Sự thật - hành trình trần ai: Cầu thị trên... giấy

Những bệnh nhân thiếu thuốc kể khổ với nhóm phóng viên
Những bệnh nhân thiếu thuốc kể khổ với nhóm phóng viên
TP - Ngay sau khi báo Tiền Phong phát hành sáng 21/9/2015 đăng bài “Tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm-Nhóm lợi ích thao túng”, tôi đã điện thoại đề nghị ông Doãn Hữu Long tiếp nhóm phóng viên ngay tại Sở Y tế Đắk Lắk vào đầu buổi chiều cùng ngày. 

“Hứa cho nhiều, rồi lại quên”

Bài báo chứng minh Hội đồng thẩm định kế hoạch đấu thầu thuốc 2014-2015, công bố kết quả trúng thầu vào tháng 11/2014, do ông Doãn Hữu Long là Chủ tịch đã cố ý thay đổi danh mục thuốc; buộc nhà thầu phải đem tiền mặt đến “đóng cọc” cho phòng Tài chính kế toán trái quy định; giao quyền quyết định của Tổ Chuyên gia từ phòng Nghiệp vụ Dược sang phòng Nghiệp vụ Y và Tài chính kế toán. Có những mặt hàng thuốc hiệu quả điều trị tương đương, bị Hội đồng thẩm định loại thuốc rẻ, chọn thuốc đắt để ăn chênh lệch giá, giành phần thắng thầu cho “sân sau”. Đơn cử chỉ với 5 mặt hàng được chấm trúng thầu có dấu hiệu bất thường mà bài báo lập bảng so sánh, hành vi này gây thiệt hại ngân sách gần 1 tỷ đồng.

Sự thật - hành trình trần ai: Cầu thị trên... giấy ảnh 1 Ông Doãn Hữu Long đưa bà Bộ trưởng Kim Tiến đến thăm nhà nữ sinh Hà Vy

Trả lời chất vấn của nhóm phóng viên, ông Doãn Hữu Long công nhận “cuộc đấu thầu mới đây có những sai sót khách quan, chủ quan, sai từ các bộ phận tham mưu” và “người chịu trách nhiệm chính về vấn đề này là trưởng phòng Tài chính kế toán, ông Nguyễn Hữu Thông”. Tiếp đó, thực hiện yêu cầu của Sở Thông tin Truyền thông về việc phải hồi âm công khai cho báo chí bằng văn bản, ông Long ký công văn giải trình 8 nội dung dài 6 trang gửi báo Tiền Phong. Cả 8 nội dung này đều bị báo Tiền Phong tiếp tục đăng bài phản biện, chứng minh Sở Y tế giải trình sai sự thật.

Theo công văn số 10, thì từ đầu năm 2015, Sở Y tế đã thấy sai nên có tổ chức họp rút kinh nghiệm, phê bình, kiểm điểm. Chả biết rút thế nào, mà cùng năm 2015 ông Long lại gửi cho các bệnh viện trực thuộc danh mục thuốc 2015-2016 gồm 734 mặt hàng, trong đó có tới 517 mặt hàng hoàn toàn mới so với danh mục trúng thầu năm trước. Rồi lại ký các công văn số 141 vào ngày 18/6, công văn số 145 email cho các bệnh viện ngày 24/7, công văn số 239 ngày 14/9, để chỉ đạo về các mặt hàng mới do Sở Y tế tự ý đưa vào. Tất cả các công văn này lộ rõ dấu hiệu phạm pháp nghiêm trọng đều có chữ ký nháy của ông Nguyễn Hữu Thông- Trưởng phòng Tài chính kế toán, người mà chính ông Long xác nhận với nhóm phóng viên là phải chịu trách nhiệm chính về “tham mưu sai” trong cuộc đấu thầu thuốc cuối năm 2014.

Đoạn cuối công văn số 10 nguyên văn như sau: “Sở Y tế Đắk Lắk trân trọng cảm ơn những nội dung phản ánh của báo Tiền Phong về công tác đấu thầu của Sở Y tế trong năm qua. Sở Y tế sẽ xem xét, nghiêm  túc phê bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan; triển khai thực hiện tốt công tác đấu thầu trong thời gian tới; cung ứng thuốc đầy đủ số lượng, bảo đảm chất lượng cho các cơ sở y tế; thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân”.

Những câu chữ cầu thị này, tiếc thay, mãi mãi chỉ nằm suông trên giấy. Nhắc tới, có người lại mỉa mai nhại theo câu hát “hứa cho nhiều, rồi lại quên...”.

Những cái chết oan khiên

Suốt năm 2015, hàng loạt Bệnh viện từ tỉnh, huyện, thành phố đến các Trạm y tế xã liên tục kêu cứu lên cấp trên về tình trạng thiếu thuốc. Tôi cùng nhóm phóng viên VTV đi thực tế, tận nghe nhiều bệnh nhân than: phí tiền mua Bảo hiểm y tế vì lần nào tới Trạm cũng kêu hết thuốc. Sau đó, những bác sĩ cung cấp thông tin cho phóng viên đều bị lãnh đạo Sở dọa nạt, trù dập, gây khó dễ đủ điều.

Sự thật - hành trình trần ai: Cầu thị trên... giấy ảnh 2 Cẳng chân phồng rộp đau đớn trước khi bị cưa của Hà Vy, lỗi do bác sĩ tắc trách 

Lãnh đạo nhiều bệnh viện kể với tôi: Bằng thủ đoạn “cây gậy và củ cà rốt”, ông Doãn Hữu Long và ông Nguyễn Hữu Thông đã khiến cấp dưới khiếp sợ, phải im tiếng về những hậu quả đau xót mà cuộc đấu thầu thuốc đầy dấu hiệu tiêu cực gây ra.

Chỉ từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 3/2016, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk xảy ra 2 ca tử vong, theo báo cáo của bệnh viện là vì sốc thuốc. Nạn nhân là bé Trúc mới 16 tháng tuổi nhà ở thôn 1 xã Ea Trul huyện Krông Bông, và cụ Đinh Xuân Nhơn 86 tuổi nhà ở huyện Ea Kar. Đến báo Tiền Phong tìm tôi trong nước mắt, bố mẹ bé Trúc và vợ chồng người con trai cụ Nhơn mong được giúp đỡ để biết nguyên do 2 bệnh nhân chỉ mắc bệnh nhẹ sao lại qua đời.

Sự hợp tác của bệnh viện và chuyên gia dược phẩm giúp tôi tìm thấy thêm câu trả lời từ sai phạm về nguồn cung ứng thuốc. Loại thuốc tiêm gây sốc cho bé Trúc là Cefepimark, có hoạt chất Cefepim 1g, số đăng ký VN-5494-10 đã bị Cục quản lý Dược xác định vi phạm tiêu chí chất lượng, hết hiệu lực lưu hành trước đó. Còn loại thuốc gây sốc cho cụ Nhơn là Alpathin, hoạt chất Cefalothin 1g, số đăng ký VN-10966-10, nhà sản xuất Alpa Laboratories Ltd-Ấn Độ. Khi lập danh mục nhu cầu thuốc gửi Sở Y tế Đắk Lắk để xây dựng danh mục thuốc đấu thầu cuối năm 2014, các BV đều đề nghị chọn kháng sinh Cefalothin nhóm 1 là nhóm có tiêu chuẩn cao nhất về nguồn gốc và chất lượng theo Thông tư 36, 37. Nhưng ông Long lại chọn Cefalothin nhóm 5 là loại kém chất lượng nhất.

Thông thường với thuốc cùng loại, thì giá thuốc nhóm 5 thấp hơn từ 1/3 đến 1/2 so với thuốc nhóm 1. Thế nhưng trong khi Sở Y tế các tỉnh mua Cefalothin nhóm 1 như Nam Định giá 76.000 đồng/lọ, Hải Dương 82.500 đồng /lọ, thì Sở Y tế Đắk Lắk lại mua Cefalothin nhóm 5 tới 70.000 đồng /lọ. Số lượng trúng thầu thuốc này ông Long duyệt toàn tỉnh hơn 9.000 lọ, nhưng thực tế đã ký mua bổ sung nhiều lần trái quy định với Thông tư 01. Khi tổng kết gói thầu, riêng bệnh viện tỉnh đã dùng trên 45.000 lọ Cefalothin nhóm 5.

Trong bài “Những cái chết chưa rõ nguyên nhân” đăng ngày 16/3/2016 trên báo Tiền Phong kèm chuyện nữ sinh Hà Vy bị cưa chân vô cùng oan trái, vậy nhưng, khi ông Doãn Hữu Long đưa Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vào tận nhà cháu Hà Vy ở huyện Cư Kuin để xoa dịu dư luận, cả đoàn không ai nói được một lời xin lỗi nạn nhân. Chiều trước đó ông Long chủ trì cuộc họp báo xin lỗi Hà Vy lại không hề mời gia đình cháu chứng kiến. Chị gái Hà Vy nghe tin, chạy xe lên Sở thì cuộc họp đã tan. Cô bất bình gửi đơn hỏi, cán bộ lãnh đạo kiểu này thì y đức ở đâu? Báo đăng mặc báo những quan chức liên quan lặng im vô cảm.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.