> Hà Nội: 'Loạn' cấp phép vào phố cấm
> Mua giấy phép vào phố cấm: 3 triệu đồng!
> Đừng làm khó doanh nghiệp
TP không cấm, CSGT vẫn đòi giấy phép?!
Xoay quanh câu chuyện CSGT “bán” giấy phép vào phố cấm và cấp giấy phép vào phố cấm không đúng quy định theo Quyết định 06 của UBND TP Hà Nội, phóng viên Tiền Phong đã có buổi làm việc với Phòng CSGT Công an TP Hà Nội về vấn đề này.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại úy Trương Song Thành, Đội trưởng Đội tham mưu, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, ngay sau khi báo chí phản ánh về hiện tượng “tiêu cực” tại Đội CSGT số 5, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT Công an TP Hà Nội đã lập Đội điều tra để xác minh vụ việc báo chí nêu.
Hiện Đội CSGT số 5 đã tạm đình chỉ công tác để xác minh vi phạm đối với cán bộ CSGT được xác định trong ảnh mà báo chí phản ánh, cán bộ nào sai phạm sẽ kỷ luật nghiêm, thủ trưởng của đơn vị đó cũng sẽ chịu trách nhiệm liên quan, ông Thành cho biết thêm. Trường hợp chủ xe, lái xe nộp tiền qua “cò” Phòng CSGT Công an Hà Nội sẽ phối hợp với Cơ quan điều tra để làm rõ vấn đề tiêu cực này.
Về việc cấp giấy phép vào phố cấm, ông Thành cho biết hiện Phòng CSGT Công an TP Hà Nội trực tiếp cấp 2 loại giấy phép, một loại cấp phép có thời hiệu 3 tháng và một loại 3 ngày. Ngoài ra Phòng CSGT chỉ đạo các Đội CSGT từ số 5 đến số 12 sẽ cấp loại giấy 3 ngày cho xe tải theo đúng quy trình của Bộ Công an, CATP Hà Nội và sẽ không thu lệ phí với các loại giấy phép vào phố cấm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lái xe lưu thông đi lại.
Theo Quyết định số 06 của UBND TP Hà Nội đã quy định rõ, giờ giấc, cho từng loại phương tiện, cụ thể cho những phương tiện cần phải có giấy phép và không cần giấy phép vào phố cấm như vậy. Tuy nhiên, không hiểu tại sao Phòng CSGT Công an TP Hà Nội vẫn bắt xe tải, có trọng tải dưới 1,25 tấn phải có giấy phép vào phố cấm?
Vòng vo, chưa thỏa đáng
Đại úy Trương Song Thành lý giải vấn đề này như sau: Việc căn cứ cấp phép cho xe tải phải dựa vào hồ sơ, sổ đăng kiểm…Sau đó, cán bộ CSGT sẽ xác minh xem phương tiện đó có trọng tải toàn bộ xe từ 1,25 tấn trở lên có thuộc danh mục cần phải được cấp giấy khi lưu hành hay không, còn đối với xe có tải trọng toàn bộ dưới 1,25 tấn thì thực hiện theo Quyết định 06.
Như vậy, theo Quyết định 06 thì không thể sinh ra loại giấy phép vào phố cấm cho xe tải có trọng tải dưới 1,25 tấn như Tiền Phong đã nêu được. Tại cuộc họp với Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, các phóng viên đều không thỏa mãn, cho rằng lý giải như Đại úy Thành là chưa thỏa đáng, chưa rõ ràng, vòng vo, khó hiểu.
Theo Quyết định số 06/2013 của UBND TP Hà Nội quy định về hoạt động của các phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Cụ thể: Tại điểm 2.4, Điều 4 của Quyết định này quy định về việc cấm xe tải có trọng lượng toàn bộ của xe trên 1,25 tấn hoạt động trong giờ cao điểm trên tuyến đường Phạm Văn Đồng.
Điều 5 quy định về thời gian hoạt động của các loại phương tiện trong khu vực hạn chế: Các loại xe ô tô vận tải có trọng lượng đến 1,25 tấn: Cấm hoạt động trong giờ cao điểm; Các loại ô tô vận tải có trọng lượng từ trên 1,25 tấn trở lên, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe chuyên dùng và các loại xe máy thi công chỉ được phép lưu hành từ 21h00 đến 6h00 sáng ngày hôm sau và phải có giấy phép hoạt động trên tuyến đường cấm đó, và phải do cơ quan chức năng, thẩm quyền cấp
Như vậy, nếu doanh nghiệp hay cá nhân nào có xe muốn chạy cả ngày lẫn đêm thì buộc phải xin 2 loại giấy phép, một giấy lưu hành ban ngày (từ 9h – 15h), một giấy chạy xe ban đêm (từ 21h – 6h).
Để có được tờ giấy này trong tay người dân cùng doanh nghiệp không tránh khỏi việc phải cậy cục đi xin, nhờ vả. Trong đó có không ít các trường hợp đã phải thông qua “cò” với mức giá 3 - 4 triệu đồng/giấy phép hoạt động 3 tháng, hoặc 50.000 VNĐ/3 ngày lưu hành.