Con chim này được một hộ dân ở bản Lọng Đán (ven hồ sông Đà) thuộc xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La bắt được khi bay lạc từ trên núi xuống. Chim có trọng lượng 7,5 kg, sải cánh rộng 2,8m, cao 0,5m, thân chim dài 0,7m. Mỗi ngày chim ăn hết một cân rưỡi thịt và rau.
Theo ông Hưng, sau khi nhận được thông tin trên, ENV đã nhanh chóng liên hệ với các cơ quan chức năng như UBND tỉnh Sơn La, Sở NN-PTNT và hạt Kiểm lâm huyện Quỳnh Nhai tiến hành kiểm tra và tạm thu giữ cá thể chim này. Hiện, cá thể chim đã được chuyển giao về Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn an toàn.
Về việc xác định tên loài chim lạ, ông Nguyễn Văn Quân, trưởng phòng Bảo tồn động vật hoang dã (ENV) cho biết, trung tâm đã tham khảo ý kiến của một số chuyên gia nước ngoài thì họ xác định đây là loài Kền kền Hymalaya (Gyps Himalayensis).
Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về tên loài này... Ông Lê Trọng Trải ở Tổ chức Bảo tồn Chim quốc tế (Birdlife) tại Việt Nam và TS Lê Mạnh Hùng ở Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật (Viện KH&CN Việt Nam) cho rằng, đây là loài Kền kền Băng gan (white-backed Vulture). Còn GS,TS Võ Quý, Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội), một chuyên gia hàng đầu về chim lại khẳng định, đây không phải loài chim lạ, nhưng cũng là loài chim hiếm, có tên chim đại bàng trọc đầu. Khi di cư đến nước ta, loài này thường không tìm đủ thức ăn, bị đói lả, rơi xuông đất, không bay được nên dễ bị bắt.
Theo Minh Cường
Đất Việt