Cửa biển Lạch Vạn là một trong 6 cửa lạch lớn nhất tỉnh Nghệ An, là nơi neo đậu của hàng trăm tàu thuyền của ngư dân các xã Diễn Bích, Diễn Ngọc, Diễn Vạn,… (huyện Diễn Châu). Hiện tại cửa biển này bị cát bồi lấp, khiến đoạn đường thủy quan trọng bị thu hẹp. Tàu cá nằm bờ nhiều tháng không dám ra khơi.
Ngư dân Phạm Văn Tuấn (trú xã Diễn Bích, chủ tàu cá 250 CV) cho biết, cửa biển trước đây rất rộng, nhưng khoảng hơn 10 năm lại đây có dấu hiệu hẹp dần vì bị cát biển dạt vào bồi lấp ngày càng nghiêm trọng. Tàu cá của ông không dám tự ý ra vào. Vì sợ mắc cạn, nhiều tàu đánh bắt về phải chờ ngoài biển, khi thủy triều lên mới dám vào.
“Việc ra vào cửa lạch mấy năm qua gặp nhiều khó khăn, phải nắm rõ được lịch lên, xuống của thủy triều. Nếu điều khiển tàu thuyền lệch một chút là nguy cơ bị mắc kẹt rất lớn”, ông Tuấn chia sẻ.
Chỉ vào chiếc tàu cá đang neo bên bờ, ông Tuấn thở dài, kể: “Con tàu kia được đóng gần 2 tỷ đồng, mới đi biển được vài chuyến, giờ đang nằm bờ chưa dám đi vì sợ mắc cạn. Tháng trước, tàu nhà tôi đi lệch có một chút, bị sa vào bãi cát, gãy chân vịt, sửa hết mấy chục triệu”. Theo ông Tuấn, với những con tàu to, công suất lớn thì việc ra, vào cửa lạch rất khó khăn. Tàu mắc cạn không chỉ gây thiệt hại lớn cho chủ tàu mà còn khiến các tàu khác bị ảnh hưởng, không thể đi biển đúng kế hoạch.
Cách đây ít tháng, tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Đình (trú xã Diễn Ngọc) mắc cạn rồi bị sóng gió đánh chìm khi đi qua cửa lạch này. Do việc cứu tàu rất phức tạp và tốn kém, ông Đình đành phải bỏ lại tàu, chỉ lấy ngư cụ, tháo máy móc mang về. Trước đó, một tàu cá công suất 400 CV của ngư dân xã Diễn Bích trên đường đánh bắt trở về, qua cửa biển này cũng bị mắc cạn và chìm. Mất hơn hai ngày “giải cứu”, chiếc tàu mới được kéo về bờ nhưng bị hư hỏng nặng.
Thống kê của Chi cục Thủy lợi Nghệ An thời điểm cuối năm 2023, nguồn vốn được cấp để nạo vét tuyến Lạch Quèn đạt hơn 54 tỷ đồng, áp dụng cho hơn 3km luồng lạch và bến neo đậu; cấp 20 tỷ cho tuyến Lạch Vạn (1km luồng lạch); cấp 20 tỷ nạo vét tuyến Lạch Cờn (1,2km luồng lạch); 96 tỷ nạo vét tuyến Lạch Thơi.
Nạo vét luồng lạch, như muối bỏ biển
Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Diễn Châu cho biết, cửa Lạch Vạn là nơi ra, vào của hàng trăm con tàu. Do bị bồi lắng cửa lạch, hàng năm đều có tàu thuyền của ngư dân bị mắc cạn, gây thiệt hại đến tài sản của ngư dân. Nhiều tàu thuyền phải tìm nơi neo đậu ở các lạch khác cách xa nhà hàng chục cây số.
“Tình trạng cửa Lạch Vạn bị bồi lắng xảy ra từ trước đến nay, mặc dù nhiều lần Sở NN&PTNT tổ chức nạo vét nhưng sau một thời ngắn thì đâu lại vào đấy. Cửa lạch bị bồi lắng, cũng là lý do khiến ngư dân lâu nay không dám đầu tư đóng thuyền to, máy lớn”, ông Hiếu nói.
Nguyên nhân khiến cửa Lạch Vạn bị bồi lấp, được ngành chức năng xác định do lượng phù sa từ sông Bùng đẩy xuống theo chiều của gió mùa đông bắc, tạo nên những doi cát có xu hướng ngày càng làm hẹp, nắn dòng và biến dạng cửa lạch. Xử lý bồi lấp cửa sông, cửa biển để khơi thông dòng chảy là nhiệm vụ cấp bách của ngành thủy sản Nghệ An. Tuy nhiên, việc phân bổ trên thực tế không nhiều, như muối bỏ biển.
Một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho hay, trước đây việc nạo vét cửa biển Lạch Vạn đã được thực hiện, nhưng do kinh phí eo hẹp nên chỉ thực hiện được quy mô nhỏ. Tình trạng bồi lấp ở cửa biển này nếu không có giải pháp ngăn phù sa thì dù có nạo vét vẫn không hiệu quả.
Sở cũng đã trình cấp trên kế hoạch nạo vét Lạch Vạn từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Cùng với việc nạo vét luồng lạch, sẽ xây dựng hai mỏ kè kiên cố phía ngoài cửa lạch để ngăn phù sa. Giải pháp này được kỳ vọng ngăn sự bồi lắng cửa Lạch Vạn, khơi thông luồng lạch để tàu thuyền không còn phụ thuộc vào thủy triều.