Cửa Tùng - “Nữ hoàng bãi tắm” bị tổn thương

TP - “Cửa Tùng là hòn ngọc các biển thừa lương. Ngày xưa, thực dân xoàng mới nghỉ ở Sầm Sơn, hạng bự hạng to thì phải ở Cửa Tùng…”- cụ Nguyễn Tuân đã từng viết như vậy trong những trang ký về Cửa Tùng. Nhưng nay bãi tắm từng được mệnh danh là “Nữ hoàng bãi tắm” một thời đã bị xâm thực, không còn vẻ đẹp ngày xưa…
Bao giờ Cửa Tùng mới lấy lại danh hiệu “Nữ hoàng bãi tắm”?

Bao giờ cho đến… ngày xưa?

Những du khách đến biển Cửa Tùng (Quảng Trị) hè này thất vọng hoàn toàn vì bãi tắm đã bị thu hẹp và ngổn ngang những khối cọc bê tông và đá. Du khách phải đi qua những khối đất đào cao lút cả đầu người để đến với biển.

Trong khi đó, bãi cát chật hẹp quá đỗi, bề ngang chỉ độ vài mét. Trong một ngày cuối tuần, chúng tôi chứng kiến chỉ có vài chục du khách tắm biển trong tiếng ầm ào xe ủi, trộn vữa bê tông. Đây là giải pháp tạm thời phải chấp nhận: kè đá để chống xâm thực.

Người dân địa phương cho biết: Trước năm 2006, khi bãi tắm chưa bị xâm thực, vào du lịch, Cửa Tùng hút rất đông khách nhất là dịp 30/4, 2/9 , trung bình tới hàng vạn người mỗi ngày.

Tuy nhiên, khi bãi tắm bị xâm thực tới 100m, lượng khách đến Cửa Tùng đã giảm hẳn, nhất là trong 3 năm lại đây. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng - Nguyễn Văn Phú cung cấp con số buồn lòng: lượng khách du lịch giảm chỉ còn chưa đến 10 % so với trước năm 2006.

Một nhân viên lễ tân khách sạn Ngân Hà 2 cho biết: Từ khi kè lại bãi tắm, khách sạn này giảm 50 % khách.

Thậm chí có ngày chỉ 3 phòng khách đặt. Có đoàn khách đến từ Lào, vừa đến nơi, thấy bãi tắm như vậy, họ quay xe “một đi không trở lại”.

Một không khí vắng vẻ đến não nề: ở cuối bãi tắm, gần hai chục quán ăn bán đủ các loại hải sản nhưng cũng chỉ vài quán có khách mà chủ yếu là du khách tỉnh nhà.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng - Nguyễn Văn Phú buồn bã: Bãi biển bị xâm thực mạnh, lượng cát bị xói trôi với với khối lượng rất lớn, tới gần 2/3, và ước tính độ cao từ 1,5 - 2m đối với toàn khu bãi tắm, kể cả bãi thuyền của ngư dân.

Và không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động dịch vụ thương mại, tình trạng xâm thực còn ảnh hưởng đến nơi neo đậu thuyền của ngư dân bãi ngang như Quang Hải, Hòa Lý, An Hòa.

Cách nào chữa trị cho “Nữ hoàng bãi tắm”?

 

Theo người dân địa phương, nguyên nhân biển bị xâm thực là do năm 2006, khi cơ quan chức năng làm cảng cá ở phía Nam Cửa Tùng, đã kè đá chắn biển, và đào sâu dưới lòng cảng cá, hút cát để thuyền bè vào cảng cá thuận lợi.

Song, theo quy luật nước chảy về chỗ trũng, những tháng biển động, gió thổi theo hướng Bắc vào Nam đã đưa sóng vào bờ và hút cát ra biển hàng trăm mét để rồi đưa lượng cát này lại trôi ra cảng cá.

Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng - Nguyễn Văn Phú thừa nhận, bãi biển bị xâm thực “có một phần nguyên nhân” do xây cảng cá! Thị trấn đã có nhiều văn bản gửi huyện, tỉnh đề nghị tìm nguyên nhân, khắc phục.

Được biết, tỉnh Quảng Trị cũng đã đầu tư 32 tỷ đồng nhằm kè bãi biển. Công việc chống xâm thực được tiến hành từ năm 2011, dự kiến hoàn thành cuối năm nay.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã thuê đơn vị tư vấn nghiên cứu vấn đề xâm thực, nhưng cho đến nay vẫn chưa có giải pháp triệt để .

Theo Chánh Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Quảng Trị Võ Đình Long - người đã có nhiều thời gian nghiên cứu về Cửa Tùng - thì không nên tháo kè, không xây thêm kè chắn cát mà bãi tắm sẽ trở lại, nếu như thực hiện ngay một số giải pháp.

Trước hết đó là tuyệt đối nghiêm cấm việc hút cát tại cửa biển đưa lên bờ để phục vụ xây dựng và các nhu cầu khác. “Đây là nguyên nhân chính, điểm mấu chốt nhất, nguyên nhân của mọi nguyên nhân đã tác động dẫn đến bãi tắm Cửa Tùng bị tàn phá.

Nếu cứ nạo vét thì chỉ 5-7 năm sau cửa biển lại cạn lại, nhưng sự hủy hoại càng lớn”- ông Long nhấn mạnh.

Cũng theo ông Long, nếu không nạo hút cát thì cồn cát dưới chân cầu Cửa Tùng phía Nam sẽ ngày một lớn dần.

Tuy nhiên, việc cát lấp cạn cửa biển và khu vực bến cá (cảng cá) là không thể. Vì cứ theo một quy luật tự nhiên riêng có ở Cửa Tùng là sau 1 năm bồi lấp, lại có những tháng ngày mưa, bão, lũ dòng chảy của sông Bến Hải, kết hợp với triều cường và dòng chảy đối lưu gần bờ của biển sẽ tự mở toang dòng chảy tại cửa biển, cuốn lớp cát ra biển và sẽ tạo khơi thông một luồng lạch. Luồng lạch này nằm phía bờ Bắc tại cửa biển Cửa Tùng.

Và theo ông Long, cũng không nên cho phép làm thêm một kè nào nữa cho dù kè đó là kè chắn cát, chỉ hao tốn tiền của và hệ lụy sau này của nó rất lớn đó là phá vỡ cảnh quan môi trường nhưng chắc chắn không nuôi được bãi nếu cứ hút cát tại cửa biển.

Kè chắn cát không cần tháo nữa mà để lại làm nơi hóng mát, câu cá, cũng như điểm tham quan du lịch bách bộ của du khách có nhu cầu đi ra đứng trước biển hóng gió.

“Đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công kè bậc cấp tại khu vực bãi tắm, những nơi thi công xong cần san lấp cát và sớm sàng lọc đá sỏi trả lại mặt bằng để phục vụ khách tắm biển. Tiến độ này cần phải tích cực khẩn trương nếu chậm mùa mưa bão tới sẽ lại đưa đá cát tạp chất của công trình xây dựng ra biển thì nguy cho bãi tắm”- ông Long kiến nghị.

Dự án nghiên cứu của Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội thiếu thực tế?

“Nên dừng lại dự án nghiên cứu nuôi bãi tắm Cửa Tùng của Trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội đang nghiên cứu. Bản thân tôi đã có nhiều lần có ý kiến tham gia, tuy nhiên các nhà nghiên cứu của trường chỉ dùng tư liệu ảnh để phục vụ đề tài mà không chịu tiếp thu ý kiến tham gia. Dự án vẫn tiếp tục đo, nghiên cứu dòng chảy của sông, thủy triều của biển với một thời gian rất ngắn, chủ yếu đo đạc vào những ngày biển lặng gió cấp 4, 5,và cấp 6 do vậy việc đo đạc nghiên cứu này không sát với thực tiễn. Vì khi biển động, mưa bão cấp 9, cấp 10, thậm chí cấp 11 không có ai ra đó để đo đạc mà nghiên cứu được. Hơn nữa, con nước tại biển Cửa Tùng nó theo tháng và theo mùa trăng, tháng biển lặng thì nước chảy khác, biển động lại chảy khác, cửa biển khi mùa lũ nước chảy xiết cuồn cuộn cuốn lớp cát từ cửa sông ra biển chảy theo hướng khác... cho nên sẽ thiếu cơ sở khoa học khi nghiên cứu nó”.

Theo Báo giấy