"Cuộc cách mạng tiếp theo đối với phi cơ tối tân sẽ là gì?", đoạn quảng cáo của Northrop Grumman cho thấy một máy bay bí ẩn, không có phần đuôi, đang đậu trong căn phòng lớn và được phủ bạt.
Chiến dịch quảng bá của tập đoàn quốc phòng Northrop Grumman, đặc biệt nhằm vào thị trường Mỹ, là bằng chứng dễ nhận thấy nhất về cuộc chiến hậu trường để giành quyền chế tạo máy bay ném bom tàng hình mới cho Không quân Mỹ.
Đây là chương trình phát triển hệ thống vũ khí đắt nhất trong đề xuất ngân sách nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm trị giá 17,9 tỷ USD của Không quân Mỹ trong năm 2016, đồng thời cũng là dự án bí mật nhất của quân đội Mỹ. Theo kế hoạch, tới năm 2025, Mỹ sẽ có 80-100 máy bay ném bom chiến lược tầm xa với giá thành ước tính 550 triệu/chiếc (giá thành thực tế có thể cao hơn nhiều).
Cùng với máy bay tiêm kích đa năng F-35 và máy bay tiếp dầu KC-46, LRS-B là một trong 3 ưu tiên hàng đầu của Không quân Mỹ nhằm duy trì ưu thế trên không của cường quốc này trong tương lai. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc phòng, loại máy bay này có khả năng tàng hình và mang theo vũ khí hạt nhân, thậm chí có thể thực hiện nhiệm vụ mà không cần phi công.
Các quan chức quốc phòng Mỹ hi vọng chọn được nhà thầu cho hợp đồng phát triển máy bay ném bom tầm xa ngay trong mùa hè này. Sự đối đầu giữa Northrop với liên minh gồm Boeing và Lockheed Martin đang hình thành một cuộc cạnh tranh về chính trị, giống như những lần Lầu Năm Góc có ý định mua các hệ thống vũ khí chủ lực trước đó.
Theo các quan chức trong ngành công nghiệp quốc phòng, những tháng gần đây, đại diện của nhiều công ty quốc phòng, đặc biệt là Northrop và Lockheed đã tích cực vận động các nghị sĩ ủng hộ chương trình của họ. Một nhóm các viên tướng nghỉ hưu, chuyên gia vận động hành lang và chuyên viên tư vấn cũng tham gia vào hoạt động này.
Theo một nguồn tin nội bộ, cả hai phía đều đã chuẩn bị chiến lược hành động trong trường hợp không giành được hợp đồng này, gồm cả cách thức lật lại quyết định chọn nhà thầu của Lầu Năm Góc. Nếu giành được hợp đồng này, đây sẽ là cơ hội để thu lợi nhuận khổng lồ đồng thời quyết định tới tương lai phát triển thành nhà sản xuất máy bay quân sự hàng đầu của cả Northrop và Boeing.
Nếu Boeing thất bại, công ty này phải lựa chọn rút lui khỏi thị trường máy bay quân sự hoặc mua lại nhóm phát triển máy bay của Northrop. Ngược lại, nếu Northrop thất bại, đó sẽ là dấu chấm hết cho giấc mơ trở thành nhà sản xuất máy bay quân sự số một.
Bất kể nhà thầu nào giành được chiến thắng, việc sản xuất tới 100 máy bay ném bom chiến lược có ý nghĩa kinh tế quan trọng với các nhà thầu phụ trên khắp nước Mỹ khi tham gia sản xuất các bộ phận cho máy bay này như hệ thống radar, thông tin liên lạc, động cơ…
Liên minh giữa Lockheed và Boeing, hai nhà thầu quốc phòng lớn nhất nhì thế giới, được cho là đang có lợi thế. Các quan chức của 2 tập đoàn này cho biết họ có kinh nghiệp hợp tác. Ví dụ thuyết phục là hợp đồng phát triển máy bay F-22 Raptor, trong đó Lockheed là nhà thầu chính còn Boeing là nhà thầu phụ. Năm ngoái, Lockheed và Boeing đã bàn giao cho Bộ quốc phòng Mỹ 300 máy bay F-22. Quy mô hoạt động cùng chuyên môn trong lĩnh vực phát triển máy bay quân sự cũng đem lại cho họ lợi thế không nhỏ.
Tuy vậy, Northrop không đồng ý mình đang thất thế. Loại máy bay ném bom tầm xa mới (dự kiến có tên gọi B-3) sẽ được phát triển trên phiên bản máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit, vốn do tập đoàn này phát triển. Vì vậy, Northrop có nhiều kinh nghiệm nếu được giao phát triển B-3.
Northrop, Boeing và Lockheed đều từ chối bình luận công khai về nội dung đấu thầu cùng chiến lược của họ do tính bí mật của dự án quốc phòng quan trọng này.
LRS-B sẽ được phát triển trên phiên bản máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit. Ảnh: Af.mil
Việc lựa chọn nhà thầu chính cho dự án là một nhiệm vụ khó khăn đối với Lầu Năm Góc.
Việc yêu cầu xem xét lại quyết định lựa chọn nhà thầu cũng đã có tiền lệ trong dự án phát triển máy bay tiếp dầu thế hệ mới KC-X của Không quân Mỹ. Năm 2008, Northrop cùng tập đoàn sản xuất máy bay châu Âu Airbus giành được hợp đồng phát triển dự án KC-X.
Tuy nhiên, Boeing đã đệ đơn khiếu nại buộc Lầu Năm Góc xem xét lại quyết định lựa chọn nhà thầu. Sau đó, Boeing giành thắng lợi nhờ mối quan hệ rộng rãi cùng chiến dịch vận động hành lang với Quốc hội Mỹ.