Ngày 17/2, TAND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phiên xét xử bị cáo Doãn Hữu Long- nguyên Giám đốc Sở Y tế và 15 thuộc cấp liên quan đến các sai phạm trong đấu thầu thuốc giai đoạn 2014-2015. Vụ án được đưa ra xét xử từ ngày 15/2.
HĐXX tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Hữu Huyên (nguyên Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ y), Cao Thị Ninh (nguyên Phó phòng Tài chính-Kế toán), Nguyễn Đình Diệm (nguyên Phó phòng Nghiệp vụ dược), Nguyễn Xuân Hải (nguyên nhân viên phòng Nghiệp vụ dược), mỗi bị cáo 6 năm tù cùng về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Bị cáo Doãn Hữu Long, Nguyễn Hữu Thông (nguyên Trưởng phòng Tổ chức, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế toán), mỗi bị cáo 3 năm tù cùng về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Ngoài ra, các bị cáo khác nguyên là cán bộ, nhân viên ngành y tế bị tuyên các mức án khác nhau và cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Trước đó, được nói lời sau cùng, bị cáo Doãn Hữu Long - nguyên Giám đốc Sở Y tế, chủ đầu tư - người chịu trách nhiệm chính trong công tác đấu thầu đã nhận khuyết điểm, sai sót của bản thân. Bị cáo mong được hưởng mức án thấp nhất.
Còn bị cáo Thông nói, thời điểm tổ chức đấu thầu, bản thân thấy việc mình làm đúng, nay suy nghĩ lại, tự thấy có sai. Bị cáo công tác nhiều năm trong ngành y, được tặng nhiều bằng khen, huy chương nên mong tòa cho bản án nhẹ.
Lộ chiêu thức loại thầu
Tại phần tranh luận, đại diện VKSND giữ quyền công tố đưa ra bằng chứng có trong hồ sơ vụ án để chứng minh cho bản cáo trạng đã ban hành, truy tố các bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn chuyển nhóm, bỏ nhóm, thay đổi hàm lượng, thêm mới nhiều mặt hàng thuốc trong đấu thầu không đúng với tình hình sử dụng và không đúng quy định về căn cứ lập kế hoạch đấu thầu.
Việc can thiệp trên làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu có đủ điều kiện; can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu, không xét điều kiện tiên quyết của hồ sơ dự thầu để loại bỏ mặt hàng không đảm bảo tiêu chuẩn dự thầu nhưng vẫn báo cáo sai sự thật kết quả chấm thầu; dẫn đến làm thay đổi hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu và thay đổi kết quả đấu thầu đối với gói thầu Generic. Hậu quả 14 mặt hàng thuốc được xét duyệt và phê duyệt trúng thầu sai nhóm, gây thiệt hại gần 14 tỷ đồng.
Đại diện VKSND dẫn chứng, các bị cáo tham gia trong vụ án đều có chứng chỉ hành nghề, có năng lực, chuyên môn, nhận thức pháp luật nên phải biết hậu quả xảy ra nếu không tuân thủ đúng quy định.
Đại diện VKSND nhấn mạnh, đối với bị cáo Doãn Hữu Long - nguyên Giám đốc Sở Y tế là Chủ tịch Hội đồng, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với toàn bộ công tác đấu thầu. Tuy nhiên, bị cáo đã thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, dẫn đến sai phạm trong đấu thầu.
Đại diện VKSND nói thêm, việc so sánh các sai phạm trong đấu thầu thuốc xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước nhưng chỉ có Đắk Lắk khởi tố là khập khiễng. Bởi khi có dấu hiệu vi phạm, cơ quan chức năng vào cuộc, xác minh. Khi có đủ căn cứ, cơ quan điều tra khởi tố vụ án là có căn cứ.
Cũng theo đại diện VKSND, quá trình xem xét vụ án đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để đề xuất mức án thấp nhất cho các bị cáo. Vụ án là bài học sâu sắc cho các đơn vị trên địa bàn trong việc sử dụng ngân sách nhà nước.
Liên quan đến vụ án này, báo Tiền Phong đã theo dõi, phản ánh suốt nhiều năm qua, chỉ rõ các dấu hiệu sai phạm trong công tác đấu thầu thuốc tại Sở Y tế Đắk Lắk.