> Cụ Rùa lại nổi trong nắng ấm
> Thử xem bẫy rùa
Bẫy tre bắt rùa tai đỏ ghi điểm
Tại cuộc họp cuối chiều thứ sáu tuần qua (25-2), ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ Rùa Hoàn Kiếm một lần nữa nhất trí phê duyệt 5 loại bẫy trong tổng số 7 loại thử nghiệm bắt rùa tai đỏ để đặt vào hồ Hoàn Kiếm thời gian tới. Đó là 3 bẫy của Sở KH&CN Hà Nội (một bẫy chìm loại bốn cửa, một bẫy chìm loại một cửa, và một bẫy nổi bằng gỗ dâng có lưới điều khiển từ xa), một bẫy bập bênh của Cty Cổ phần xanh và một bẫy nổi dùng hom tre giữ con vật bị bẫy.
Bẫy nổi hom tre của anh Nguyễn Văn Thịnh, Phó giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ & Thương mại HTH, được ghi nhận đạt hiệu quả bắt rùa tai đỏ nhiều nhất trong suốt 10 ngày thử nghiệm tại 2 hồ ven đô của Hà Nội (bắt được 13 con).
Bẫy tre này hiện vẫn đặt tại hồ Văn Quán (quận Hà Đông), cấu tạo rất đơn giản và gồm hai tính năng. Tính năng bắt rùa khi chúng bò lên phơi nắng, phần này thiết kế nổi trên mặt nước, trông như chiếc nón với mồi là tôm tép sống đặt bên trong. Rùa kiếm ăn trèo lên bè, trèo vào nón, sau đó trèo lên nan đựng thức ăn khiến nan tre trĩu xuống, rùa rơi vào lòng bẫy, còn nan tre bật ngược trở lại.
Tính năng thứ hai là bắt rùa ở dưới nước. Phần này được thiết kế như một cái lờ cá đặt chìm dưới nước theo phương nằm ngang để rùa có thể chui vào. Tôm, tép, cá sống được đặt trong lờ. Rùa chui đầu vào kiếm ăn sẽ không thể quay lui để ra ngoài được. Trong khi những rùa khác thấy có mồi lại tiếp tục chui vào. “Bẫy của chúng tôi thiết kế dạng hom nên có thể bắt nhiều rùa, sau nhiều ngày mới đi thu gom và bổ sung mồi”, anh Thịnh nói.
Phía trong đặt mồi nhử là tôm, tép, cua cá còn sống. Với loại nổi, rùa tai đỏ sẽ bơi lên bè tìm thức ăn, chui vào trong lồng gây động làm bẫy sập lại. Cụ Rùa quá nặng để có thể trèo bè nơi phần bẫy nổi, trong khi phần bẫy chìm thiết kế thêm các song sắt trước miệng bẫy, đảm bảo cụ Rùa không thể thò đầu vào được.
Cụ Rùa sẽ sập bẫy
Cụ Rùa sẽ được dẫn dụ vào hệ thống lưới tự động rồi lai dắt về nơi chăm sóc có gắn camera theo dõi. Hệ thống gồm lưới, bè vận chuyển và lồng nuôi nhốt này của anh Nguyễn Văn Thịnh cũng đang là phương án được ban chỉ đạo đưa vào nhóm ưu tiên.
Rùa được dẫn dụ vào thiết bị bằng mồi là tôm, tép, cua, cá sống. Các mồi này được thả trong 37 cọc mồi. Đỉnh cọc mồi lớn nhất ở giữa có gắn đèn chiếu sáng màu vàng đỏ, được cho là hấp dẫn đối với mọi loài sinh vật.
Theo GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, do đặc tính sinh học, nhiều loài rất dễ bị dẫn dụ bởi ánh sáng, nhất là ánh sáng vàng, có tỏa nhiệt nhưng ổn định. Khi rùa Hoàn Kiếm thấy các sinh vật đó bị dẫn dụ vào trong bẫy mà vẫn an toàn thì sẽ đi theo và sập bẫy.
Khi đưa cụ Rùa lên, sẽ thu, kéo mép túi lưới dần lên bằng hệ thống motor và ròng rọc. Rùa sẽ chạy vào tâm túi. Luồn bè vận chuyển vào tâm túi, rùa sau đó sẽ được vận chuyển vào khu vực nuôi nhốt cách ly để chăm sóc, điều trị.