Ðại lộ Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ: Con đường từ di sản đến tương lai

TP - Ðược mở mang từ thời vua Gia Long, con kênh Tàu Hủ với hai con đường đất đôi bờ, từ năm 2005 đến 2011, đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (đại lộ Ðông - Tây) hình thành như một mạch đường nối liền từ di sản vùng đất Sài Gòn vươn thẳng đến tương lai tươi sáng.
Một góc đại lộ Võ Văn Kiệt về đêm lung linh ánh đèn.

Nối từ những di sản

Nếu như không có con kênh Tàu Hủ thì chưa chắc có đại lộ Ðông – Tây (nay là Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ), đó là sự khẳng định của các nhà đô thị học, khảo cổ học, văn hoá… khi nói về con đường này lúc hoàn thành vào cuối tháng 11/2011. Sử liệu và tài liệu ghi rằng, kênh Tàu Hủ ban đầu chỉ là một con rạch nhỏ hẹp, thường xuyên bị bùn đất bồi lấp gây cản trở dòng chảy khiến cho việc đi lại bằng ghe, xuồng, gặp nhiều hạn chế. Năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long đã lệnh cho Phó tổng trấn Gia Ðịnh lúc bấy giờ là ông Huỳnh Công Lý chỉ huy cải tạo, nạo vét lại. Công việc này được sách Quốc triều sử toát yếu (Chính biên) chép: “Phó tổng trấn Hoàng Công Lý đem 10 vạn dân, cấp tiền gạo đào sông từ thành Phiên An thông đến sông Mã Trường Giang . Ðào xong rồi, Ngài (Gia Long) đặt tên là An Thông Hà. Ðàng sông đã thông, thuyền bè qua lại đêm ngày, chỗ ấy thành một chỗ đô hội lợi ích cho dân lắm…”.

Ngoài tên gọi An Thông Hà, con kênh này còn được gọi là Kinh Mới hay rạch Chợ Lớn (do con kênh này chảy ngang Chợ Lớn). Sự thông thoáng, tiện dụng của con kênh đã nhanh chóng thu hút đông đảo khách thương hồ từ khắp nơi đổ về làm ăn buôn bán, tạo nên một quang cảnh “trên bến dưới thuyền” hết sức nhộn nhịp. Quang cảnh đó được Trương Vĩnh Ký miêu tả trong tác phẩm Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (năm 1885): “Hai bên bờ rạch Chợ Lớn là hai dãy nhà phố lớn bằng gạch gọi là Tàu Khậu để cho người Hoa từ Trung Quốc hằng năm đi ghe biển tới thuê. Họ đem hàng hóa chứa trong các phố đó, hoặc để bán sỉ hoặc bán lẻ khi lưu trú tại Sài Gòn…”.

Ðầu thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi ngành công nghiệp, thương mại Sài Gòn-Chợ Lớn bắt đầu phát triển mạnh, nhu cầu vận chuyển, trao đổi hàng hóa tăng cao nên hai bờ kênh Tàu Hủ được phát triển thành 2 tuyến giao thông thuỷ, bộ. Hàng hóa, nông thuỷ sản, sau khi được các thương lái chuyển về bến Bình Ðông, sẽ được xe ngựa, xe bò… chở về Chợ Lớn để phân phối lại. Trong số những nông sản ấy, lúa gạo là mặt hàng tối quan trọng. Ông Mạch Kỳ Lâm (75 tuổi) sống ở khu vực bến Bình Ðông cho biết: “Những ai từng sống và làm việc ở bến Bình Ðông thời ấy đều không thể quên các chành, từ người Hoa gọi chỗ chứa hàng, nhà máy xay xát, xuất khẩu lúa gạo. Ngày đó, hàng hóa, lúa thóc được người Hoa thu mua từ các tỉnh miền Tây về đây tập kết, xay xát rồi đem bày bán tại đường Trần Chánh Chiếu, quận 5”.

Khi triển khai dự án đại lộ Ðông-  Tây, chính quyền TPHCM “nhấn” rất rõ 4 yếu tố: Ðó là con đường này sẽ đi qua 4 khu vực đô thị với những đặc thù riêng. Ðầu tiên là khu đô thị mới Thủ Thiêm nằm ở quận 2, kế đến là trung tâm hành chính, văn phòng nằm ở quận 1. Ðiểm đến tiếp theo là trung tâm buôn bán, kinh doanh ở quận 5 và cuối cùng là vùng cảnh quan sông nước mang đậm dấu ấn “trên bến dưới thuyền” ở quận 6 và quận 8.

Ðại lộ Võ Văn Kiệt ven kênh Tàu Hủ.

Dòng kênh Tàu Hủ giờ đã sạch, đẹp, trong xanh hơn, những khu nhà ổ chuột xập xệ cũng được giải tỏa và chuyển đi nơi khác. Dọc hai bờ kênh, khu quận 5, 6, 8… vẫn còn nhiều ngôi nhà có lối kiến trúc rất đẹp và rất đặc trưng. Ðó là sự kết hợp hài hòa giữa đường nét Ðông Á của người Hoa và chất Tây phương. Ðó là dấu ấn rõ nét nhất của sự giao thoa văn hóa ở khu vực này”. Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, hiện khu vực này vẫn còn khoảng trên 400 ngàn căn nhà có tuổi đời trên trăm năm. Riêng quận 5, bao năm qua vẫn duy trì một lối kinh doanh độc nhất một nghề, một mặt hàng. Ðiển hình trong số đó là khu phố thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục, Lương Nhữ Học… tạo nên điểm sáng trên con đường “di sản”.

Gần đây, ngành du lịch TP đã triển khai thí điểm một vài tuyến du lịch đường sông, hoạt động văn hóa (đua thuyền, chợ nổi…) cùng với việc bảo tồn, tôn tạo một số cảnh quan, kiến trúc tiêu biểu, khu bán thuốc đông y cổ truyền sẽ trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng trong nay mai. Tất cả, đều gắn với lịch sử hình thành Sài Gòn - Chợ Lớn đã hơn 300 năm qua, dọc theo con kênh Tàu Hủ và giờ đã trở thành một trong những đại lộ hiện đại, đẹp nhất phía Nam.

Ðến “con đường tơ lụa” tương lai

Kỳ họp HÐND TPHCM vào tháng 7/2010, đã thông qua tờ trình đề xuất lấy tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt cho Ðại lộ Ðông - Tây (đoạn thuộc địa bàn quận 2 được gọi là Mai Chí Thọ). Ðược coi là con đường chiến lược của TPHCM và là điểm nhấn quan trọng nhất của cửa ngõ đi qua Thủ Thiêm, góp phần cho việc giãn dân cư đô thị về phía bờ Ðông sông Sài Gòn và phía Nam TPHCM, đặc biệt đối với khu đô thị mới và Trung tâm thương mại Thủ Thiêm, khi TP sẽ phát triển về hướng Ðông và hướng Nam. Một giá trị nhân văn, cảnh lớn khác của đại lộ Ðông - Tây, là cải tạo môi trường ven kênh, tạo vẻ mỹ quan TP cùng với sự “biến mất của hơn 10.000 nhà, “chòi” ổ chuột ở hai bên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Kéo theo đó là sự “đổi đời” của hàng chục vạn người dân với cuộc sống tốt hơn và môi trường sống văn minh hơn.

Giờ đây, ven kênh là những công viên cây xanh, công trình công cộng xanh mướt, lung linh ánh sáng vào chiều tà. Hiện điểm đầu của Ðại lộ Ðông - Tây (quận 2) đã được kết nối với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và điểm cuối cũng sẽ được kết nối với đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Kết nối này sẽ giúp giao thông từ các tỉnh ÐBSCL, Ðông Nam Bộ và các tỉnh miền Trung, miền Bắc thông suốt khi đi qua khu vực này, góp phần cho việc phát triển kinh tế của TPHCM nói riêng và cả vùng Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nói chung. Ðặc biệt khi sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng xong sẽ giúp giao thông tại ÐBSCL, TPHCM và cả vùng Ðông Nam Bộ “hoà vào làm một”.

Là “con đường di sản” và đang vươn mình thành “con đường xương sống” của trục Ðông - Tây TP, đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, dài gần 22 km, đã chứng tỏ là một trục đường phát triển kinh tế, xã hội quan trọng bậc nhất phía Nam. Khi nó nối liền các vùng tam giác phát triển kinh tế, xã hội nối miền Ðông và miền Tây cả nước. Từ hầm Thủ Thiêm, hầm chui vượt sông hiện đại nhất Ðông Nam Á, rồi sau này là hàng loạt cây cầu nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm đang dần hình thành, sẽ biến bán đảo vốn “heo hút” này trở thành đô thị hiện đại nhất khu vực phía Nam. Các điểm nhấn kết nối này từ đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, sẽ trở thành một dải “con đường tơ lụa” nối liền, góp phần với sự phát triển và đi lên từng ngày của kinh tế, xã hội đất nước.

Là “con đường di sản” và đang vươn mình thành “con đường xương sống” của trục Đông - Tây thành phố, đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, dài gần 22 km, đã chứng tỏ là một trục đường phát triển kinh tế, xã hội quan trọng bậc nhất phía Nam. Khi nó nối liền các vùng tam giác phát triển kinh tế, xã hội nối miền Đông và miền Tây cả nước.