Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, anh N.D.D., sinh viên lớp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh khoá 2017 học tại Viện Âm nhạc (Hà Nội), cho biết, năm 2017, khi nhận được thông tin trường tuyển sinh, anh đã đăng ký. Nhưng khi học được khoảng mấy tháng (anh không nhớ rõ mình đã học bao lâu) thì xảy ra việc trường bị cơ quan an ninh điều tra vào cuộc điều tra.
Đến lúc đó, anh mới biết mình bị lừa nên thôi học luôn và làm thủ tục đăng ký tuyển sinh vào một trường đại học khác. Đến nay, nhiều người trong lớp anh D từng học tại Trường ĐH Đông Đô có đơn gửi về trường yêu cầu bồi hoàn kinh phí, anh nói.
Học viên Trần Khắc D, lớp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh lớp NA823.02.32 (học tại ĐH Đông Đô) nói rằng, anh đi học để nâng cao trình độ tiếng Anh. Cuối năm 2017, trường ĐH Đông Đô thông báo tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy ngành Ngôn ngữ Anh thông qua phương tiện truyền thông và công văn thông báo tuyển sinh. Anh đăng ký học và nhận giấy báo nhập học vào năm 2018.
Tháng 4/2019, anh Trần Khắc D và các bạn học thấy báo chí - truyền thông đưa tin về những sai phạm trong đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của ĐH Đông Đô nên đến trường nhiều lần, yêu cầu giải thích. Giáo viên chủ nhiệm lớp, cô Trần Như Ngọc, đã trình ra cho lớp một văn bản có dấu đỏ của Bộ GD&ĐT cho phép nhà trường đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh. Học viên lúc đó yên tâm và học tiếp.
Tháng 8/2019, hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô bị bắt. Lớp của học viên Trần Khắc D lại tiếp tục lên làm việc với trường nhiều lần; nhà trường cam kết bảo vệ quyền lợi cho học viên. Nếu Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo tiếp thì nhà trường sẽ đào tạo, còn nếu Bộ không cho đào tạo thì nhà trường sẽ trả tiền cho học viên.
Sau đó, nhà trường lấy lý do tài khoản đã bị công an phong tỏa nên không hoàn trả học phí được. Các học viên của lớp NA823.02.32 lên làm việc với Bộ GD&ĐT nhiều lần; Bộ trả lời chung chung là chờ kết quả điều tra của cơ quan công an và tòa án, anh Trần Khắc D nói.
“Quan điểm của các học viên như chúng tôi hiện nay là không muốn học tiếp vì nhà trường quá tai tiếng và mong muốn nhà trường trả lại học phí vì chúng tôi mới học được 3 tháng. Trong khi đó, khi nhập học, nhà trường yêu cầu học viên đóng học phí toàn khóa là 29,82 triệu đồng. Khi hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô bị bắt và vỡ lở trường đào tạo chui như vậy, chúng tôi là học viên của trường rất chán và xấu hổ”, anh Trần Khắc D nói.
Theo anh, lớp của anh học thật - đi học, kiểm tra và thi đầy đủ theo quy định của nhà trường; một số người học để làm tiến sĩ nên họ rất chăm chỉ. Tuy nhiên, các học viên cũng thừa nhận, vì đầu vào Trường ĐH Đông Đô dễ hơn các trường khác nên tìm đến học.
Người của Bộ GD&ÐT cũng bị lừa
Theo tài liệu mà phóng viên Tiền Phong có được, danh sách sinh viên văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh lớp NA823.03.32 (nhập học tháng 1/2019) gồm 49 người. Ngoài học viên Trần Khắc D, còn có 4 học viên đến từ Bộ GD&ĐT; 13 học viên đến từ các học viện, trường ĐH khác ở Hà Nội như Học viện An ninh Nhân dân, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Trường ĐH Kiến trúc…
Lớp NA823.01.24 (nhập học ngày 29/12/2018) có 66 học viên, gồm 38 học viên đến từ các học viện, trường ĐH, như Trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội, một trường thành viên của ĐH Huế… Đại diện trường ĐH Giao thông Vận tải nói rằng, các học viên có tên trong danh sách đều là giảng viên của trường và đều đã là tiến sĩ, phó giáo sư. Việc đăng ký học văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh là để nâng cao trình độ ngoại ngữ. Trong những học viên đang làm nghiên cứu sinh tại trường, sau khi rà soát, không có ai từng tốt nghiệp văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh tại trường ĐH Đông Đô.
Bộ GD&ÐT nói rằng, các cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ sẽ rà soát và phân loại những trường hợp người học biết hoặc không biết rõ về việc đào tạo và cấp bằng sai quy định của Trường ÐH Ðông Ðô để có biện pháp xử lý phù hợp, đúng bản chất. Việc công khai hay không công khai danh tính những cá nhân sử dụng văn bằng không hợp pháp sẽ do cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định của pháp luật.