Nhân dịp này, Đại sứ Franz Jessen đã gửi một bức thư chào từ biệt, trong đó thể hiện tình yêu và thiện cảm đặc biệt của mình với đất nước và con người Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
"Tôi đến Hà Nội vào bốn năm trước cùng với vợ và con trai tôi – cậu bé kỷ niệm sinh nhật lần thứ bảy của mình trên chuyến bay tới Việt Nam. Tại Hà Nội, tôi đảm nhiệm chức vụ Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU), với hơn 50 đồng nghiệp.
Giờ là lúc để tôi tiếp tục con đường sự nghiệp của mình và cũng là lúc tôi nhìn lại để suy ngẫm và để cảm ơn nhiều người bạn và đồng nghiệp của mình - những người đã giúp tôi có một khoảng thời gian tuyệt vời tại đây.
Với trải nghiệm cá nhân thì thời gian sống tại Hà Nội quả rất tuyệt vời. Nhà riêng của Đại sứ EU nằm giữa khu phố cổ. Đó là một biệt thự cổ của Pháp với một cái vườn nhỏ xinh xắn bao xung quanh và đây thực sự là một ốc đảo giữa thành phố náo nhiệt.
Mỗi buổi sáng, chúng tôi được đánh thức bởi tiếng gà gáy ở bên nhà hàng xóm và tiếng loa phường, những âm thanh này báo hiệu một ngày mới bắt đầu ở khu vực xung quanh nhà chúng tôi. Vào buổi tối, chúng tôi lại cảm thấy quen thuộc với tiếng rao của những người bán hàng rong hoa quả và trà chanh, hay có thể là những tiếng rao được phát ra từ những cái loa chạy bằng pin của họ. Cho dù là một thành phố rộng lớn, nhưng Hà Nội lại có một sự hấp dẫn riêng mà chỉ những thành phố nhỏ mới có, và theo tôi biết người Hà Nội có truyền thống gắn kết gia đình chặt chẽ.
Vào các buổi sáng, các vỉa hè và công viên được người dân sử dụng để tập thể dục, và vào buổi tối thì những nơi đây lại trở thành sân chơi cầu lông và các lớp học khiêu vũ. Một trong những thói quen yêu thích của gia đình tôi là đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm sau bữa tối để ngắm nhìn hoạt động về đêm ở nơi đây. Và chúng tôi dần yêu Hà Nội từ lúc nào.
Tôi lớn lên ở Đan Mạch và phía bắc Ca-na-đa, vì thế những kí ức đầu tiên về những vùng đất này là sương mù và tuyết, rất nhiều tuyết và rất vắng người. Ở Đan Mạch, mùa hè khá lạnh, năm nay khi tôi có kỳ nghỉ ở đây thì nhiệt độ là 13 độ, vì vậy việc đến một nơi nóng, ẩm và sôi động như ở Hà Nội là một sự thay đổi rất lớn.
Ngoài thời gian ở Hà Nội, tôi đã có dịp ngắm vẻ đẹp tuyệt vời của đất nước Việt Nam, từ vùng núi phía bắc đến vùng duyên hải và đến những khu kinh tế sầm uất ở Đồng bằng sông Cửu long và thành phố Hồ Chí Minh. EU đã hỗ trợ một số chương trình địa phương ở các khu vực vùng sâu vùng xa, và đó là cơ hội tuyệt vời để tôi đến thăm các địa điểm và cộng đồng dân tộc thiểu số đa dạng. Phần lớn các công ty châu Âu có trụ sở ở phía nam, ở thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh mang đến một cảm giác khác so với Hà Nội, thành phố rộng lớn hơn, giống như một thành phố quốc tế lớn, nó không có sự quyến rũ của một thành phố nhỏ như Hà Nội nhưng nó mang lại cảm giác một thành phố quốc tế hiện đại.
Việt Nam là một đất nước mang nhiều màu sắc và gây ấn tượng mạnh. Đây là một đất nước tuyệt đẹp. Một đất nước của những món ăn ngon, chúng tôi rất thích ẩm thực Việt Nam, rất đa dạng, tươi ngon và có lợi cho sức khỏe. Ẩm thực chính là một phần không thể tách rời của bản sắc Việt Nam.
Tôi rất thích đọc sách, khi còn nhỏ tôi thường nghĩ rằng tôi thực sự lớn lên trong thư viện. Cuốn sách đầu tiên tôi đọc về Việt Nam, trong số khoảng 15 cuốn sách, đó là "Người Mỹ Trầm Lặng" của Graham Greene. Tôi đã đọc đi đọc lại cuốn đó và cho đến hôm nay sau một thời gian sống ở đây, tôi nhận thấy rằng nhà văn đã nắm bắt một cách sâu sắc rất nhiều khía cạnh của Việt Nam, của con người và cái hồn nơi đây.
Tôi đã dành nhiều buổi tối để tìm và đọc sách của Việt Nam. Khi các nhà ngoại giao mới đến Hà Nội hỏi ý kiến tôi, tôi thường gợi ý họ đọc ba cuốn sách của các tác giả khác nhau.
Cuốn đầu tiên là "Số Đỏ" của Vũ Trọng Phụng, được viết năm 1936. Đây là một cuốn sách tuyệt vời, miêu tả sống động, đầy màu sắc về cuộc sống thời gian đó, nơi mà nhà văn tại một thời điểm đã phàn nàn rằng cuộc sống Hà Nội đang trở lên quy củ quá và chính vì vậy cũng trở nên tẻ nhạt. Tôi cũng yêu cách miêu tả những con phố trong khu phố cổ. Cuốn thứ hai tôi được một cán bộ Việt Nam giới thiệu là "Thời Xa Vắng" của Lê Lựu. Cuốn sách mô tả một gia đình trong suốt 30 năm, cuộc sống làng quê, thành phố và cuộc sống gia đình, những khó khăn của các tầng lớp trong cuộc chiến tranh Đông Dương.
Và cuốn sách thứ ba là "Nỗi Buồn Chiến Tranh" của Bảo Ninh, về điều mà ông gọi là chiến tranh chống Mỹ, được viết qua cái nhìn của một người đàn ông Việt Nam. Cuốn sách cũng là một câu chuyện buồn và cảm động sâu sắc về tình yêu trong thời chiến. Có rất nhiều cuốn sách hay khác của Việt Nam được dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Pháp và chúng đề cập đến những khía cạnh đặc biệt để giúp hiểu biết hơn về đất nước Việt Nam.
Công việc của một Đại sứ EU cũng gần giống như công việc của Đại sứ một quốc gia, nhưng một mặt nào đó nó cũng rất khác. Những yếu tố giống nhau đó là các hoạt động ngoại giao thường nhật, viết báo cáo và hợp tác phát triển. Nhưng những điểm khác biệt chính là EU bao gồm 28 Quốc gia thành viên, mỗi quốc gia có cơ quan ngoại giao riêng và hầu hết là có sứ quán tại Hà Nội. Khi mọi việc diễn ra tốt đẹp, EU thống nhất và là một thực thể chính trị và kinh tế lớn mạnh. Đối với các vấn đề mà chúng tôi không có cùng quan điểm thì câu chuyện lại khác. Sự gắn kết được tạo ra bằng nhiều cách khác nhau, một cách mà tôi thường sử dụng rất nhiều tại Hà Nội đó là chia sẻ báo cáo, thông tin và ý tưởng; cùng nhau làm việc để đạt được quan điểm và phương hướng chung.
Về mặt kinh tế và thương mại, tôi làm việc chặt chẽ với Eurocham (Phòng Thương mại châu Âu), đại diện cho hơn 850 công ty châu Âu tại Việt Nam. Eurocham đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quan điểm chung cho châu Âu trong các vấn đề thương mại khác nhau và nó cũng là một nguồn thông tin quý báu để hiểu biết hơn về đời sống kinh tế tại Việt Nam.
Tôi cũng đã làm việc rất chặt chẽ với các bộ ngành trung ương cũng như cơ quan Đảng và Quốc hội. Đây là một cơ cấu rất khác so với những gì chúng tôi đã quen tại châu Âu. Tuy nhiên, tôi luôn được khích lệ bởi sự chuyên nghiệp và triển vọng mà rất nhiều mối liên hệ thân thiết của tôi có. Và sự thẳng thắn của họ đôi khi cũng rất ấn tượng.
Hà Nội có một đời sống ngoại giao hết sức sống động mà gia đình tôi và tôi rất vui được là một phần trong đó. Những buổi tiệc chiêu đãi, tiệc tối, tiệc trưa và những sự kiện văn hóa thường xuyên là một phần của các hoạt động ngoại giao và là một cách để trao đổi ý tưởng với nhiều cá nhân hết sức thú vị.
Tất nhiên tôi cũng dành thời gian làm việc tại Phái đoàn EU với một nhóm các đồng nghiệp châu Âu. Các cán bộ ngoại giao EU thường cũng khác một chút với các cán bộ của một quốc gia. Chúng tôi hiếm khi làm việc bằng ngôn ngữ mẹ đẻ và hầu hết các cán bộ EU có thể nói nhiều thứ tiếng và cùng làm việc vì sự hội nhập châu Âu sâu sắc hơn. Tôi cũng nhận thấy rằng làm việc với các đồng nghiệp ở các quốc gia khác nhau cũng tạo ra sự khoan dung đối với những ý tưởng và hành vi khác nhau. Các đồng nghiệp Việt Nam của tôi, nhiều người trong số họ đã làm việc cho EU nhiều năm, đã giúp tôi có được sự hiểu biết sâu sắc hơn về Việt Nam. Tôi rất ấn tượng với sự tận tâm và cống hiến của họ đối với mối quan hệ EU- Việt Nam.
Nhìn lại, thời gian trôi quá nhanh, nhưng đã diễn ra nhiều tiến triển quan trọng. Chúng ta đã có một loạt những chuyến thăm cấp cao giữa hai bên. Các Đại sứ thường thích các chuyến thăm cấp cao vì họ đưa đất nước mà họ đang làm việc (và chính bản thân họ) lên một vị thế cao hơn và vì những chuyến thăm cũng giúp đưa ra các vấn đề cần thảo luận và tìm cách giải quyết cho các vấn đề còn tồn đọng. Trong khi chuẩn bị cho những chuyến thăm cao cấp, tôi đã làm việc trực tiếp với Đại sứ Việt Nam tại Brúc-xen, và tôi nghĩ chúng tôi đều cảm nhận rằng làm việc (theo kênh không chính thức) cùng nhau làm cho mọi việc tiến triển nhanh hơn.
Tôi rất phấn khởi thông báo rằng Hiệp định Tự do Thương mại (FTA) giữa EU và Việt Nam đã đạt được sự thống nhất về nguyên tắc hồi đầu tháng Tám. Hiệp định này sẽ mang EU và Việt Nam cũng như những nền kinh tế của chúng ta xích lại gần nhau hơn và sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế. Thương mại là một lĩnh vực mà EU có một tiếng nói chung mạnh mẽ. Đó cũng là một lĩnh vực mà chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua. EU là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Những vấn đề an ninh và chính sách đối ngoại là những lĩnh vực mới hơn của EU. Hiệp định Đối tác và Hợp tác Toàn diện mà chúng ta ký năm 2012 là một bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương. Đối thoại Nhân quyền của chúng ta hiện nay được tổ chức một cách xây dựng hơn và đã mang lại những kết quả tốt đẹp hơn. Chúng tôi cùng làm việc với Việt Nam trong các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu.
Điều mà tôi thường gọi là cái chân thứ ba trong mối quan hệ song phương là hoạt động hợp tác phát triển của EU với Việt Nam. Hỗ trợ của EU là tài trợ tài chính, và năm ngoái EU đã quyết định không những duy trì hỗ trợ phát triển cho Việt Nam mà còn tăng 33% viện trợ lên tới 400 triệu euro trong khoảng thời gian 7 năm (2014-2020).
Chúng tôi biết có những vấn đề cần phải giải quyết ở Việt Nam. Thông qua các chương trình hợp tác, chúng tôi cố gắng giải quyết những vấn đề này cùng với Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi hiểu rằng nhiều vấn đề khá là phức tạp và cần thêm thời gian và tiền bạc. Tuy nhiên, nếu tôi có một cây đũa thần để sử dụng cho công cuộc cải cách kinh tế, tôi sẽ dùng nó để tạo ra tính minh bạch kinh tế tốt hơn. Cây đũa thần này sẽ tạo ra sự hòa hợp tốt hơn giữa các lợi ích của quốc gia và của người dân. Nó sẽ tạo ra một nền tảng tốt hơn cho các chính sách trung và dài hạn.
Cuộc đời của một đại sứ đôi lúc được ví như là của một người du mục; di chuyển từ vùng đất này sang vùng đất khác, và luôn sẵn sàng để đi. Trải nghiệm của tôi có lẽ hơi khác một chút; tôi đã từng sống ở 7 quốc gia và luôn ở mỗi nơi khoảng 4 năm hoặc lâu hơn thế - đủ dài để gắn bó và cảm nhận được rằng mình thuộc về đất nước và con người nơi đây. Đối với tôi, cảm nhận này vô cùng lớn đối với Việt Nam, có thể bởi vì sự tương đồng về mặt văn hóa đến bất ngờ giữa châu Âu và Việt Nam, và cũng có thể bởi vì sự duyên dáng đến diệu kỳ của con người Việt Nam.
Xin cảm ơn những người bạn Việt Nam - những người đã cho tôi đặc ân được sống và làm việc tại đây.
Hà Nội, 8/2015
Tiến sĩ Franz Jessen nhận nhiệm vụ Đại sứ - Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam từ tháng 11 năm 2011. Ông Franz Jessen có bằng Tiến sĩ kinh tế tại Virginia Tech (Mỹ) và bằng Thạc sĩ về khoa học xã hội tại Đan Mạch. Trước khi tới Việt Nam, tiến sĩ Franz Jessen từng làm việc tại Bỉ, Trung quốc, Nhật Bản và Đan Mạch. Trong suốt 25 năm qua, ông tập trung chủ yếu vào Đông Á, làm việc trong lĩnh vực quan hệ chính trị và kinh tế giữa khu vực này với EU.