Theo Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, các chiêu rút ruột công trình đâu tư rất tinh vi, ma ranh, từ khâu thực hiện đầu tư đến kết thúc đầu tư, đặc biệt là khâu chuẩn bị đầu tư. “Khâu khảo sát, thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật dự toán thi công, khâu này nếu các đơn vị liên quan, bộ chủ quản, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn khảo sát thông đồng với nhau nâng suất đầu tư ngay từ khâu này thì rất khó quản lý và rất khó giám sát”, Thiếu tướng Thìn Cò nói và cho rằng suất đầu tư của Việt Nam bao giờ cũng cao hơn suất đầu tư của các nước trong khu vực.
“Tôi nghi ngờ đoạn này, ví dụ một đoạn đường giao thông nông thôn loại B lẽ ra tổng vốn đầu tư chỉ cần khoảng 7,5 tỷ thì được nhưng cố nâng lên khoảng 10 tỷ, sau khi dự án hoàn thành sẽ được quyết toán là 10 tỷ, trong đó sẽ chênh lệch 2,5 tỷ thì nó đi đâu thì các đồng chí tự hiểu”, Thiếu tướng Thìn Cò nói.
Một ví dụ khác được Tướng Thìn Cò nêu là việc xây dựng nhà cao tầng ở Hà Nội. “Một cột bê tông chỉ cần đến 60 thanh sắt phi 22 nhưng có thể nâng lên từ 80 thanh sắt phi 22, quá trình thi công rút đến 20 thanh rất gọn nhẹ mà nhà cũng không đổ, chất lượng vẫn đảm bảo do định mức đầu tư đã được nâng quá cao từ đầu gây lãng phí, thất thoát”, Tướng Thìn Cò nói.
Một vấn đề nữa được đại biểu nêu là chất lượng hồ sơ kém, quá trình tổ chức thực hiện kém dẫn đến phát sinh và kéo dài công trình không những một năm mà thậm chí kéo dài đến chục năm, gây bức xúc trong nhân dân. “Tôi đề nghị phải có cơ chế, chính sách để giám sát ngay từ bước thiết kế cơ sở, không để thất thoát tiền vốn của nhà nước.”, Thiếu tướng Thìn Cò kiến nghị.