Đài nước sạch bỏ hoang, ngàn dân khát

TP - Hàng loạt công trình cấp nước sạch trên địa bàn huyện Đại Lộc (Quảng Nam) sau thời gian ngắn sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng bỏ hoang.

> Chưa bàn giao đã hỏng
> Công trình phơi nắng, dân khát

Chị Nguyễn Thị Hiền (thôn Nam Phước, xã Đại Tân) ngày ngày đạp xe 2km đi lấy nước giếng, dù nhà chị đã lắp đồng hồ nước sạch, dùng đường ống từ đài nước sạch vào nhà từ năm 2005.

“Khổ lắm, ngày nào cũng phải còng lưng đi chở nước, chỉ dám dùng cho nấu ăn, còn tắm giặt phải nín nhịn. Mà nước giếng này nhìn trong thế thôi chứ về nhà cũng phải đổ vào bể lắng lại, bẩn lắm”, chị nói.

Ba thùng nước sạch trên xe đạp, 5 người nhà chị Hiền chắt chiu dùng cho 1 ngày. Cha con anh Nguyễn Hữu Tiến (đội 5 Nam Phước) cũng phải đi hơn 3km mới tới được giếng ở nhà họp thôn để chở nước về.

Anh Nguyễn Tấn Tài – trưởng thôn Nam Phước, cho biết: Đài nước sạch này được tài trợ xây từ năm 2005, sử dụng được mấy tháng thì yếu dần rồi ngưng hẳn.

Nguyên nhân thì nhiều lắm, chủ yếu là cha chung không ai khóc, của cho, chẳng ai quản lý thôi. Đài nước sạch ở làng Yều (xã Đại Hưng) cũng rơi vào cảnh tương tự, bỏ hoang mấy năm nay.

Chỉ riêng xã Đại Thạnh đã có 4 đài nước bị hỏng, kể cả đài vừa mới làm từ năm 2010. Ông Huỳnh Văn Mười - Chủ tịch xã Đại Thạnh, cho hay: Từ năm 2001, tổ chức Đông Tây Hội Ngộ tài trợ 3 đài nước sạch, nhưng dùng được mấy tháng thì xảy ra nhiều sự cố như vỡ đường ống, máy không lọc được. Sau đó, xã trích kinh phí mua máy bơm, tổ chức duy tu bảo dưỡng cũng không ăn thua.

Công trình lúc đầu do HTX quản lý, nhưng thua lỗ nên HTX bỏ, sau đó nhà tài trợ có ý kiến nên để tư nhân, xã tổ chức đấu thầu, tư nhân vào làm được mấy tháng, lỗ dài nên bỏ không.

“Cái này do họ (nhà tài trợ - PV) khảo sát không thực tế, thậm chí cái đài đầu tư năm 2010, lấy nước từ sông Thu Bồn lên, mới chạy thử cũng hỏng, không sử dụng được”- ông Mười nói.

Có tiền mà cho cũng rất mệt

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Đại Lộc, trong số 14 dự án nước sạch do Đông Tây Hội Ngộ tài trợ cho huyện từ năm 2004, đến nay một nửa bị bỏ hoang.

Ông Trần Quốc Khánh - trưởng phòng nông nghiệp huyện cho biết đang khảo sát lại để trình lên tỉnh, cái nào còn dùng được cho tu bổ, cái nào không thể thì bỏ luôn.

Ông Khánh thừa nhận nhiều khi thôn xã cũng không nắm được quy trình. Nhưng quan trọng là lúc đầu tư, nhà tài trợ không bàn bạc với huyện, thành ra mỗi nơi một kiểu, hư đủ thứ, chỗ có nguồn nước không xây, chỗ xây thì nước bị nhiễm phèn.

Theo ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc: “Năm nay sẽ giải quyết công việc này, dù tiền của ai tài trợ thì để xảy ra tình trạng đó cũng rất lãng phí” - ông Tính nói.

Bà Hoàng Thị Hằng Tâm - Phó GĐ Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ tại Đà Nẵng, phụ trách dự án nước sạch môi trường miền Trung, cho biết: Một đài cấp nước sạch có giá từ 1-2 tỷ đồng, và tình trạng bỏ hoang không riêng gì ở Đại Lộc mà xảy ra hầu như khắp Quảng Nam.

“Có tiền mà cho cũng rất mệt, nhiều địa phương hưởng ứng nửa chừng, không quản lý được. Khảo sát ban đầu không vấn đề gì, chúng tôi có thử độ xianua ở sông Thu Bồn, có máy lọc sạch 100% cho bà con yên tâm, nhưng rồi không ai dùng. Sau này nhà máy cồn ethanol Đại Tân xả thải xuống, bà con bỏ hẳn”, bà Tâm than thở.

Theo Báo giấy