'Đại lão' Hoàng Sa

TP - Ở tuổi gần 90, sống khỏe đã hiếm, viết khỏe, nghiên cứu khỏe càng hiếm hơn. Gần 20 năm nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương dành trọn tuổi hưu không ngừng nghỉ cho dự án đầy tâm huyết về Hoàng Sa trên từng trang sách, báo.

THEO DẤU ĐẢO THIÊNG

Chiều se lạnh cuối năm ghé thăm ông tại căn nhà riêng trên đường Trần Quý Cáp (Đà Nẵng). Ông cẩn thận kéo sau lớp nilon những xấp giấy A4 dầy cộp, bản thảo viết tay có tựa “Quần đảo Hoàng Sa không thể chuyển nhượng chủ quyền của Việt Nam”.

Bản thảo 400 trang, chia ra gần 20 chương, thể hiện cụ thể, sinh động từng góc cạnh Hoàng Sa. Ông bảo, phải tự tay viết, rồi cũng chỉ gửi bản viết tay này cho các cơ quan chức năng thẩm duyệt, in ấn. Bởi những điều chép ra phải từ đáy lòng, trí óc. Dự án tâm huyết này chiếm mất của ông hơn chục năm ròng nghiên cứu, sưu tập tài liệu, tổng hợp, viết bài...

Năm 1997, Đà Nẵng chia tách từ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũ. Hoàng Sa thành đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc Đà Nẵng. Lúc này, các tư liệu, sách báo chính thống về Hoàng Sa khá hạn hữu, khó tiếp cận. Thế là ông bắt đầu tìm đến các Trung tâm lưu trữ 1 (Hà Nội), Bộ Ngoại giao, vào TP. Hồ Chí Minh lục tìm Trung tâm lưu trữ 2, rồi lân la khắp các tiệm sách cổ, sách chuyên khảo nước ngoài, sách phế liệu, sách trước 1975...

Thời điểm ấy phương tiện di chuyển, in ấn quá khó khăn. Mỗi chuyến “công tác”, ngắn chục ngày, dài thì hơn tháng. Vợ ông, bà Lê Thị Thanh Toàn kể: có năm ông đi đến cả chục bận. Ổng đã tâm huyết thì làm đến cùng. Tôi đi một chuyến với ổng, thấy vất vả quá nên ở nhà.

Bản thảo viết tay về Hoàng Sa của ông Tương.

Ông nhớ có lần tìm đọc danh mục bài “Kí sự hành trình đến quần đảo Hoàng Sa” của ông Jean Yves Claeys (Pháp) in trên Tạp chí Đông Dương (1944), đang lưu trữ Trung tâm Quốc gia 1, nhưng tìm chỉ thấy đề mục mà không bản lưu. Cả tháng ròng tìm kiếm, trong chuyến ra Huế, ông bắt gặp bài viết này đăng lại trong tạp chí Những người bạn cố đô Huế (BAVH), mừng run người. Đáng nhớ, xúc động nhất phải kể đến hành trình tìm nhân chứng Hoàng Sa.

“Địa danh thay đổi, nhiều người chuyển vị trí. Có khi vài tháng mới tìm nhân chứng. Được nghe từng lời họ kể, như thấy một Hoàng Sa đang hiện hữu trước mắt”. Tôi nhìn bản phụ lục, có đến hơn đầu 150 sách, tài liệu tham khảo, trong đó gần 40 tài liệu nước ngoài. Hiếm ai như ông, đọc, dịch vanh vách 2 ngoại ngữ tiếng Anh, Pháp và “gắt lưng” mớ kiến thức đồ sộ về chữ Hán, chữ Nôm.

 “Lịch sử là thời sự của quá khứ. Quy luật đầu tiên của sự học là không được viết cái gì không đúng với sự thật và không một sự thật nào mà không được nêu lên. Từng trang viết Hoàng Sa của tôi là những điều như thế ”.  

Nhà nghiên cứu
Nguyễn Phước Tương

Năm 2008, ông Tương mới chính thức đăng ký với Sở KH&CN TP.Đà Nẵng viết sách về Hoàng Sa. Đà Nẵng đồng ý chủ trương, ông miệt mài biên soạn, chắp bút. 8 tháng trời, ngày hay đêm lão dành phần lớn thời gian chong đèn. Một cấu trúc mạnh lạc, khoa học từ bản thảo cho thấy cái nhìn toàn diện, quy mô nhất về Hoàng Sa từ vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, các tư liệu cổ phương Tây, Việt Nam và cả Trung Quốc khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo thiêng liêng Hoàng Sa, đến nhân chứng Hoàng Sa; luận cứ của Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền Hoàng Sa, đầy bút lực...

Không phải đến những năm 2011-2012, khi những công bố bản đồ cổ khẳng định cực nam Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, từ 2008, ông đã phát hiện và khẳng định luận cứ hùng hồn, xác đáng này trong bản thảo về Hoàng Sa của mình. Tác phẩm lần lượt được Ban Tuyên giáo, Sở KH&CN, Sở Nội vụ, huyện đảo Hoàng Sa, Hội Khoa học lịch sử... thẩm định và đều được tán đồng, gửi cơ quan T.Ư xem xét, in ấn.

NHÀ THÚ Y, VI SINH HỌC...VIẾT TRUYỆN

Quê gốc miền lũ Đại Lộc (Quảng Nam), ông Tương sinh ra ở Hội An. Từ năm 1946, ông theo bố ra Huế, rồi rút ra quân khu 4, mạn Thanh Hóa. Tại đây, ông công tác Viện Nghiên cứu thú y T.Ư, rồi chuyển nghề sang “gõ đầu trẻ” cấp 2. Năm 1954, tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp, ông chuyển về Nghệ An dạy trường Trung cấp Nông lâm T.Ư. Hơn chục năm sau, ông sang làm giảng viên ngành vi sinh vật học tại ĐH Nông nghiệp 2. Nhớ lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm trường (năm 1975), có giao nhiệm vụ cả trường nghiên cứu về con trâu.

Ông Tương mạnh dạn đăng ký, rồi biên soạn sách đầu tay về “Đặc điểm sinh học - di truyền và tính năng của trâu”, do Viện Khoa học thông tin xuất bản. Tác phẩm đến tay Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông Tương nhớ như in bức thư Thủ tướng viết thư khen tặng. Lúc chuyển làm Phó giám đốc Cty Chăn nuôi thú y (HTX Nông nghiệp tại Quảng Nam), ông để lại dấu ấn khi nghiên cứu thành công 2 loại thuốc tăng trọng lợn Naivinam; thuốc mở thay thuốc kháng sinh Furamicin...

40 năm nghiên cứu, ông có gia tài gần 20 tác phẩm, sách tự biên soạn; trên 20 cuốn viết chung và 4 sách chuẩn bị xuất bản. Các trang viết xuất hiện đủ lĩnh vực từ bài thuốc biệt dược thú y; kí sinh trùng cả đến sách nghiên cứu văn hóa (Hội An, di sản Thế giới ; Quảng Nam, Đà Nẵng – Đất nước, con người, đổi mới...) và cả tác phẩm truyện ngắn (Phố cổ êm đềm), tập truyện vừa (Hương sắc vườn quê). Thế rồi ngay từ khi chuyển công tác sang Trung tâm thông tin tư liệu (Sở KHCN&MT Quảng Nam-Đà Nẵng cũ), ông đã viết nhiều bài chuyên đề Hoàng Sa - 1 bộ phận không thể tách rời của Việt Nam cho các tham luận của lãnh đạo tỉnh.

TRĂN TRỞ

Thoáng buồn, ông kể đời mình từng bị “thầy” gieo quẻ tài hoa nhưng lận đận. Bốn lần lão đấu tranh tố cáo tiêu cực ở 4 cơ quan đều bị trù dập, chuyển công tác. Những người đứng đầu các cơ quan này sau bị thanh tra, kẻ tù tội, kẻ thoái vị vì những sai phạm của mình. Ông bảo những lận đận cuộc đời “vận” vào trang sách. Tròn 5 năm, ngày bản thảo Hoàng Sa hoàn thiện và được Đà Nẵng thẩm định, tác phẩm này vẫn chưa thể xuất bản. “Nhiều NXB điện, ghi nhận bản thảo tốt nhưng chờ thời điểm thích hợp. Nguyện vọng lớn nhất của tôi là mong tác phẩm sớm được công nhận”. Những năm gần đây, ông Tương lần lượt công bố từng phần mục nghiên cứu Hoàng Sa của mình trên các báo, tạp chí.

Theo ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), hiếm ai như ông Tương, tuổi cao vẫn dành công sức, nhiệt tâm cho các công trình nghiên cứu về Hoàng Sa. “Bản thảo “Quần đảo Hoàng Sa không thể chuyển nhượng chủ quyền của Việt Nam” là một đóng góp lớn, với những nghiên cứu khoa học, quy mô, được Đà Nẵng thẩm định. Tuy nhiên, việc in ấn không thuộc thẩm quyền địa phương. Huyện đang kiến nghị cơ quan chức năng sớm biên soạn, chỉnh sửa để có thể xuất bản, đóng góp cho công cuộc đấu tranh bảo vệ lãnh thổ chủ quyền biển đảo quốc gia”, ông Ngữ nói.

Năm 2013, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi thư cho ông Tương, trong đó có đoạn: “Tôi được biết mặc dù tuổi đã cao nhưng anh vẫn dành nhiều thời gian công sức để nghiên cứu và có những cuốn sách, bài viết có giá trị, được các tổ chức, cơ quan của Đà Nẵng ghi nhận, đánh giá cao, nhất là viết về lịch sử chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi rất trân trọng những nỗ lực, tâm huyết của anh trong những hoạt động có ý nghĩa này”

Xuất quân chúc Tết Trường Sa

Đúng 15h30 ngày 21/12, lễ hành quân ra chúc tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đảo Trường Sa đã được cử hanh tại cầu Cảng Cam Ranh.

Các tập thể, cá nhân lần lượt xuống các tàu HQ 996, HQ 936 và HQ 571? xuất phát theo 3 tuyến đi 3 hướng Bắc – Trung – Nam của quần đảo Trường Sa.

Theo Đại tá Nguyễn Công Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4, nét mới năm nay là gần 120 con heo sống được chuyển ra đảo đều do đơn vị tự chăn nuôi, chất lượng rất cao.

Năm nay ở các điểm đảo đều tổ chức tốt tăng gia, chăn nuôi được gia súc, gia cầm với lượng thực phẩm hiện có lên tới hàng chục tấn.

Bên cạnh chế độ tiêu chuẩn theo quy định, cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa còn được Quân chủng Hải quân tặng quà với mức 500.000 đồng/người hưởng lương, và 250.000 đồng/hạ sĩ quan,?chiến sĩ. Trong dịp này, Bộ tư lệnh Vùng 4 cũng tặng quà 300.000 đồng/người cho người hưởng lương và 150.000 đồng/người với hạ sĩ quan,?chiến sĩ. Số tiền này sẽ được cộng vào tiền lương và phụ cấp của từng quân nhân.?

Nhiều tập thể, cá nhân cũng gom góp ủng hộ cán bộ, chiến sĩ.

Theo Báo giấy