi đã cao lắm, nhưng Đại tướng vẫn nhớ sinh nhật và tự tay viết bưu thiếp chúc mừng tôi.

Giáo sư suy ngẫm gì khi chỉ trong mấy ngày đã có gần một triệu người dân xếp hàng vào viếng Đại tướng ở nhà riêng 30 Hoàng Diệu?

Hình ảnh người dân xếp hàng vào viếng Đại tướng thật đẹp và xúc động. Đường đi viếng rất dài và đông. Dòng người dường như là vô tận. Trong dòng người ấy đủ thành phần, nhất là những người cựu chiến binh, giới trẻ và người lao động.

Tuy rằng người viếng rất đông nhưng lại rất trật tự, người này nối tiếp người khác, không chen lấn xô đẩy. Tất cả những gì diễn ra đã thể hiện tình cảm của nhân dân ta với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có nhiều người đến viếng còn hỏi: “Thế nhà Đại tướng chỉ có thế thôi à ?”.

Tôi thấy đây là lần đầu tiên, một nhân vật tầm cỡ quốc tế, tướng tài của đất nước khi mất lại mong muốn trở về quê hương. Đó cũng là điều khác với nhiều người khác. Nhà nước đã có sẵn nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội), cấp nào chức nấy cứ thế mà vào. Nhưng cụ Giáp lại xin về với quê hương. Nơi yên nghỉ cuối cùng của cụ là một nơi có khung cảnh đẹp, ấm áp tình bà con. Một danh tướng khi mất đi mang lại niềm tự hào cho quê hương, nơi đó sẽ trở thành một điểm tham quan nổi tiếng.

Đừng nói người trẻ thờ ơ với chính trị

Nhiều người đánh giá một bộ phận giới trẻ hiện nay đang thờ ơ với chính trị, với tình hình đất nước. Giáo sư nghĩ gì khi có rất đông thanh niên, sinh viên, học sinh xếp hàng vào viếng Đại tướng trong mấy ngày qua?

Tại sao lại nói thế hệ trẻ ít quan tâm đến chính trị? Người ta ít quan tâm đến chính trị là thể hiện chính trị ít hiệu quả trong đời thực. Họ quan tâm, họ thể hiện lòng quan tâm, kính trọng, ngưỡng mộ với những người có công với đất nước. Chỉ cần có người truyền cho họ niềm tin thì họ sẽ làm hết sức mình. Còn bây giờ nếu không động viên, cổ vũ họ thì họ vẫn làm hết sức mình, nhưng là vì cá nhân của họ.

Cách đây 3 tháng, hai vợ chồng giáo sư, tiến sĩ người Mỹ đã hỏi tôi rằng: “Giáo sư Dương nghĩ gì về tương lai của Việt Nam?”. Một người Mỹ hỏi một người Việt về tương lai của đất nước mình. Đó là một cái gì đó rất ẩn ý. Tôi đã xin phép hỏi lại: “Sao anh lại hỏi tôi vậy?”. Ông ấy nói một cách rất hồn nhiên: Trong chiến tranh mọi người Việt Nam đều hy sinh thân mình để đất nước thắng lợi, còn hôm nay, mọi người Việt Nam đều lo cho cá nhân mình. Đó là một câu hỏi hết sức sâu sắc. Những người có lương tâm đều lo lắng cho sự đi lên của đất nước Việt Nam.

Trong bối cảnh ấy thì tang lễ của Đại tướng diễn ra người ta cũng biểu lộ một niềm tin, một niềm thương cảm, chắc rồi đây người ta còn sẽ nói nhiều về Đại tướng vì ông đã trở thành biểu tượng của niềm tin. Niềm tin trong thời buổi này đang ít dần đi. Nhưng Đại tướng đã truyền cho giới trẻ niềm tin. Điều đó làm cho những người lãnh đạo phải suy nghĩ. Sống là sao để cho dân tín nhiệm.

Theo Giáo sư, chúng ta sẽ giáo dục gì cho giới trẻ thông qua biểu tượng Võ Nguyên Giáp?

Bạn trẻ ngày nay cần nhiều thực tiễn. Khi nói tới một nhân cách cách mạng, ta cần một tấm gương. Vạn lời giáo huấn không bằng một tấm gương sáng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương đó, tấm gương của tinh thần dĩ công vi thượng, tinh thần quyết chiến quyết thắng của sự cao thượng, khiêm nhường...

Cảm ơn Giáo sư!

Biết bà Tý, vợ tôi từ quê Hà Tĩnh ra chơi, chị Đặng Bích Hà, phu nhân của Đại tướng rất tâm lý, đã làm bún thang mời vợ chồng tôi đến ăn để cho vợ tôi được gặp Đại tướng. Anh Văn nghe vợ tôi quê Hà Tĩnh nên hỏi: “Phong trào cách mạng ở quê ta độ này rầm rộ lắm phải không hả chị?”. Bà Tý thì tính thật thà nên bà trả lời: ”Thưa anh ở quê dân vẫn đói, làm ăn không có hiệu quả”. Anh Văn trầm ngâm một lúc rồi nói: “Thế à”.

Cả anh Văn chị Hà đều thích ăn khoai lang. Nhà tôi mỗi lần ra thăm tôi là phải có cân khoai lang để mang biếu anh chị. Tôi viết được quyển sách nào thì tôi tặng anh. Anh có sách anh cũng tặng tôi. Biết tôi làm Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, anh tâm sự: “Đông Nam Á rất quan trọng với Việt Nam nhưng chúng ta biết về Đông Nam Á còn ít quá”.

Giáo sư Phạm Đức Dương

 

Phùng Nguyên- Mỹ Linh
thực hiện

Theo Báo giấy