Tại cuộc họp, đại diện các sở ban ngành cho biết, chính ông Dũng “lò vôi” đã huy động máy móc, nhân công từ Bình Dương ra Đà Nẵng để chuẩn bị triển khai dự án làm sạch nước hồ Vĩnh Trung. Tuy nhiên trong quá trình này, một số ý kiến cũng đề nghị ông Dũng thay vì xử lý tại hồ Vĩnh Trung hiện cơ bản ổn định thì chuyển qua hồ Bàu Trảng vì ở đây ô nhiễm nặng hơn. Vì lẽ này, ông Dũng cho rằng thành phố không muốn nhận dự án, từ chối tấm lòng của ông nên lập tức đưa máy móc, con người trở về.
Một lý do khác khiến ông Dũng “lò vôi” chọn hồ Vĩnh Trung để triển khai dự án hỗ trợ miễn phí Đà Nẵng xử lý nước thải ô nhiễm bằng việc nuôi vi sinh là vì từ đây xử lý liên hoàn được cả hồ Thạc Gián và hồ Công viên 29 tháng 3 do những hồ này có hệ thống thoát lưu thông với nhau. Làm xong chỗ này sẽ tặng lại công nghệ cho thành phố tiếp quản xử lý ở các hồ khác trong nội thành. Mặt khác, ở hồ Bàu Trảng nguồn ô nhiễm quá nặng, hồ lớn và ông chưa thể nghiên cứu để áp dụng, chưa đảm bảo thành công.
Ông Huỳnh Đức Thơ cho rằng, mấu chốt câu chuyện chỉ là do một số ý kiến muốn ông Dũng giúp đỡ thành phố thay vì triển khai dự án này tại hồ Vĩnh Trung thì chuyển qua hồ Bàu Trảng trước vì ở đây đang ô nhiễm nặng, bức xúc cho cuộc sống của người dân. “Người ta tặng miễn phí chứ không có đổi chác hay tiền bạc gì ở đây cả. Cá nhân tôi thấy ông rất chân thành, rất yêu mến Đà Nẵng”, ông Thơ cho biết
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết đã trực tiếp gọi điện cho ông Dũng để trao đổi và hiểu hơn bản chất câu chuyện này. Ô nhiễm tại hồ Vĩnh Trung, hồ Thạc Gián là vẫn còn chứ không phải đã xử lý hết. Chính vì vậy, có bất cứ một dự án nào giúp thành phố để xử lý môi trường nói chung, tại các hồ điều hòa nói riêng đều rất quý. Nhiều khi mình muốn xử lý chỗ này trước nhưng nhà tài trợ họ nghiên cứu thấy năng lực, công nghệ phù hợp với chỗ khác thì phải ủng hộ để họ triển khai. Các cơ quan tham mưu sớm có thông báo chốt phương án đồng thời phối hợp chặt chẽ với phía Cty để triển khai dự án tại hồ Vĩnh Trung.
“Nếu thành công sẽ nhân rộng mô hình, tính đến dự án xử lý tổng thể tại nhiều hồ khác trên toàn thành phố”, ông Thơ cho biết
Trước đó, vào ngày 1/3, tại chương trình “Tọa đàm mùa xuân” của UBND TP Đà Nẵng, Chủ tịch Tập đoàn Đại Nam cho biết: đã cùng đội ngũ kỹ thuật đã tìm ra được giải pháp giữ gìn nguồn nước bằng phương pháp xử lí vi sinh và đã thử nghiệm đầu tiên tại Bình Dương. Ông mong được lãnh đạo TP Đà Nẵng tin tưởng để Cty ông đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước tại Đà Nẵng. Nếu được thực hiện, công ty của ông sẽ biến những cống xả thải ra biển của Đà Nẵng thành những hồ bơi nước ngọt phục vụ người dân và du khách. Ngoài ra, bãi biển Nguyễn Tất Thành sẽ được xử lý trở thành bãi tắm sạch sẽ, không còn tình trạng ô nhiễm như hiện tại.
Doanh nhân này cho biết: Công ty có kế hoạch dùng 10.000 tỷ để thực hiện các dự án xử lý nước thải khắp cả nước. “Tôi muốn xử lý tất cả các hồ nước ở Đà Nẵng. Tôi muốn làm sao để con cá Koi của Nhật Bản sống được trong tất cả hồ nước ở Đà Nẵng”, ông Dũng nói.