Cuộc chiến pháp lý giữa hãng Apple với FBI

Sự ủng hộ của các hãng công nghệ hàng đầu như Google, Facebook, Twitter... càng khiến cho cuộc chiến pháp lý giữa hãng Apple với FBI trở nên gay cấn xung quanh chủ đề "bảo mật hay không bảo mật".
Cuộc đối đầu thú vị giữa giám đốc FBI James Comey với lãnh đạo Apple Tim Cook.

Tổng Giám đốc Google Sundar Pichai cho rằng, cơ quan thực thi pháp luật và tình báo Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc bảo vệ người dân trước các mối đe dọa tội phạm và khủng bố, nhưng việc ép buộc các công ty bẻ khóa có thể ảnh hưởng xấu đến sự riêng tư của người sử dụng. Đồng thời cho rằng, Apple đang đứng trước nhiều sức ép về pháp luật nếu không thực hiện yêu cầu hỗ trợ điều tra của FBI. 

Bởi trong một bức thư công khai, nhà điều hành Tim Cook của Apple đã gọi yêu cầu của FBI đối với hãng này là "vượt quá giới hạn", đồng thời cảnh báo việc thực hiện những hoạt động như vậy sẽ tạo ra "một cửa hậu cho các điện thoại iPhone" và điều đó sẽ rất nguy hiểm.

Ngày 19/2, Bộ Tư pháp đệ đơn kiến nghị yêu cầu tòa án có lệnh buộc Apple hỗ trợ FBI bẻ khóa điện thoại di động iPhone, và bác bỏ lập luận trước đó của hãng này khi cho rằng, nếu hợp tác với FBI trong việc này sẽ ảnh hưởng tới an ninh bảo mật của các thiết bị Apple.

Trước đó (16/2), Thẩm phán Sheri Pym của Tòa án California đã ký quyết định yêu cầu Apple giúp FBI đang điều tra vụ thảm sát hồi cuối năm ngoái tại San Bernardino, bang California thu thập thông tin điều tra. Bởi các nhà điều tra cho biết, chiếc iPhone của hung thủ được thiết lập xóa toàn bộ dữ liệu sau 10 lần mở khóa không thành công.

Do đó để đảm bảo an toàn, FBI phải nhờ tới sự trợ giúp của Apple. Mặc dù FBI cam kết chỉ phá khóa chiếc điện thoại của kẻ khủng bố, không yêu cầu Apple giúp phá bộ mã hóa của iPhone một cách trực tiếp - chỉ tắt một số biện pháp an ninh giúp ngăn chặn các nỗ lực phá mật khẩu từ bên ngoài, nhưng ông Tim Cook vẫn cho rằng, một khi công cụ đó được tạo ra, nó có thể được tiếp tục sử dụng trên vô số thiết bị khác.

Ông Tim Cook mặc dù coi đây là yêu cầu phục vụ công tác điều tra hình sự, nhưng lại cho đó là sự thiếu tôn trọng quyền riêng tư của công dân Mỹ, nên không chấp nhận. Và ông Tim Cook có thời hạn kháng án từ 23/2 đến 26/2 (theo giờ địa phương).

FBI lo ngại những tên tội phạm và khủng bố có thể lợi dụng hàng rào bảo mật của Apple để che chắn cho các hoạt động của chúng. Nếu FBI thành công trong việc buộc Apple phải phá khóa chiếc iPhone, đây sẽ là đòn giáng mạnh vào hãng này, cũng như các hãng công nghệ hàng đầu ở Mỹ. Và phán quyết cuối cùng sẽ quyết định ai (các hãng công nghệ hoặc FBI) sẽ là người có tiếng nói cuối cùng về mức độ bảo mật của các thiết bị công nghệ.

Tim Cook cho biết, ông không thể tạo ra một tiền lệ cho việc phá vỡ các quy tắc về quyền riêng tư của khách hàng, vốn đã tạo nên thương hiệu, uy tín của hãng.

Đây không phải lần đầu tiên Apple phản đối yêu cầu can thiệp kỹ thuật để mở khóa các thiết bị do hãng này sản xuất từ các cơ quan chức năng Mỹ. Nhưng có một chi tiết khá thú vị, kể từ năm 2008 đến nay Apple được cho là đã thực hiện yêu cầu bẻ khóa khoảng 70 lần từ chính quyền. Điều này được các công tố viên báo cáo trong một vụ việc tương tự ở New York năm 2015, và Apple không phủ nhận thông tin trên.

Mặc dù FBI chỉ yêu cầu Apple giúp các nhà điều tra xâm nhập chiếc điện thoại iPhone của  Syed Farook, kẻ đã bắn chết 14 người, làm bị thương 22 người trong cuộc xả súng ở San Bernardino ngày 2/12/2015, nhằm làm rõ mối quan hệ của chúng với các tổ chức khủng bố, nhưng các hãng công nghệ Mỹ coi động thái này sẽ tạo tiền lệ xấu cho việc xâm phạm quyền riêng tư của người dùng. Giới kinh doanh cho rằng, bảo mật làm nên thương hiệu của Apple cũng như các hãng công nghệ khác, và chữ tín với khách hàng quan trọng hơn mọi chuyện trên đời.

Giới luật gia cho rằng, các chính sách về bảo mật, quyền riêng tư khách hàng của các hãng công nghệ trong bối cảnh khủng bố, tội phạm nguy hiểm gia tăng đang tạo ra những cuộc tranh cãi không hồi kết ở Mỹ. Bởi các công ty công nghệ ở Mỹ đã tạo nên những sản phẩm an ninh để giữ an toàn cho thông tin của người sử dụng và tạo lập các quy định tiếp cận dữ liệu dựa trên luật pháp.

Và xung đột giữa hãng Apple với FBI lập tức được ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ Donald Trump "góp vui" khi nhà tỷ phú này kêu gọi tẩy chay Apple vì thái độ bất hợp tác với chính phủ. Ông Donald Trump coi hành động của Apple là không tôn trọng luật pháp và an ninh quốc gia. Nhưng lời kêu gọi của ông Donald Trump đã bị Edward Snowden, cựu nhân viên CIA đập lại khi viết trên Twitter rằng "chúng ta nên tẩy chay Trump mới đúng".

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu