Cuộc gặp người lính Sài Gòn trong bức ảnh 'Hai người lính'-Kỳ 2: Cái kết đẹp

TP - “Hai người lính sẽ gặp lại sau hơn bốn chục năm để chụp tấm ảnh chung ý nghĩa” là mong muốn của một bạn đọc ghi dưới bài “Xuất hiện nhân vật còn lại trong ảnh Hai người lính”, Tiền Phong 4/5. Ý kiến này được nhiều người đồng tình. Bức ảnh chung “lịch sử” lần hai không hề là viễn ảnh xa vời? Vì câu chuyện “Hai người lính” có vẻ đã kết thúc có hậu.

“LỰU ĐẠN GÀI” VÀ NHỮNG CHUYỆN NÓI LẠI CHO RÕ KHÁC

Người lính Sài Gòn trong ảnh Hai người lính của Chu Chí Thành vẫn sống khỏe mạnh chứ không chết, nhất là chết vì trúng lựu đạn gài là tin tuyệt. Tuy nhiên chi tiết lựu đạn gài gợi hiềm nghi cho một vài dân mạng, rằng có thật hay không và cứ đà tuyên truyền này, “ai chết do M79, M72, M16, M60 đều do Mỹ hay Việt Nam cộng hòa bắn”.

Chẳng là, lựu đạn gài của Mỹ trang bị cho quân đội Việt Nam cộng hòa. Và trong ký ức của anh bộ đội Nguyễn Huy Tạo - một trong “hai người lính”, thì ông đã nghe chiến hữu của “người lính còn lại” (mà bây giờ chúng ta biết tên là Nghĩa), cho biết Nghĩa chết vì lựu đạn gài năm 1973 ở Quảng Trị. Nên ông mới thông tin lại trên báo Tiền Phong năm ngoái.

“Lựu đạn gài” cũng chính là chi tiết tôi hỏi Bùi Trọng Nghĩa chiều 5/5/2017: “Sao có thông tin ông chết vì lựu đạn gài?”.  Ông cười đáp:

“Thằng vướng lựu đạn gài là thằng khác cũng đóng quân chỗ đó. Nó bự con, đẹp trai hơn tôi nhiều, dân miền Tây. Lúc rảnh rỗi nó đi lòng vòng chơi kiếm đồ ăn, hái rau kia nọ, vô mấy cái hầm bỏ lại. Hầm này có lựu đạn gài do lính bên tụi tôi gài, không phải đơn vị tôi mà đơn vị trước gài để lại. Họ gài nhưng không gỡ, khi rút quân đi là để lại đó. Trung đội tôi trước đó có nằm phủ lên chỗ đó. Mình nằm phủ lên đi tới đi lui đâu có bị sao, nhưng thằng này lính trẻ chui vô mấy cái hốc lục lọi lượm đồ ăn vướng trúng lựu đạn làm hầm vừa bị nổ vừa sập, mọi người hoảng loạn chạy hết. Thằng đó bị thương không hiểu vô đầu hay mình. Cứu thương chuyển đi, từ đó về sau không nghe gì nữa. Có lẽ bị thương nặng quá đưa về Sài Gòn, không hiểu sống hay chết. Nó cùng trung đội nhưng khác tiểu đội tôi”.

Còn tình tiết văn chương đến khó tin này: Văn công biểu diễn cho cả hai phía xem, có hát Tiếng đàn Ta-lư của Huy Thục, khiến phía kia chạm nọc rút về? Ông Nghĩa trả lời, đúng là lính bên ông có xem văn công, hình như có Tiếng đàn Ta-lư, nghe hát xong bò về nhưng văn công thường hát nhanh lắm “mà trong này quen nghe bolero, ít hiểu hết ca từ”.

Hồi viết bài Những tình tiết mới quanh bức ảnh Hai người lính, tôi có hỏi đi hỏi lại ông Tạo về “đàn Ta-lư”. Bởi Tiếng đàn Ta-lư giai điệu hay rồi nhưng ca từ hát trong “ngày hòa hợp” nghe chừng có quá nhạy cảm: Một hai ba bốn năm sáu chục, tên lính thủy đánh bộ Mỹ kia nó bị bắt trên rừng, bộ đội giải phóng ơi các anh đánh hay hung... Ông Tạo khẳng định: Về sau gặp trưởng đoàn văn công biểu diễn hôm đó, ông có vặn ông ấy vì sao hát Tiếng đàn Ta-lư đúng lúc ấy.

Thôi coi như hát mắng bọn “lính thủy đánh bộ” Mỹ thôi vậy. Vẫn hòa hợp như thường.

Đại tá Trần Long, Chủ nhiệm Trinh sát của Sư đoàn 320 đồng thời là Chủ nhiệm Trinh sát Bộ Tư lệnh Mặt trận Cánh Đông cho tôi biết: Đoàn văn công Quân khu 5 và Văn công Tổng cục thường hát ở khu vực đóng quân ở Quảng Trị. Trong những ngày hòa hợp 1973 khi họ biểu diễn cho phía mình thì cũng có ý tuyên truyền “giác ngộ” phía bên kia. Ông nói rất có thể có Tiếng đàn Ta-lư nhưng diễn dịp nào thì không thể nhớ.

Về cấp bậc. Trong trí nhớ của ông Tạo, người chụp ảnh với ông là Trung sĩ Tâm lý chiến. Nay ông Nghĩa nói, ông là hạ sĩ thôi. Đơn vị Nghĩa không có lực lượng tâm lý chiến mà chỉ có ban An ninh theo dõi “thằng lính nào tiếp xúc thân tình quá hoặc nhận bà con với bộ đội thì sẽ bị bốc đi đơn vị khác liền”.

Cũng mấy chục năm rồi, nên sự nhớ có thể không chính xác hoàn toàn, hoặc nghe nhầm chẳng hạn. Cho nên cả phóng viên Chu Chí Thành và cựu binh Nguyễn Huy Tạo đều tưởng Nghĩa là sinh viên Văn khoa, nay Nghĩa nói ông chỉ học lớp 12 rồi đăng lính. Và đơn vị ông thuộc Tiểu đoàn Thần Ưng, không phải Trâu Điên. Trâu Điên là tên gọi khác của Tiểu đoàn 2 còn ông ở Tiểu đoàn 6, Lữ đoàn 369, Đại đội 1. Nhưng không nhớ Tiểu đội mấy.

Thông tin nhân vật Nghĩa của chúng ta có cháu nội cũng không đúng. Ông có con trai út 25 tuổi chưa vợ nên chưa có cháu nội. Thanh niên này là con với bà Xuân. Người vợ đầu có với ông hai con gái.

Các sắc thái biểu cảm của người lính Sài Gòn khi “gặp lại” người quen cũ - nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành và anh bộ đội Nguyễn Huy Tạo. Ảnh: DPV.

GẶP LẠI NGƯỜI QUEN CŨ

Hôm 5/5 ở nhà ông Nghĩa, thấy ông không còn vẻ giữ kẽ ban đầu, tôi mới hỏi ông, có muốn trò chuyện với người quen cũ Chu Chí Thành và Nguyễn Huy Tạo.

Trong vài phút điện thoại ngắn ngủi đó,  được biết “lựu đạn gài”, “văn công biểu diễn Tiếng đàn Ta-lư”, “lính trơn hay sĩ quan” (Nghĩa) là vài trong số chi tiết ông Tạo hỏi ông Nghĩa, rằng có nhớ không?

Ông Nghĩa kể: Trước khi chụp ảnh Hai người lính, ông và Tạo đã nói chuyện rất nhiều dù tên của nhau thì cả hai đều không nhớ. “Có hôm tôi pha cà phê nhưng không có đường. Anh Tạo hứa mang đường qua để cùng uống cà phê, tôi đợi hoài không thấy. Anh ấy hứa rồi đi thẳng ra Hà Nội học đại học luôn”. (anh lính Tạo giải ngũ khá sớm do bị thương, về Hà Nội nhập học ở Học viện Hậu cần).

“Liệu ông Tạo có tin ông đúng là người lính đó không nhỉ”- tôi hỏi. Ông cười “Tin hay không cũng zậy chứ biết sao giờ”.

Về cuộc nói chuyện với Chu Chí Thành, ông thuật: “Anh ấy muốn vào dịp kỷ niệm 45 năm bức ảnh Hai người lính, tôi và anh Tạo sẽ hội ngộ chụp chung tấm ảnh sau 45 năm”. “Ông nhận lời chứ?”. “Tôi đã tiếp cô thì giờ phải nhận lời anh ấy chớ sao”.

Tấm thẻ căn cước có trên mạng xã hội- một trong số đầu mối khiến đưa đến giả thiết “xuất hiện nhân vật còn lại trong bức ảnh Hai người lính”

Bùi Trọng Nghĩa sinh 1954 ở Sài Gòn, sống ở đây cho đến giờ, không kể thời gian đi lính. Ông tâm sự: “Tôi cũng lớn tuổi rồi, ký ức này kia nọ, cái nhớ cái quên. Cộng với thời gian bươn chải khó khăn quá khiến con người thay đổi không như xưa”.  Khó khăn của ông có vẻ triền miên: Giai đoạn cải tạo, nuôi mẹ già liệt mười mấy năm trời, nhà cửa công việc luôn bấp bênh. Một dạo gia đình riêng không êm thấm nên phải thay đổi. May bây giờ yên rồi nhưng gia cảnh thuộc diện hộ nghèo của phường, được miễn bảo hiểm y tế “nhưng một năm nay lại không thấy đâu”. Giờ hai vợ chồng trông cậy vào con trai, mà công việc của thanh niên này, tôi nghe qua cũng không “ngon” lắm.  Căn nhà 40 m2 ở con đường nhỏ quận 12 là  nhà đầu tiên vợ chồng ông mua được chục năm trước, hồi đó đâu hơn trăm triệu, là nhà có số chứ trước kia ở thuê và toàn nhà không số.

Trong câu chuyện, ông nhắc đi nhắc lại chỉ muốn sống yên ổn,  không muốn bị để ý, gây khó dễ. Đừng cho ai địa chỉ của ông. Thấy vợ chồng ông quyết không nhận sự giúp đỡ của ai và cũng không muốn gặp gỡ tiếp xúc quá nhiều, tôi nói: “Nếu người ta vô tư, có lòng thì mình đâu cần quá ngại? Ông tên Bùi Trọng Nghĩa và con là Bùi Trọng Nhân cơ mà?”. Và hỏi bà Xuân “Yên ổn quá có khi không hay bằng khuấy động một chút? Có bất ngờ thì cuộc sống mới vui”. Bà đáp vui vẻ, thôi xưa giờ có sao cứ sống vậy.

Giơ máy ảnh chụp người đàn ông 63 tuổi đặt cạnh ảnh 19 tuổi (ảnh Hai người lính) tôi đùa, sẽ chú thích là Hãy xem thời gian đã làm gì người đàn ông này. Và chỉ một buổi gặp gỡ chuyện trò, quan sát gia cảnh, thấy câu chuyện bức ảnh Hai người lính kết thúc có hậu nhưng nói hoàn hảo thì khó. Song, như vợ chồng ông nói “Còn sống khỏe mạnh có gia đình êm ấm là may rồi, lẽ ra xanh cỏ...”.

______

Kỳ sau: HẬU CHUYỆN “HAI NGƯỜI LÍNH”

Chi tiết chàng lính Nghĩa năm 1973 khen các cô văn công đẹp, trắng trẻo, nói dễ thương khiến nắm tay là không muốn thả ra (ở kỳ 1 bài Cuộc gặp người lính Sài Gòn trong ảnh Hai người lính, 8/5) khiến Chu Chí Thành thú vị nhớ lại: “Thì hồi ấy cậu ấy cũng nắm tay cô du kích xã Triệu Trạch có muốn thả ra đâu, và tôi đã ghi được cảnh ấy trong bức Tay bắt mặt mừng còn gì. Nghĩa hồi ấy rất tự nhiên chủ động, vô tư tươi tỉnh lắm. Khi nói, nghe giọng có cảm tình với quân giải phóng. Tôi cũng cảm tình ngay với cậu ấy”.

Bức ảnh “Hai người lính” sau 45 năm?

“Tôi nói với Nghĩa, có thể gọi Nghĩa là chú, là em được không vì anh hơn tuổi Nghĩa. Bao năm anh muốn tìm Nghĩa nhưng không có điều kiện. Từ 2015 người ta đưa bức ảnh rộng rãi ra công chúng, bây giờ đọc được tin về em thì anh muốn gặp em. Nghĩa nói sẽ mời tôi đi cà phê khi nào có dịp vào Sài Gòn, còn tôi nói anh muốn uống cà phê và ăn một bữa cơm với em cho tình cảm. Cho anh gửi lời thăm sức khỏe gia đình vợ con, các cháu. Anh nghe nói em bây giờ khó khăn, cố gắng vượt qua thôi. Đất nước thống nhất lâu rồi, chuyện bên này bên kia không còn nữa đâu. Anh dự định từ giờ cho đến dịp 45 năm kí hiệp định Paris sẽ làm triển lãm Khi mặt đất không còn tiếng bom ở Hà Nội hoặc TPHCM hoặc Đà Lạt trong đó có chùm ảnh của anh ở Quảng Trị, có hình ảnh em và Tạo. Anh muốn hai người gặp nhau sẽ chụp bức ảnh chung sau 45 năm”.

NSNA Chu Chí Thành thuật lại cuộc đàm thoại với “người mẫu ảnh” Bùi Trọng Nghĩa hôm 5/5/2017