'Đại gia' lại mất điểm
> Tê giác tặng ông Trầm Bê giá bao nhiêu?
Khi đám mây đen bao quanh một số “đại gia” còn chưa tan sau những vụ thâu tóm doanh nghiệp hay liên quan đến các lợi ích nhóm, vụ bị mất cắp sừng tê bạc tỉ của ông Trầm Bê lại khiến cho các “đại gia” càng thêm “mất điểm” trong sự đánh giá của xã hội.
Bề nổi của tảng băng
Cho đến nay, sự tranh cãi về tính hợp pháp của con tê giác nhồi bông hai sừng của ông Trầm Bê chưa ngã ngũ. Thế nhưng, cho dù là hợp pháp, việc các “đại gia” chơi những loại “thú nhồi bông” cực kỳ quý hiếm như trên khó có thể được xem như là một thú vui tao nhã của giới lắm tiền.
Tê giác châu Phi hiện có một “thiên địch” đáng sợ, đó là một lượng không ít các đại gia Việt. Trong năm 2012 này, Bộ Môi trường Nam Phi từng bác toàn bộ 23 trong số 43 bộ hồ sơ xin được cấp phép đi săn tê giác của các đại gia Việt Nam.
Sự từ chối này có lẽ xuất phát từ những vụ săn trộm và buôn lậu sừng tê giác liên quan đến người Việt. Theo thống kê, hàng năm có khoảng 100 cái sừng tê được nhập khẩu chính thức hoặc buôn lậu vào Việt Nam.
Như vậy, so với đại gia các nước, các đại gia Việt ăn đứt được cái khoản đi săn tê giác, điều mà các đại gia của Âu Mỹ khoái chứng tỏ mình thời “tư bản dã man” xưa lơ xưa lắc vẫn thường làm.
Những câu chuyện huyền hoặc về một thứ thần dược trị ung thư hay bách bệnh của sừng tê đã được khoa học và thực tế bác bỏ. “Công dụng” đã được công nhận của sừng tê giờ chỉ là một loại… “thuốc giã rượu” cho các đại gia thường xuyên tiệc tùng yến ẩm…
Văn minh bảo tồn
Đọc nát cả trên mạng người ta cũng không tìm được một thông tin nào về chuyện các đại gia bỏ tiền tài trợ cho các dự án bảo tồn sinh thái. Thay vào đó là đầy rẫy những chuyện đại gia mua các loài động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng về làm “thú cưng” hay “thú nhồi bông”.
Theo ước tính của Quỹ bảo tồn động vật hoang dã, ở Việt Nam giờ chỉ còn khoảng 30 con hổ trong tự nhiên, thế nhưng có những đại gia có từng đàn hổ báo trong nhà. Gấu thì bị nhốt như gia súc và bị khai thác mật một cách thê thảm cũng chỉ để phục vụ cho việc ăn nhậu.
Nhiều người ở xứ ta chắc ít biết đến chuyện thế giới đã chuyển mạnh sang nền văn minh bảo tồn. Ngay từ thập niên 70 của thế kỷ trước, đã có triết gia kêu đòi “giải phóng loài vật” và trả lại quyền sinh tồn cho loài vật.
Các triết gia môi trường của Đức trong các thập kỷ kế tiếp còn yêu cầu mở rộng khái niệm kính nể, trách nhiệm, tôn trọng và phẩm giá, những khái niệm nhân bản trước giờ chỉ dành cho con người, ra với toàn bộ tự nhiên.
Đã có những phong trào trên thế giới kêu gọi chấm dứt việc ngược đãi, giết thịt, việc trưng bày hay huấn luyện làm xiếc và cả việc sử dụng động vật làm thí nghiệm y học.
Bén gót “thần tượng”
Xét cho cùng, giới doanh nhân luôn là một thiểu số dễ bị kỳ thị, đố kỵ nhất trong bất kỳ một xã hội nào. Việc các doanh nhân như Bill Gates, Steve Jobs trở thành thần tượng của không ít những người thuộc giới trẻ trên thế giới là một hiện tượng mang tính lịch sử.
Điều này cho thấy, giới doanh nhân thời hiện đại giờ đã đạt được tố chất của những “người hùng” hay các “ngôi sao”: họ có tố chất của những nhà phát minh, khai phá thời trước cộng với tố chất của nhà kinh doanh hiện đại.
Giới doanh nhân văn hóa thế giới đã đạt được nhận thức toàn cầu như công việc của họ. Ngược lại, không ít các đại gia xứ ta có lẽ chỉ ở tầm “trọc phú nhà quê”. “Tôi sở hữu, tức là tôi tồn tại”.
Việc mở rộng, khuyếch trương “cái tôi” bằng những vật sở hữu như đang có của các đại gia xứ ta cho thấy điều đó. Những dinh thự, siêu xe, mỹ nữ hay các loài vật hiếm… chính là biểu hiện của ý thức đó…
Theo Đoàn Đạt
Sài Gòn Tiếp Thị