‘Đại gia Gatsby’ ồn ào truyền thông thực sự là ai?

TPO - Giữa ồn ào về "đại gia Gatsby" được cho là hình tượng “những người làm ra đất nước", vậy Gatsby là ai?

Trên thực tế, “The Great Gatsby” (tạm dịch: Gatsby vĩ đại) là tiểu thuyết của nhà văn Mỹ F.Scott Fitzgerald, ra mắt vào giữa những năm 1920. Tác phẩm này được tạp chí Time bình chọn là một trong 10 tác phẩm văn học vĩ đại nhất mọi thời đại. Cuốn tiểu thuyết trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim ở cả lĩnh vực điện ảnh lẫn truyền hình, trong đó đình đám nhất là bộ phim chiếu rạp cùng tên do tài tử Leonardo DiCaprio đóng chính.

Jay Gatsby do Leonardo DiCaprio đóng.

Tiểu thuyết xoay quanh Jay Gatsby, một người New York giàu có, thường tổ chức những bữa tiệc xa hoa hàng tuần. Ẩn sâu trong lối sống hưởng thụ và ngoại hình bóng bẩy, Gatsby thực sự là người đàn ông nghèo xuất thân từ nông thôn, bị ám ảnh bởi việc thay đổi danh tính, gột bỏ quá khứ. Tác phẩm lấy bối cảnh tại Long Island (New York) vào những năm 1920, đây là thời điểm mà nền kinh tế Mỹ phát triển rực rỡ trước khi kết thúc do khủng hoảng năm 1929.

Jay Gatsby vốn là thanh niên nghèo tên James Gatz, kiếm cơm bằng công việc tay chân tạm bợ. Sau này, đi lính trong Thế chiến I, Gatsby gặp và đem lòng yêu tiểu thư xinh đẹp Daisy. Tuy nhiên, chuyện tình ngọt ngào không thể chiến thắng thực tế trần trụi rằng Gatsby là kẻ không xu dính túi.

Vì Daisy, sau khi giải ngũ, Gatsby quyết tâm làm giàu bằng mọi giá, kể cả phi pháp như buôn rượu lậu. Cuối cùng, anh cũng chạm đến mục tiêu trở thành đại gia thực thụ. Đáng tiếc, lý tưởng của anh - Daisy đã là “vợ người ta”.

Gatsby không từ bỏ. Anh thường xuyên tổ chức những bữa tiệc xa hoa, rộn ràng tiếng nhạc, cười nói và rực rỡ ánh đèn, chỉ vì muốn thu hút sự chú ý của người đẹp. Trong khi Gatsby không tiếc phung phí tiền bạc để đổi lấy tình yêu, Daisy ngược lại, bị thu hút bởi vật chất hào nhoáng. Khi gặp lại tình cũ với diện mạo mới, giàu có và si tình, Daisy dần sa vào mối quan hệ ngoài luồng để khỏa lấp được tính cách phù phiếm, cũng như nỗi ê chề có chồng ngoại tình.

Gatsby là gã cô đơn, si tình giữa một "nước Mỹ trống rỗng", u mê vì vật chất vào thập niên 1920.

Bi kịch của Gatsby là trao trái tim nhầm chỗ. Anh vì một phụ nữ thực dụng, ích kỷ lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, rồi gánh tội giết người thay người đẹp và cuối cùng chết đi trong sự cô đơn, chỉ còn lại người hàng xóm quan tâm lo hậu sự.

Biểu tượng nổi tiếng nhất từ tác phẩm này là ánh đèn xanh. Gatsby thường ngồi ở cuối bến tàu gần nhà, nhìn chằm chằm về ánh đèn xanh phía bên kia vịnh. Một số cuộc tranh luận nổ ra để giải thích về ý nghĩa thực sự của biểu tượng này. Hầu hết các diễn giải đều cho thấy sự liên quan đến chủ nghĩa tư bản và “giấc mơ Mỹ”, có thể đại diện cho tiền bạc, lòng tham của con người.

Jared DeFife, một giáo sư tại Đại học Emory, đã có bài phân tích tâm lý nhân vật Gatsby trên Youtube. Ông cho rằng, một trong những động lực chính của Gatsby là sự xấu hổ về xuất thân. Mọi nỗ lực của anh đều xuất phát từ sự xấu hổ. Gatsby đổi tên, chuyển đến New York, giả mạo bằng cấp từ Oxford và làm mọi thứ trong khả năng để phủ nhận xuất thân nghèo khổ.

Gatsby vì tình yêu nhưng cũng vì nỗi xấu hổ về xuất thân mà tìm cách đổi đời.

Trong khi chủ nghĩa vật chất thường bị chỉ trích, “The Great Gatsby” cung cấp một cái nhìn trưởng thành về chủ đề này, trình bày chủ nghĩa duy vật dưới một “ánh sáng hiện sinh” hơn.

Rõ ràng “The Great Gatsby” là tác phẩm châm biếm, phê phán một xã hội thực dụng và u mê bởi vật chất của người Mỹ. Dẫu vậy, bất chấp cái nhìn bi quan về “giấc mơ Mỹ”, nhiều người mong muốn được giống như Gatsby. Cả tác phẩm và nhân vật Gatsby đều như lời nhắc nhở, “giấc mơ Mỹ” không phải đích đến mà là mưu cầu, động lực cho hạnh phúc.

Theo Theo Usustatesman