Đại diện Việt Nam hoàn thành khóa học đào tạo hợp tác giữa IAEA và Tập đoàn ROSATOM

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) đã phối hợp tổ chức khóa đào tạo đầu tiên về Quản lý năng lượng hạt nhân nhằm đào tạo các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hạt nhân tại Học viện kỹ thuật của Tập đoàn ROSATOM. Các học viên đầu tiên của khóa đào tạo kéo dài hai tuần này đã được trao chứng chỉ tốt nghiệp vào ngày 16 tháng 9 vừa qua.
Khóa đào tạo Quản lý năng lượng hạt nhân có sự tham gia của 29 học viên đến từ 16 quốc gia trên thế giới

Khóa đào tạo Quản lý năng lượng hạt nhân được tổ chức từ ngày 4 đến ngày 15 tháng 9 tại thành phố Saint-Petersburg và Obninsk, với sự tham gia của 29 học viên đến từ 16 quốc gia là Argentina, Brazil, Bulgaria, Ai Cập, Việt Nam, Hungary, Iran, Jourdan, Kenia, Mexico, Nigeria, Ba Lan, Romania, Slovakia, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Theo đó, hai đại diện của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Hoa Mai, nghiên cứu viên của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (VINATOM) và ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chánh Văn phòng của Cục Năng lượng Nguyên tử (VAEA) đã hoàn thành xuất sắc khóa học.

Các học viên hiện là các nhà quản lý hàng đầu về các chương trình hạt nhân quốc gia đã được giới thiệu chi tiết về vị trí và vai trò của năng lượng hạt nhân trong bối cảnh toàn cầu. Các học viên cùng với các chuyên gia của IAEA và Tập đoàn ROSATOM đã có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và áp dụng các thực hành tiên tiến liên quan đến khía cạnh kỹ thuật, pháp lý, tài chính cũng như xã hội của chương trình hạt nhân quốc gia. Trọng tâm của khóa đào tạo là các nội dung về công nghệ và quản lý tri thức hạt nhân. Khóa đào tạo hợp tác giữa Tập đoàn ROSATOM và IAEA về quản lý năng lượng hạt nhân đóng vai trò là một công cụ hiệu quả trong công tác chuyển giao tri thức và kinh nghiệm quản lý. 

Tiếp nối thành công của khóa đào tạo hợp tác giữa IAEA và Tập đoàn ROSATOM, trong năm 2017, các khóa đào tạo hợp tác khác đã được tổ chức ở Nhật Bản, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Nam Phi. Hai khóa đào tạo hợp tác niên khóa 2018 dự kiến sẽ được tổ chức tại Nga và các nước khác. Phát biểu về các chương trình đào tạo niên khóa 2018, ông Oszvald Glockler, chuyên gia cao cấp về quản lý tri thức hạt nhân của IAEA cho biết thêm: “Một trong các mục tiêu của IAEA là hỗ trợ các nước là thành viên mới, qua đó chúng tôi hy vọng có thể chia sẻ kinh nghiệm hữu ích thúc đẩy các cơ hội phát triển năng lượng hạt nhân an toàn và bền vững. Chúng tôi đang xúc tiến phát triển mạng lưới các trường đại học trên thế giới bằng cách chia sẻ các kiến thức kỹ thuật. Hiện IAEA đang hỗ trợ các nội dung như kỹ thuật hạt nhân, quản lý hạt nhân, khoa học hạt nhân cũng như đào tạo kỹ thuật hạt nhân trong các trường đại học. Chúng tôi đang tích cực làm việc với các trường đại học nhằm hỗ trợ phát triển hoặc cải tiến các chương trình quản lý hạt nhân hiện có trong nhà trường.”

Hai đại diện của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Hoa Mai, nghiên cứu viên của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chánh Văn phòng của Cục Năng lượng Nguyên tử  đã hoàn thành xuất sắc khóa học
Ông Nguyễn Văn Trường, học viên đại diện của Việt Nam, và hiện đang công tác tại Cục Năng lượng nguyên tử (VAEA) bày tỏ sự cảm kích khi được tham gia khóa học. Ông chia sẻ: “Sau khóa đào tạo kéo dài hai tuần tôi đã tiếp thu được rất nhiều kiến thức bổ ích không chỉ từ các giảng viên, các chuyên gia mà còn từ các bạn học viên của các nước khác. Đó là các kiến thức nền tảng về hệ thống cơ bản của một quốc gia khi muốn đầu tư nguồn lực vào phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân. Các kiến thức này sẽ giúp ích cho tôi rất nhiều khi tôi tham gia vào công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các dự án liên quan đến phát triển hạ tầng hạt nhân tại Việt Nam.

Kể từ khóa đào tạo hợp tác đầu tiên được tổ chức tại Nga vào năm 2016, các khóa đào tạo về quản lý năng lượng hạt nhân tiếp tục được tổ chức nhằm tạo động lực cần thiết cho các nhà quản lý và các chuyên gia, những người trực tiếp tham gia vào phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân cũng như các chương trình năng lượng quốc gia. Điều này đóng vai trò đặc biệt quan trọng ở các quốc gia khi bắt đầu phát triển năng lượng hạt nhân cũng như đặt mục tiêu sản xuất điện hạt nhân ở các quy mô khác nhau.