Cuộc chiến pháp lý giữa ông Trump và thẩm phán Mỹ sẽ đi về đâu?

TPO - Sau khi Tổng thống Donal Trump tuyên bố thề sẽ bảo vệ sắc lệnh tới cùng, ngay lập tức trong một thông cáo riêng, Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục bảo vệ sắc lệnh này.
Ảnh: AP

Động thái này “đặt dấu mốc” cho cuộc chiến kéo dài và khốc liệt giữa những người ủng hộ và những người phản đối sắc lệnh.

Theo đánh giá của báo giới và chuyên gia phân tích, sắc lệnh nhập cư lần 2 của chính quyền Trump sẽ làm dấy lên làn sóng phản đối cả trong và ngoài nước, đặc biệt động thái này chắc chắn sẽ "khơi mào" cho một "cuộc chiến pháp lý" giữa ngành tư pháp Mỹ và chính quyền Tổng thống Trump.

Theo đánh giá của báo New York Times, sắc lệnh thứ hai này có mức độ “nguy hại” không kém gì so với sắc lệnh lần thứ nhất. Trong khi đó, tờ Washington Post cho rằng sắc lệnh mới này tạo điều kiện cho các tổ chức thánh chiến tuyển mộ quân.

Đa số dân Mỹ vẫn nghi ngờ Chính quyền Donald Trump đặt các nước Hồi giáo trong tầm nhắm. Các kết quả thăm dò ý kiến cho thấy, đa số dân Mỹ, chiếm 60%, chống lại biện pháp ngừng cấp visa cho công dân 6 nước Hồi giáo trong 90 ngày.

Phản ứng gay gắt nhất đối với sắc lệnh trên phải kể đến đó là giới chức Tư pháp nước Mỹ. Bộ trưởng Tư pháp bang California Xavier Becerra và Bộ trưởng Tư pháp bang New York Eric Schneiderman cho rằng, sắc lệnh nhập cư lần 2 là một thách thức đối với nền tảng Hiến pháp khi có sự phân biệt đối với một tôn giáo nhất định.

Bộ trưởng Tư pháp bang Washington Bob Ferguson chỉ trích Chính phủ Mỹ đã cố tình "lách" phán quyết của tòa khi tiếp tục giữ lại trong sắc lệnh mới một số chính sách mà tòa đã ra lệnh cấm thi hành ở văn bản cũ.

Trong khi đó, người đứng đầu ngành tư pháp bang Massachusetts Maura Healey tuyên bố đang xem xét tất cả các hành động pháp lý có thể thực hiện với sắc lệnh của Tổng thống Trump.

Tương tự, Bộ trưởng Tư pháp bang Virginia, ông Mark Herring, đã gọi sắc lệnh mới là “một thông điệp tồi tệ” đến với thế giới.

Theo các chuyên gia về chính sách ngoại giao Mỹ sắc lệnh này sẽ làm suy yếu nền an ninh và lợi ích quốc gia của Mỹ tương tự như sắc lệnh nhập cư mà vị tân chủ nhân Nhà Trắng trước đó đã ban hành hồi ngày 27/1.

Các chuyên gia đánh giá, sắc lệnh nhập cư lần 2 sẽ đe dọa nền an ninh quốc gia cũng như không tương xưng với vị thế của nước Mỹ. Họ cho rằng lệnh cấm này sẽ hủy hoại các lợi ích an ninh quốc gia khi không thể hỗ trợ sự ổn định của các đồng minh, những nước đang phải tiếp nhận một lượng lớn người tị nạn.

Sắc lệnh nhập cư mới cũng sẽ hủy hoại mối quan hệ với các đồng minh và đối tác mà Mỹ đang hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố và chia sẻ thông tin.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo với việc tiếp tục cấm tất cả người tị nạn và công dân từ những quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số nhập cảnh vào Mỹ, sắc lệnh trên sẽ chỉ càng làm củng cố quan điểm sai sự thật rằng Mỹ tuyên chiến với Hồi giáo - điều mà các phần tử khủng bố luôn ra sức tuyên truyền.

Trong khi đó những người ủng hộ sắc lệnh nhập cư lần 2 của ông Trump cho rằng sắc lệnh đã thúc đẩy mục tiêu chung trong vấn đề bảo vệ nước Mỹ, đồng thời đánh giá cao công việc của các quan chức của chính quyền Tổng thống Trump.

Những người ủng hộ cho rằng sắc lệnh nhập cư lần 2 cho nước Mỹ một "quãng ngừng" để cân nhắc các thỏa thuận với những người đến từ các quốc gia liên quan.

Cũng theo tờ Washington Post, ngoài những người phản đối sắc lệnh trên, cũng có không ít người ủng hộ. Các kết quả thăm dò ý kiến cho thấy, cũng có tới 40% những người được hỏi ủng hộ sắc lệnh trên.

Đây là những thành phần cử tri trung thành của Donald Trump và trong số này có Tim Craig, người phụ trách chiến dịch tranh cử ở Maryland.

Theo lời nói của ông này “Mấy vị muốn nói gì thì nói. Chúng ta không bị nguy cơ khủng bố Tin Lành hay Công giáo. Chúng ta chỉ phải đối mặt với những tên khủng bố Hồi giáo. Vì thế, chúng ta cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác với cộng đồng này. Hoàn toàn đúng như vậy.

Được các luật gia của các bộ liên hệ rà soát và điều chỉnh, cụm từ ‘Hồi giá’ không được dùng trong sắc lệnh mới. Nhưng rõ ràng, những kẻ theo người chống sắc lệnh thứ hai này đều biết rằng mục tiêu của Chính quyền Trump là thực hiện chính sách cấm nhập cảnh đối với những quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi. Một lần nữa, công lý Mỹ sẽ phân xử”. 

Liệu đây có phải là sự đánh dấu một thất bại lớn thứ 2 của Tổng thống Trump trong nỗ lực theo đuổi chính sách nhập cư mà ông cho là thiết yếu để bảo an ninh quốc gia và chống lại các phần tử khủng bố tấn công nước Mỹ.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định việc sử dụng các công cụ pháp lý đối với sắc lệnh mới sẽ khó khăn hơn nhiều bởi vì số người bị ảnh hưởng bởi văn kiện này đã giảm đi đáng kể.

Vậy thì cuộc chiến pháp lý giữa ngành Tư pháp Mỹ và chính quyền Tổng thống Doal sTrump sẽ đi về đâu. Để trả lời câu hỏi này, có lẽ chỉ có chính người Mỹ và hệ thống Tư pháp nước Mỹ mới có thể giải đáp được.