Cú hích cho cỗ xe thơ đang ì ạch chạy

TP - Nét mới của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 11 năm nay là cuộc thi sáng tác và diễn xướng - trình diễn thơ của sinh viên 8 trường đại học diễn ra tối 22 và 23-2-2013 (tức đêm 13 và 14 tháng Giêng) tại Hà Nội.

> Ngày Thơ sẽ đậm đặc thơ biển đảo và Tổ quốc

Tám trường đó gồm ĐH Văn hóa Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân, Nhạc viện Hà Nội, ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, ĐH Đại Nam, ĐH Sư phạm HN, ĐH Bách khoa và ĐH KHXH&NV Hà Nội.

Tiết mục chào mừng Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 11 của ĐH Văn hóa Hà Nội. Ảnh: Khả lôi Việt Vương.

Tiền Phong Chủ nhật có cuộc trao đổi cởi mở với một số vị đại diện các trường tham gia Ngày Thơ Việt Nam về thơ trẻ và về văn hoá đọc.

Thi thơ (sáng tác) và diễn xướng - trình diễn thơ sinh viên là một nét mới trong hoạt động Ngày Thơ Việt Nam năm nay. Anh/chị nhận định ra sao về hoạt động này?

PGS.TS Lý Hoài Thu (Trường Đại học KHXH&NV): Theo tôi, đây là một cố gắng của Ban tổ chức nhằm đa dạng hóa hoạt động sáng tạo và thưởng thức thơ, đưa thơ đến gần hơn với các loại hình nghệ thuật lân cận (tiếng nói hình thể, “thị giác hóa ngôn từ”…). Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng hình thức này có lẽ chỉ thích hợp với “sân chơi” của thơ trẻ, thơ sinh viên và ít nhiều mang tính chất thể nghiệm.

PGS.TS Lý Hoài Thu.

PGS.TS Văn Giá (ĐH Văn hóa HN): Tôi chưa bàn về chất lượng. Nhưng hình thức trình diễn thơ cũng là một cách để kéo công chúng đến với thơ. Thay vì trước đây chỉ nghe thơ, nay được xem kết hợp với nghe.

Trước kia thơ chỉ đứng một mình, nay được tương tác và hỗ trợ với các bộ môn nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa, kịch, múa, sắp đặt, thậm chí điện ảnh…Vậy là thơ đã chủ động tìm đến những trợ thủ đắc lực cho mình để thơ được chắp cánh và thăng hoa hơn. Tôi thấy cũng tốt. Nó có hiệu quả tổng hợp về mặt xúc cảm và chất lượng nghệ thuật.

PGS.TS Văn Giá.

TS. Bùi Đức Hùng (ĐH Bách khoa): Đây là hoạt động rất có ý nghĩa, kéo sinh viên về một sân chơi mà gần đây ít dành cho họ. Tôi đánh giá cao về ý tưởng và hoạt động này của Ban tổ chức.

TS. Bùi Đức Hùng.

Ông Chu Công Thế (Học viện CSND): Tôi nhận thấy rằng đây thực sự là một sân chơi đầy ý nghĩa. Sân chơi này không chỉ là nơi để cho các bạn trẻ thể hiện khả năng sang tác thơ ca mà còn là nơi để các bạn bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước và thôi thúc mỗi người hành động để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Ông Chu Công Thế.

Bà Cao Thị Hòa (ĐH Đại Nam): Hoạt động này nên làm thường xuyên hơn và quảng bá rộng rãi hơn ra công chúng để hâm nóng lại tình yêu thơ ca của người Việt, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay.

Bà Cao Thị Hòa.

Theo anh/chị, hiện nay sự yêu thích hưởng thụ vẻ đẹp thơ ca và sáng tác thơ ca trong sinh viên thực chất đang như thế nào (giữa một thời đại văn hóa nghe - nhìn, văn hóa mạng… chiếm lĩnh như hiện nay)? Có phải, thơ ca đang nhạt dần ngay trong giới trẻ hay không?

TS Lý Hoài Thu: Với những thay đổi trong nhịp sống, trong tâm thế tiếp nhận, phải nói thẳng là: quả thật hiện nay thơ - thơ đích thực - đang bị “lấn sân”, đang mất dần vị thế và khả năng “phủ sóng” trong giới trẻ.

TS Văn Giá: Tôi nghĩ đúng là như vậy nếu nhìn trên diện rộng. Hiện nay, thơ ca cũng như các bộ môn nghệ thuật khác đang có sự phân hóa rất sâu sắc. Phân hóa trong đội ngũ sáng tác, phân hóa trong phong cách thơ, phân hóa trong công chúng tiếp nhận.

TS Bùi Đức Hùng: Nói thơ ca đang nhạt dần trong giới trẻ ngày nay thì không đúng mà đúng hơn là chúng ta chưa có giải pháp hay trong việc hướng giới trẻ quan tâm nhiều hơn về vấn đề này.

Ông Chu Công Thế: Hiện nay, văn hóa mạng đang chiếm lĩnh, điều này một mặt vừa tạo ra lợi thế cho thơ ca nhưng đồng thời cũng là một trở ngại. Có thể chúng ta thấy hiện nay nhiều bạn trẻ không mặn mà với thơ ca nhưng theo suy nghĩ của tôi, đó chỉ là nhất thời.

Bà Cao Thị Hòa: Phong trào yêu và sáng tác thơ ca trong giới trẻ hiện phai nhạt đi nhiều. Họ quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống hiện tại: cơm áo gạo tiền... Kết quả này tôi cho rằng xuất phát từ người lớn chúng ta, chúng ta đã bị gần 20 năm ồ ạt chạy theo phát triển kinh tế, không chú trọng đúng mức đến giáo dục thẩm mỹ.

Trong thực tế, phong trào thơ sinh viên đã từng rất mạnh cho đến những năm 1990, rồi do nhiều nguyên nhân, đã lắng xuống. Đây có phải là một cú hích vào cỗ xe thơ sinh viên vốn rất nhiều tiềm năng hay không?

TS Lý Hoài Thu: Chúng ta hy vọng là sau “cú hích” của ngày thơ Việt Nam, làng thơ sinh viên sẽ có sự khởi sắc. Nhưng đây cũng chỉ là hy vọng và dự đoán. Tuổi trẻ ngày nay có quá nhiều sự quan tâm và lựa chọn trong “thế giới phẳng” này…

TS Văn Giá: Khó lắm. Trong một đời sống tiêu dùng và thực dụng như hôm nay, thơ nhiều khi bị coi là phù phiếm. Ấy là chưa kể những thơ dở tràn lan hiện nay, nó làm cho thơ bị mất thiêng đi nhiều lắm. Nếu ở một trường đại học nào, may mắn có 1-2 gương mặt thơ (kể cả văn xuôi) nổi nổi một chút, uy tín một chút, thì cái lòng yêu thơ sẽ được đánh thức, được tập hợp, được truyền lửa cho nhau. Còn nếu ở trường nào không có những gương mặt thơ khá, mà toàn thơ dở hoặc dung tục, thì khó có thể vực dậy một phong trào thơ có chất lượng được.

TS Bùi Đức Hùng: Nếu nói đây là một “hoạt động quan trọng” để nhắc nhở chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến tiềm năng sáng tác thơ rất lớn trong sinh viên giai đoạn hiện nay thì chính xác hơn là nói một “cú hích” cho một cỗ xe thơ đang dừng hoặc đang ì ạch chạy. Thực tế xe vẫn mới, chỉ thiếu “dầu mỡ” thôi.

Ông Chu Công Thế: Trong thời gian tới, để phong trào thơ sinh viên phát triển thì ngoài tình yêu thơ ca trong sinh viên, phải có sự chỉ dẫn của thế hệ nhà thơ đi trước và sự quan tâm, khuyến khích của chính quyền, đoàn thể.

Bà Cao Thị Hòa: Đáng tiếc là ở nhiều năm gần đây, chúng ta chạy theo lối thực dụng, đồng tiền ngự trị dần trên mọi lối sống văn hóa truyền thống. Người lớn cũng không còn yêu thơ ca nữa, không là tấm gương sáng trong nhiều lĩnh vực văn hóa - đạo đức - xã hội nữa.

Tham nhũng tràn lan thành quốc nạn, những tấm gương xấu phơi bày tràn lan..., thơ văn nào còn sáng tác được? Lớp trẻ quay lưng lại với văn thơ cũng là điều dễ hiểu. Họ quay lưng không chỉ với thơ ca đâu.

Vì thế mà Ngày Thơ VN lần này chưa thể là cú hích được, phải có hằng chục, hằng trăm ngày như thế. Phải được cả hệ thống giáo dục đồng lòng thì mới thay đổi dần tư duy của lớp trẻ của ta hiện đã và đang bị cuộc sống xô bồ hàng ngày xâm lấn với tốc độ chóng mặt.

Xin anh/chị cho biết sau hoạt động tại Ngày Thơ Việt Nam 2013 lần này, phong trào sáng tác của sinh viên tại trường sẽ được quan tâm và duy trì như thế nào?

TS Lý Hoài Thu: Thơ ca vốn có đời sống riêng của nó và càng không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Riêng trường chúng tôi, dòng chảy thơ ca vẫn được các thế hệ sinh viên tiếp tục kế thừa và chúng tôi thì đang chờ đợi.

TS Văn Giá: Thì may mà ở Trường ĐHVH chỗ tôi vẫn có khoa Viết văn- Báo chí, nơi đào tạo chuyên ngành Viết văn, nên có điều kiện duy trì hoạt động sáng tạo thơ. Từ khoa tôi mà đánh thức một số người yêu thơ và làm thơ ở một số khoa khác.

Tuy nhiên, nếu thấy thơ của ai đó dở mà khen hay là có tội đấy. Nếu họ thực sự không có khả năng thì nên “giải mê” cho họ, cứ ve vuốt họ để họ đeo đẳng mãi, sinh ra mắc bệnh tự huyễn hoặc thì tội lắm.

TS Bùi Đức Hùng: Trường tôi sẽ xem xét và đưa ra giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy phong trào. Tuy nhiên, để phong trào được duy trì và phát triển tốt có nền tảng từ chủ trương, chính sách của các cơ quan chức năng quản lý nhà nước.

Ông Chu Công Thế: Trong thời gian tới, Câu lạc bộ thơ sẽ được thành lập tại Học viện chúng tôi. Đây sẽ là sân chơi quy tụ những bạn trẻ đam mê sáng tác và những độc giả yêu thơ.

Hằng năm tại Văn Miếu của Học viện sẽ tổ chức các cuộc thi sang tác và trình diễn thơ. Tôi nghĩ rằng những hoạt động đó là một trong những cách mà những người cảnh sát trẻ chúng tôi thể hiện tình yêu đối với nền văn hóa dân tộc cũng như khát vọng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bà Cao Thị Hòa: Tại ĐH Đại Nam của chúng tôi, hoạt động văn hóa văn nghệ trong sinh viên được đặt ngang hàng với hoạt động học tập.

Nói như vậy để thấy răng, sau hoạt động Ngày nhà thơ này, trường chúng tôi sẽ liên tục tổ chức các hoạt động tương tự và sẽ thành lập các câu lạc bộ thơ ca để hướng sinh viên đến một môi trường văn hóa trong lành, lành mạnh và phát triển toàn diện vì học văn chính là học làm người.

Hiền Anh

Theo Báo giấy