“Cửa biển Sầm Sơn” 60 năm trước

TP - Cách đây 60 năm, tại bến Sầm Sơn (nay là cảng cá Lạch Hới thuộc phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa), được sự chỉ đạo của trung ương, người dân Sầm Sơn đã hồ hởi, nhiệt tình tham gia đón tiếp chăm sóc ân cần 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ ở miền Nam tập kết ra miền Bắc theo Hiệp định Genève 1954. 
Tấm bia ghi sự kiện ngày đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc tại cảng cá Lạch Hới. Ảnh: Hoàng Lam

Hết lòng vì miền Nam

Trong 60 năm qua, nhiều học sinh miền Nam sau khi học ở Thanh Hóa một thời gian, sau đó được chuyển ra các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc ở Hải Phòng, Hà Đông (Hà Tây cũ)... học tiếp. Rồi họ trưởng thành, trở thành các “hạt giống đỏ”, là nguồn cán bộ cho các tỉnh phía Nam sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975). Trong số những cán bộ, quân nhân miền Nam tập kết ra Bắc nhiều người ở lại xây dựng Thanh Hóa và xem xứ Thanh là quê hương thứ hai của mình.

Một trong những nhân chứng cách đây 60 năm là ông Trần Trí Hợi (92 tuổi), hiện trú tại thôn Toàn Thắng, phường Quảng Tiến. Vào giai đoạn năm 1954 - 1955, ông Hợi vừa là bí thư chi bộ, vừa là chủ tịch UBND xã Quảng Tiến- một trong những người trực tiếp lãnh đạo nhân dân địa phương tổ chức đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc trong suốt 9 tháng (từ ngày 15/10/1954 đến 1/5/1955). 


Ông Hợi kể: Bấy giờ, việc chuyên chở đoàn cán bộ, chiến sĩ; thương, bệnh binh; học sinh, sinh viên miền Nam tập kết ra miền Bắc do tàu lớn của Liên Xô (cũ) và Ba Lan đảm nhiệm. Tàu không cập bến Sầm Sơn được, phải đậu ngoài biển, cách bờ khoảng hơn 1km, nên xã phải huy động hàng chục chiếc thuyền đánh cá loại nhỏ chèo bằng tay của ngư dân để ra đón đồng bào miền Nam vào bờ an toàn. 

Khu mộ của cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc ở huyện Ngọc Lặc 

Sau khi lưu lại Sầm Sơn một thời gian để dưỡng sức, đồng bào miền Nam tiếp tục di chuyển đến các địa phương khác trong tỉnh Thanh Hóa, hoặc ra các tỉnh phía Bắc theo sự phân công của trung ương. Lúc bấy giờ, có nhiều học sinh miền Nam đã lưu lại Thanh Hóa học tập một thời gian tại các trường tạm. Nhiều cán bộ miền Nam về các huyện miền núi Thanh Hóa xây dựng các nông trường quốc doanh.

Trong số những thầy giáo trực tiếp dạy dỗ, chăm sóc học sinh miền Nam theo ba mẹ tập kết ra Bắc, có thời gian học tập tại Thanh Hóa cách đây 60 năm, hiện chỉ còn thầy Đàm Lê Cẩn (85 tuổi)- hiện là chủ tịch Hội cựu giáo chức thị xã Sầm Sơn và thầy giáo Lê Vạn Phiên (86 tuổi)- hiện nghỉ hưu tại xã Quảng Hùng, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa).

Thầy giáo Lê Vạn Phiên lúc đó dạy ở Trường số 3, xã Quảng Hải (huyện Quảng Xương), tâm sự: “Tôi nhớ nhất một lần, có em học sinh vì nhớ ba mẹ đã trốn trường tìm về bến Sầm Sơn để mong gặp người thân. Đêm đó, toàn bộ giáo viên của trường rải dọc tuyến đường xuống Sầm Sơn đi tìm em học sinh ấy. Rất may, đến sáng thì chúng tôi tìm được, thấy em đang ngồi khóc thút thít bên vệ đường. Từ đó, tất cả giáo viên trong trường đều được phân bổ xuống các phòng để ngủ cùng với học sinh.

Sau một thời gian, thầy trò gắn bó với nhau lắm. Tết cổ truyền năm 1955, ngoài việc nhà trường tổ chức đón tết tại trường, các thầy giáo còn được phân công đưa các em học sinh miền Nam về đón Tết tại các gia đình trong xã thân tình, ấm cúng không khí gia đình. Như vậy phần nào bù đắp những mất mát, thiếu thốn cho các em”.

Theo tài liệu Lịch sử Đảng bộ huyện Nông Cống, trong hai năm 1954, 1955, đảng bộ, nhân dân huyện Nông Cống đã quyên góp hàng chục tấn gạo, hàng nghìn bộ quần áo, chăn màn và vận động hàng nghìn gia đình nhường nhà, cùng chung sống, chăm sóc các thương, bệnh binh; chiến sĩ, cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Thời gian này đã có hơn 200 gia đình đồng bào miền Nam, gần 1.000 học sinh, sinh viên miền Nam về sinh sống tại huyện này, tập trung ở các xã Hoàng Giang, Trung Chính, Trung Thành, Vạn Hòa, Yên Mỹ... Riêng xã Vạn Hòa có đông đồng bào đến sinh sống nhất, vì nơi đây gần bệnh viện, chợ búa, giao thông đi lại thuận lợi.

Những người con miền Nam ngày ấy

Tại Thanh Hóa, những năm 1954- 1957, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ miền Nam sau ngày tập kết ra Bắc được phân công về các huyện trong tỉnh, cùng nhân dân địa phương xây dựng kinh tế. Trong số đó, phần lớn cán bộ, chiến sĩ miền Nam ở lại xứ Thanh đã trực tiếp đặt nền móng xây dựng các nông trường quốc doanh như: Nông trường Yên Mỹ (huyện Nông Cống), Nông trường Phúc Do, Nông trường Thạch Thành (huyện Thạch Thành), Nông trường Lam Sơn (huyện Ngọc Lặc), Nông trường Thống Nhất (huyện Yên Định).

Cảng cá Lạch Hới, thị xã Sầm Sơn- nơi 60 năm trước đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc 

Ông Nguyễn Xuân Thành - giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Lam Sơn (trước kia là Nông trường Lam Sơn) cho biết: “Hiện nay, tại nông trường còn 50 cụ là người miền Nam thời tập kết ra Bắc đang sinh sống. Chúng tôi tổ chức thành câu lạc bộ để các cụ có điều kiện sinh hoạt. Hằng năm, nông trường tổ chức gặp mặt, thăm hỏi các cụ nhân ngày truyền thống của đơn vị, rồi dịp lễ, tết... Điều mà mảnh đất xứ Thanh ghi nhận, những người con miền Nam tập kết đã có công đóng góp rất lớn trong công cuộc xây dựng Nông trường Lam Sơn”.

Cũng như hàng trăm bộ đội miền Nam tập kết lên xây dựng Nông trường Yên Mỹ, ông Nguyễn Công Khánh (95 tuổi, quê ở Quy Nhơn, Bình Định), hiện trú tại thôn Xuân Thịnh, xã Yên Mỹ (huyện Nông Cống) kể lại:

“Tháng 10/1955, chúng tôi cùng 129 chiến sĩ miền Nam tập kết được phân công lên tiếp quản đồn điền của Pháp, xây dựng Nông trường Yên Mỹ. Ngày đó, vùng đất này còn hoang vu lắm. Anh em bộ đội miền Nam cùng cán bộ, nhân dân địa phương bắt tay vào khai hoang, phục hóa đất đồi. Giữa mùa đông lạnh giá, chúng tôi đào hố trồng cà phê, cao su, làm luống trồng dứa, tỉa đậu các loại.

Ngoài ra, chúng tôi còn mở rộng chăn nuôi bò, gia cầm tạo thành mô hình kinh tế trang trại kết hợp. Đến năm 1965, Nông trường Yên Mỹ đã trở thành một vùng đất trù phú, kinh tế- xã hội phát triển, tạo tiền đề để đến năm 1967 thành lập thị trấn Nông trường Yên Mỹ.

Đây cũng là mô hình nông trường quốc doanh luôn là ngọn cờ đầu của tỉnh Thanh Hóa suốt những năm kháng chiến chống Mỹ và sau này. Cuộc sống bừng bừng trong những ngày khai hoang mở đất ấy tràn đầy lạc quan.

Những cán bộ, chiến sĩ miền Nam thành lập đội văn nghệ “đờn ca tài tử”, dạy hát vọng cổ cho nhân dân địa phương. Đặc biệt, chúng tôi còn là những người đầu tiên mở các tiệm may quần áo tại thị trấn Nông trường Yên Mỹ và nó tồn tại phát triển cho đến ngày nay”.

Sau hiệp định Genève 1954, cùng với hàng vạn cán bộ, chiến sĩ cách mạng miền Nam tập kết, nhiều thiếu nhi miền Nam đã được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đưa ra miền Bắc học tập. Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc được hình thành từ chủ trương của Đảng và Bác Hồ nhằm đào tạo nguồn cán bộ miền Nam chuẩn bị lực lượng giải phóng miền Nam, bắt tay vào xây dựng đất nước trong những buổi đầu nước nhà thống nhất.

Lực lượng học sinh miền Nam tính cả thời kỳ sơ tán sang Quế Lâm (Trung Quốc) có gần 30.000 người, theo học ở 40 trường tại Thanh Hóa, Hà Tây (cũ), Hà Nam, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Trong đó, riêng tại Thanh Hóa những năm 1954, 1955 có các Trường số 3, số 5, số 7, số 9 ở các xã Quảng Giao, Quảng Hải, Quảng Ngọc (Quảng Xương).

Nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc

Nhân dịp này kỷ niệm 60 năm Ngày đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức thăm hỏi, tặng quà các cán bộ, chiến sỹ miền Nam hiện đang sinh sống, làm việc, nghỉ hưu tại Thanh Hóa; tổ chức đoàn đại biểu tham dự các hoạt động của sự kiện này tại tỉnh Đồng Tháp; công chiếu các bộ phim tài liệu lịch sử về sự kiện đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Tối qua 28/10, lễ kỷ niệm 60 năm Ngày đồng bào, cán bộ, chiến sỹ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc được tổ chức trọng thể tại cảng Lạch Hới, phường Quảng Tiến (thị xã Sầm Sơn- nơi cách đây đúng 60 năm, nhân dân Thanh Hóa đón chuyến tàu đầu tiên đưa đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc- ngày 15/10/1954).

Công trình Khu lưu niệm đồng bào, chiến sỹ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc tại phường Quảng Tiến (thị xã Sầm Sơn) cũng được khởi công xây dựng trong dịp này.