Trong công tác xây dựng pháp luật, xuất phát từ thực tiễn sinh động của thành phố, ĐBQH TPHCM tiếp tục đổi mới phương thức, quy trình tổ chức lấy ý kiến xây dựng luật ở địa phương. Làm sao tạo điều kiện để đông đảo tầng lớp nhân dân được tham gia ý kiến vào các dự án luật.
Trong việc tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, theo ông Thăng, là ĐBQH đại diện cho cử tri của một thành phố có truyền thống năng động, sáng tạo, đề nghị ĐBQH dành nhiều tâm sức nắm bắt các vấn đề thực tiễn sinh động của đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, bằng nhiều cách khách nhau và thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Tập hợp được trí tuệ của nhân dân thành phố nhằm đóng góp hiệu quả trong quá trình quyết định các vấn đề lớn của đất nước.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tặng hoa chúc mừng các vị ĐBQH TPHCM khóa XIV. Ảnh: Quốc Ngọc
Bí thư TPHCM nhấn mạnh, trong hoạt động giám sát: “Tôi đề nghị các vị ĐBQH thẳng thắn và có trách nhiệm, không nể nang, “dĩ hòa vi quý” trong hoạt động giám sát. Cần có các kiến nghị cụ thể trong quá trình giám sát để giúp cho chỉ đạo, điều hành các cấp chính quyền tốt hơn, kịp thời chấn chỉnh những thiếu xót trong quá trình hoạt động. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ đại biểu trong việc phổ biến tuyên truyền vận động động nâng cao nhận thức của công dân. Tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước”.
Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII, Đoàn ĐBQH TPHCM đã tổ chức 611 cuộc tiếp xúc cử tri, trong đó có 178 cuộc tiếp xúc cử tri ở phường, xã, tiếp xúc theo giới, ngành, theo chuyên đề. Qua đó, Đoàn ĐBQH thành phố đã ghi nhận 5.591 nhóm kiến nghị cử tri thành phố gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương; UBND thành phố và các sở, ngành…
Đoàn ĐBQH khóa XIV (2016-2020) của TPHCM bao gồm 30 vị. Trong đó, có Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, Luật sư Trương Trọng Nghĩa (tái đắc cử)…