Theo đó, đại diện Navibank yêu cầu Vietinbank bồi thường 200 tỷ đồng và các khoản lãi phát sinh cho Navibank hoặc cho nhân viên. Phía Navibank cũng cho rằng phiên tòa sơ thẩm vi phạm tố tụng.
Tương tự, đại diện ACB đề nghị Vietinbank trả lại 718 tỷ đồng, yêu cầu Tòa xác định lại tư cách tham gia tố tụng của ACB và Vietinbank.
Ủy thác nhân viên gửi tiền lấy lãi
Đại diện Navibank trình bày có 18 hợp đồng tiền gửi vào Vietinbank chi nhánh TP.HCM với tổng số tiền 500 tỷ. Trong đó có 12 hợp đồng đã tất toán với số tiền 300 tỷ đồng. Còn lại 6 hợp đồng chưa tất toán với số tiền 200 tỷ đồng.
Theo bản án sơ thẩm, 6 hợp đồng này đứng tên các cá nhân gồm: Huỳnh Linh Chi 63,3 tỷ đồng, Cao Thị Thùy Anh 27,3 tỷ đồng, Lương Thị Thủy Tiên 67,2 tỷ đồng và Lê Thị Thu Hương 42,2 tỷ đồng.
Do các cá nhân này không giữ thẻ tiết kiệm mà để Như giữ nên Như đã tự trích chuyển từ tài khoản tiền gửi của các cá nhân này mở tại Vietinbank Chi nhánh TP.HCM đi trả nợ cho các cá nhân, tổ chức mà Như đã vay trước đó.
HĐXX hỏi, vì sao trong đơn kháng cáo yêu cầu trả cho Navibank hoặc trả cho 4 nhân viên? Đại diện Navibank cho biết, số tiền này là nguồn tiền huy động thừa nên cho nhân viên gửi tiền vào Vietinbank để lấy lãi suất. Vị này cho rằng số tiền 200 tỷ là tài sản hợp pháp của họ.
HĐXX “vặn” lại: “Vậy tại sao lại yêu cầu Vietinbank trả lại cho Navibank? Tiền của cá nhân mà yêu cầu trả cho Ngân hàng Navibank? Phải chăng có điều gì đó mờ ám trái luật?”.
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa hỏi: “Vì sao Navibank kí các hợp đồng cho nhân viên vay tiền? Phía Navibank trả lời: “Kí cho các nhân viên vay để các nhân viên có số tiền gửi tiền tại Vietinbank”. Kiểm sát viên truy tiếp, đó là chủ trương của ai, ai đứng ra giải quyết cho 4 nhân viên này vay tiền và vay ở chi nhánh nào? Đến đây, đại diện Navibank không trả lời, hẹn dịp khác sẽ đối chiếu lại.
HĐXX thẩm vấn 2 đại diện Navibank và ACB: “Vì sao không gửi trực tiếp mà phải thông qua nhân viên, phải đi đường vòng?”. Đại diện Navibank lý giải do lúc đó nhiều ngân hàng mất khả năng thanh toán nên Navibank cho nhân viên vay tiền rồi đi gửi ở ngân hàng khác để đảm bảo nguồn vốn sẽ được tất toán, lãi suất cũng cao hơn, rủi ro thấp.
Đại diện Navibank thừa nhận các nhân viên trên được giao nhiệm vụ sau khi vay tiền Navibank thì đem tiền đi gửi ở Vietinbank để lấy lãi. Do đó, tiền đó là tiền của Navibank.
Đại diện ACB cho rằng, ACB muốn bảo vệ an toàn nguồn vốn nên đã ủy thác cho các nhân viên đi gửi tiền ở Vietinbank. Thực tế, ACB sợ bị ngân hàng khác không thanh toán tiền đúng hạn nên mới ủy thác cho nhân viên. Một lý do ACB đưa ra trước phiên tòa là vì tiền gửi tiết kiệm chỉ dành cho các cá nhân, lãi suất tiết kiệm cao hơn lãi suất tiền gửi thanh toán của ngân hàng.
Trong hợp đồng khẳng định tiền gửi ủy thác là tiền của ACB. Theo HĐXX nếu đi kiện thì ACB phải kiện các nhân viên này vì không làm tròn trách nhiệm trong hợp đồng ủy thác. Đến đây, đại diện ACB im lặng.
Huyền Như khai tự ý lập sổ tiết kiệm cho khách
Liên quan đến hành vi chiếm đoạt tiền của Navibank, HĐXX thẩm vấn Huyền Như: “Trong trường hợp này thì đặt vấn đề với ai?”. Huyền Như thừa nhận đã đặt vấn đề với Đoàn Đăng Luật, Trưởng phòng Nguồn vốn - Navibank lúc đó. Huyền Như xác nhận chủ thể hợp đồng là cá nhân chứ không phải Navibank.
Bị cáo Huyền Như lập sổ tiết kiệm để vay vốn, trích chuyển từ tài khoản khách hàng sang cho các chủ nợ. Như kí giả lệnh chi để trích chuyển tiền, và kí giả chữ kí để vay tiền. Huyền Như thừa nhận tự kí giả chữ kí lập 8 sổ tiết kiệm để làm hợp đồng đi vay.
Đối với ACB, Huyền Như thừa nhận ngoài lãi suất 14% thì lãi suất chêch lệnh từ 3 -5 % chuyển vào tài khoản pháp nhân của các nhân viên. Còn 1 -2 % thì sẽ chuyển vào tài khoản theo Huỳnh Thị Bảo Ngọc (Phó phòng Quản lý quỹ Ngân hàng ACB) yêu cầu. Như thừa nhận hồ sơ làm cho 17 nhân viên này là do Ngọc cung cấp. Trong vòng một ngày kể từ lúc mở thì tiền được chuyển vào.
Huyền Như khai tại phiên tòa là tự mở tài khoản tiết kiệm cho 17 cá nhân này để chiếm đoạt tiền. Xuất phát từ lúc thỏa thuận lãi suất cá nhân với Ngọc. Thông qua Ngọc, Huyền Như biết được 17 cá nhân này.
HĐXX thẩm vấn Ngọc thì cho rằng không đúng với những gì Như nói. Vì phần chêch lệnh còn lại chuyển vào tài khoản của các cá nhân. Ngọc thừa nhận không nhận lại tiền cả. Ngọc cho rằng, Như chỉ yêu cầu cung cấp thông tin 17 cá nhân cho Như.
HĐXX cho rằng trách nhiệm của Ngọc trong vụ này cần phải được làm rõ và xem xét vì là người đầu tiên tiếp cận với Như, là người đầu tiên tiếp nhận thông báo tài khoản và thông báo cho 17 cá nhân. Thỏa thuận lãi suất với Huyền Như.
Tại phiên tòa, chủ tọa Quảng Đức Tuyên phải thốt lên: “Gía như bị cáo sử dụng bộ óc của mình để làm những chuyện đúng pháp luật, những việc thiện thì tốt cho xã hội biết mấy. Thì hôm nay, không có 22 bị cáo ngồi đây”.
Cũng trong phiên tòa sáng nay, HĐXX thông báo ông Nguyễn Văn Sẽ, nguyên giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM đã không có mặt tại phiên tòa, mặc dù tòa đã có giấy triệu tập. HĐXX cho biết, theo như báo cáo của địa phương thì ông Sẽ đã rời khỏi nơi cư trú, đi đâu không rõ.