Tự ý mở 5 cửa khẩu phụ dọc biên giới
Mặc dù tỉnh Gia Lai đã có Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (đóng tại huyện Đức Cơ), nhưng nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng vẫn kí quyết định cho mở thêm 5 cửa khẩu phụ dọc biên giới với nước bạn Campuchia để nhập khẩu gỗ và không hề thông qua Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai để lấy ý kiến.
Năm 2014, UBND tỉnh Gia Lai có các quyết định mở 5 cửa khẩu phụ dọc tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia để nhập gỗ từ Campuchia về Gia Lai. Theo quy định, nếu mở cửa khẩu phụ thì phải bàn bạc bằng văn bản đối với chính quyền địa phương tiếp giáp phía nước bạn; đồng thời phải trình thường vụ Tỉnh ủy, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan.
Một số cơ quan chuyên môn tại tỉnh Gia Lai có đề cập việc cần thiết có ý kiến của phía Campuchia, nhưng nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng lúc đó bút phê: “Nếu có bàn thì bên họ cũng không đồng ý đâu”. Trên cơ sở chỉ đạo này, các cơ quan tham mưu đã làm thủ tục trình để UBND tỉnh Gia Lai mở 5 lối cửa khẩu phụ, từ đây các doanh nghiệp lấy gỗ từ Campuchia đưa về thông quan.
Theo nguyên một lãnh đạo Tỉnh ủy Gia Lai, thực chất số gỗ được đưa về từ bên kia biên giới là gỗ có nguồn gốc không rõ ràng. Từ năm 2014-2016, số gỗ được đưa về qua các lối mở này lên tới hàng trăm ngàn mét khối. Riêng trong năm 2016, có khoảng 300.000m3 gỗ được làm thủ tục thông quan. Tiền thuế Nhà nước thu lại chẳng được bao nhiêu, trong khi lợi ích mà các doanh nghiệp, các cá nhân hưởng là rất lớn.
Khi PV đề cập đến việc có hay không thất thu thuế qua 5 của khẩu phụ mà tỉnh cho phép mở vào năm 2014, ông Đoàn Khánh Vân - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Gia Lai, cho biết việc thu thuế nhập khẩu gỗ là trách nhiệm của hải quan chứ không phải ngành thuế? “Việc nắm thông tin thu thuế nhập khẩu gỗ tại các cửa khẩu phụ thì phải nắm bên biên phòng và hải quan chứ chúng tôi không biết. Về việc kê khai thuế, quản lí thuế doanh nghiệp tự kê khai, tự nộp, bên thuế điều kiện gì để mà kiểm soát người ta. Anh muốn nắm thông tin đó chính xác thì qua cửa khẩu hải quan”, ông Vân cho hay.
Cũng theo ông Vân, khi nào mặt hàng gỗ được doanh nghiệp (DN) bán ra thì ngành thuế mới được thu thuế chứ khi các DN vận chuyển qua địa bàn tỉnh, ngành thuế không có quyền kiểm tra và thu thuế. Vì thế, Cục thuế Gia Lai không biết có hay không việc thất thu thuế qua những cửa khẩu phụ này. Ông Vân trần tình: “Tất cả hoạt động kinh doanh, phải có điều kiện nộp thuế, trách nhiệm người ta phải kê. Còn việc nộp thuế mặt hàng gỗ một năm bao nhiêu thì tôi không nắm được. Việc xuất khẩu, nhập khẩu là ở hải quan. Ở cửa khẩu phụ, các doanh nghiệp đi qua, trách nhiệm thu thuế, kê khai thuộc hải quan. Nếu không kê khai sẽ bị thất thu. Nếu mình có theo dõi thì có thu, không theo dõi thì không thu”.
Ngày 22/9, PV báo Tiền Phong tới đặt vấn đề làm việc với bà Lê Thị Thanh Huyền- Chi cục phó Chi cục Hải quan tỉnh Gia Lai, về nội dung thu thuế của việc nhập khẩu gỗ tại 5 cửa khẩu phụ. Bà Huyền đã bất ngờ từ chối với lý do bận công tác cả ngày. Mặc dù trước đó chiều 21/9, bà Huyền đã đồng ý gặp PV để trao đổi thông tin về vấn đề trên.
Chuyển đổi rừng trồng cao su tràn lan
Dự án chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su được coi là một trong những sai phạm nghiêm trọng nhất trong hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai của ông Phạm Thế Dũng.
Theo Thông báo kết luận thanh tra 2834 ngày 19/11/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ, tỉnh Gia Lai đã có nhiều sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai và quản lý đầu tư xây dựng một số dự án.Từ năm 2008 - 2012, tỉnh Gia Lai đã tiến hành 2 đợt, giao hơn 35.000ha đất rừng cho 16 doanh nghiệp thuê đất để trồng cao su. Các mục tiêu đặt ra là sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thực tế triển khai đã không đạt mục tiêu đề ra và để xảy ra nhiều sai phạm.
Cụ thể, UBND tỉnh Gia Lai đã giao gần 5.000ha đất ngoài quy hoạch cho 29/52 doanh nghiệp thuê đất để trồng cao su trong năm 2010 - 2011, vi phạm khoản 1, điều 31, Luật Đất đai; UBND tỉnh ra hai thông báo số 119/TB-UBND ngày 12/10/2007 và số 136/TB-UBND ngày 11/11/2009 thông báo diện tích, địa điểm cho các doanh nghiệp triển khai kế hoạch trồng cao su đến năm 2012 không căn cứ vào quy hoạch.
Cùng với đó, tỉnh Gia Lai đã buông lỏng quản lý rừng và lâm sản tận thu khi chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su. Việc chỉ định bán không qua đấu giá gần 500.000m3 gỗ trong năm 2010-2012 là trái quy định về bán đấu giá tài sản và gây thất thu rất lớn ngân sách nhà nước; số lượng gỗ tận thu năm 2008 thiếu hụt hơn 31.000m3 (thành tiền là gần 39 tỷ đồng) so với biên bản xác định khối lượng gỗ tận thu và giấy phép khai thác; việc bán gỗ tận thu cho chậm nộp không đúng khoảng 8,2 tỷ đồng tiền gỗ đấu giá dẫn đến nợ đọng khó có khả năng thanh toán.
UBND tỉnh Gia Lai đã đặt ra cơ chế thu hồi đất để tạm giao cho các nhà đầu tư, sau khi nhà đầu tư tận thu lâm sản và trồng cao su mới, ra quyết định cho thuê đất chính thức là trái với quy định tại Điều 15, Luật Đất đai 2003, dẫn đến diện tích đất cho thuê chính thức thấp hơn diện tích thu hồi. Phần chênh lệch không có người quản lý và hệ lụy là rừng bị phá.
Mục tiêu quan trọng nhất là giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số đã không đạt được. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số vào làm trong các dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su đạt rất thấp. Các doanh nghiệp sau khi thuê đất trồng cao su chưa thực hiện đúng cam kết về hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Qua công tác giám sát, HĐND tỉnh Gia Lai khóa X có kết luận, quá trình triển khai các dự án chuyển đổi rừng sang trồng cao su tại địa phương xảy ra nhiều tranh chấp giữa cộng đồng địa phương với doanh nghiệp. Gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tự ý sử dụng đất được chuyển đổi sai mục đích như: trồng sắn, trồng cỏ, làm trang trại nuôi bò…
Trao đổi với PV Tiền Phong, ngày 22/9, ông Ngô Ngọc Sinh - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai, cho biết: Hiện tỉnh vẫn chưa nhận được bản kết luận của UBKT Trung ương mà chỉ biết thông qua thông tin đại chúng. Do đó chưa thể cung cấp các thông tin liên quan cho cơ quan báo chí.Về việc thực hiện tại kết luận số 2834/TB-TTCP, ông Sinh cho biết tỉnh đã thực hiện đúng thanh tra. Thanh tra tỉnh là người nắm rõ việc này, sẽ công khai, đôn đốc khắc phục những hậu
quả trên.
Bổ nhiệm người nhà gây bức xúc
Ông Phạm Thế Dũng có người em gái cùng cha khác mẹ là bà Trần Thị Lý. Bà Lý xuất thân từ lao động dân doanh, được tuyển dụng vào công tác tại Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai. Từ vị trí kế toán, bà Lý được cất nhắc và thăng tiến dần, được bổ nhiệm làm Phó Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai.
Chồng bà Lý - ông Phạm Đức Mạnh, cũng có quá trình thăng tiến bất ngờ. Từ nhân viên lái xe, ông Mạnh được tuyển dụng, bổ nhiệm làm cán bộ rồi lên lãnh đạo cấp đội. Mới đây, ông Mạnh được bổ nhiệm làm Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Gia Lai. Ngoài ra, con trai ông Dũng là ông Phạm Trần Anh được bổ nhiệm làm Chánh thanh tra Sở Nội vụ Gia Lai cũng gây nhiều bức xúc.
Ai đoạt đất của dân?
Sự việc bắt đầu từ năm 2003, khi UBND tỉnh Gia Lai quyết định thu hồi toàn bộ số đất còn lại của ông Mang và 5 hộ dân khác rồi phân lô bán. Đáng nói, ông Mang cùng 5 hộ dân làm đơn khiếu nại thì chỉ được UBND tỉnh Gia Lai hỗ trợ 47.500 đồng/m2. Trong khi khung giá đất tại đây là 2,5 triệu đồng/m2. Ông Mang và 5 hộ dân tiếp tục gửi đơn thư thì được Trung ương chỉ đạo tỉnh Gia Lai phải sớm giải quyết dứt điểm, hợp lòng dân, tránh khiếu nại vượt cấp. Từ đó, tỉnh Gia Lai ra văn bản số 1312/UBND-NC ngày 13/4/2016 giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở Tài chính, UBND Tp. Pleiku và các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát lại toàn diện vụ việc khiếu nại của ông Vũ Văn Mang và 5 hộ dân liên quan Dự án Khu đô thị Cầu Sát và Khu dân cư nhà ở công vụ Quân đoàn 3.
Qua rà soát, Thanh tra tỉnh Gia Lai cùng các sở ngành kết luận, đề xuất: Đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định giải quyết khiếu nại thay thế các quyết định giải quyết khiếu nại trước đây, theo hướng công nhận nội dung khiếu nại của các hộ, không công nhận các quyết định giải quyết khiếu nại của UBND TP Pleiku. Nhưng tại buổi tiếp dân năm 2016, ông Võ Ngọc Thành (mới nhận chức Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai) trả lời “đây là việc của ông Phạm Thế Dũng”. “Trong một lần ông Phạm Thế Dũng xuống thị sát, tôi nêu vấn đề thì ông ta lờ đi. Gia đình liều mạng khai hoang mảnh đất, dưới toàn bom mìn, có thành quả thì bị cướp mất, ức lắm”- ông Mang nói.
L.H
Nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai: Cần làm rõ thêm nhiều sai phạm của ông Phạm Thế Dũng
Trao đổi về kết luận của UBKT Trung ương đối với sai phạm của ông Phạm Thế Dũng (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai), ông Phạm Đình Thu - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai - nói kết luận này là chính xác. Nhưng vẫn còn nhiều vấn đề mà dư luận đòi hỏi cần làm rõ.Đó là việc mua sắm, sử dụng thiết bị giáo dục trường học hiện đại gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng; vấn đề cho mua gỗ để mất hàng chục tỷ đồng; mua thiết bị y tế chênh lệch giá quá cao…
Ông Thu cho rằng, ông Dũng phải chịu trách nhiệm trong việc chuyển đổi 50.000 ha rừng tự nhiên sang trồng cao su ở tỉnh Gia Lai. Ông Thu ước tính số tiền bị thất thoát do việc đấu thầu đất, đấu thầu xây dựng, đấu thầu mua sắm trong 2 nhiệm kỳ ông Dũng làm Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai khiến cho tỉnh này mất số tiền lớn. “Khi tổng hợp sẽ thấy con số khủng khiếp đó. Như vừa rồi, TP Pleiku chỉ bán đấu giá 30 lô đất cũng thu được hàng trăm tỷ đồng rồi. Còn đất trước đây ổng bán cho các nhà đầu tư hoặc là không lấy tiền hoặc bán với giá rẻ mạt, nó gấp hàng ngàn lần” - ông Thu bức xúc.
L.H
Không thể chối bỏ trách nhiệm!
Một lãnh đạo của tỉnh Gia Lai đã nghỉ hưu (xin được giấu tên) đã rất bất bình trước những phát ngôn của ông Phạm Thế Dũng: “Ông Dũng từng là một lãnh đạo thì không thể phát ngôn “Tôi về hưu rồi, xử sao thì xử” vì lãnh đạo do dân bầu ra, Đảng cử làm thì phải chịu trách nhiệm trước dân, trước tổ chức. Tất cả mọi việc mình làm là để nhân dân phán xét, không thể thách đố, gây bất bình trong dư luận. Là một người quyết liệt đấu tranh những việc liên quan đến ông Phạm Thế Dũng nhưng một mình tôi thì không làm được. Nhiều người biết nhưng không ai dám đứng lên nói ra vì miếng cơm manh áo. Ngoài ra, rất đông các vị cán bộ nghỉ hưu cũng rất bức xúc”.
Cũng theo vị lãnh đạo này, không cần biết việc xử lý ông Dũng ra sao, quan trọng bây giờ là làm sao thu lại hết những thất thoát ấy về cho tỉnh, cho nhân dân. Vì thất thoát trong đất đai, hầm mỏ, khoáng sản, rừng…không qua đấu thầu của ông Dũng là quá lớn. Hậu quả của ông Dũng gây ra thì chính ông ấy phải khắc phục. Vì 44% người Gia Lai là dân tộc thiểu số, rất nhiều người nghèo, phải thu hồi lại số tiền ấy để xây dựng thêm bệnh viện, giao thông, trường học ở những nơi vùng sâu, vùng xa.
V.L