Trao đổi với PV Tiền Phong, đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, đối với bất kỳ công trình nào khi xây dựng cũng cần phải được cấp phép, cho phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
“Công trình không phép xây dựng ở bất kỳ đâu cũng đều sai, huống hồ lại xây dựng trên một khuôn viên thuộc di sản văn hóa như ở chùa Hương là điều không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị chính quyền địa phương (huyện Mỹ Đức) phải kiểm tra, xử lý thật nghiêm.
Đừng để việc đã rồi như nhiều công trình khác, điển hình như công trình tại số 8B Lê Trực mới tính chuyện xử lý, rất phức tạp. Trong khi đó cả quá trình xây dựng thấy sai phép lại không xử lý ngay”, ông Tiến nói.
“Nếu công trình sai phép dứt khoát phải tháo dỡ để giữ nguyên kỷ cương phép nước. Tôi còn nhớ cách đây mấy chục năm, khi có những ngôi nhà xây sát ở đê sông Hồng, chúng ta đã kiên quyết tháo dỡ. Đành rằng tháo dỡ công trình sẽ gây lãng phí, nhưng để giữ nguyên kỷ cương thì phải cương quyết làm. Nếu không có động thái gì, rồi phạt cho tồn tại, điều mà lâu nay vẫn thực hiện thì chỉ có khuyến khích các trường hợp sai phạm khác”, ông Lê Như Tiến phân tích.
Ông Tiến cũng nhấn mạnh đến vấn đề trách nhiệm của chính quyền địa phương, khi để một công trình sai phạm xảy ra trên địa bàn. “Tại sao lại để xảy ra một công trình sai phạm tồn tại như thế? Cơ quan quản lý di tích đâu, chính quyền địa phương đâu? Trách nhiệm cụ thể thuộc về ai? Theo tôi cần xử lý không chỉ công trình vi phạm đó mà còn phải xử lý cả với các cá nhân khi để công trình sai phạm tồn tại như vậy”, ông Tiến đề nghị.
Do thiếu chỗ ở mùa lễ hội
Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hậu vừa có văn bản báo cáo sự việc với thành phố Hà Nội. Theo ông Hậu tại khu vực chùa Thiên Trù vào những năm 1970, Cty Du lịch Hà Tây và Cty Thắng cảnh Hương Sơn có xây dựng một số dãy nhà cấp 4 sử dụng vào việc kinh doanh của công ty đồng thời phục vụ khách thập phương nghỉ trọ.
Năm 2000 UBND tỉnh Hà Tây (cũ) chỉ đạo các công ty này bàn giao lại cho chùa sử dụng, do thời gian xây dựng và sử dụng đã lâu nên các dãy nhà trên đã hư hỏng đổ nát… Trong những năm vừa qua số lượng khách đến chùa Hương ngày càng tăng, nhà chùa không có nơi để tăng ni phật tử và những người phục vụ ăn ở, sinh hoạt những mùa lễ hội.
Với nhu cầu thực sự cần thiết và cấp bách nhằm phục vụ và tổ chức lễ hội tốt hơn, năm 2011 Ban Xây dựng chùa Hương (nhà chùa) đã tiến hành xây dựng nhà 2 tầng mái, diện tích khoảng 400m2 tại vị trí cũ và công năng sử dụng như cũ để phục vụ nhu cầu trên nên chưa hoàn chỉnh quy trình xây dựng trình cấp có thẩm quyền. Lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức cũng cho biết hiện đang chỉ đạo Ban Xây dựng chùa Hương tổng hợp hồ sơ việc xây dựng theo
quy định.
Trước đó tại biên bản làm việc của đại diện Sở Văn hóa Thể thao (VHTT) Hà Nội đã chỉ ra sai phạm của công trình “Hương nghiêm pháp đường”. Đồng thời lãnh đạo Sở này cũng đã ký văn bản đề nghị UBND huyện Mỹ Đức giao các phòng ban chức năng, cơ quan liên quan báo cáo về việc xây dựng trên gửi về Sở trong tháng 11.
Còn theo đại diện Thanh tra Bộ VHTT-DL, qua tìm hiểu thông tin từ địa phương bước đầu nhận định ba sai phạm của công trình này gồm: Quy trình sai, BQL Di tích thắng cảnh Hương Sơn và Sở VHTT Hà Nội không báo cáo lên Bộ VHTT-DL, UBND huyện Mỹ Đức cho phép xây dựng là vượt thẩm quyền.
Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Thanh tra Xây dựng (Sở Xây dựng) Hà Nội cho hay, sau khi báo chí phản ánh đơn vị đã yêu cầu Đội Thanh tra Xây dựng địa bàn báo cáo vụ việc để có hướng xử lý.
Sớm đưa ra phương án xử lý
Trao đổi với PV, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội, ông Phạm Quang Nghị cho biết, qua báo chí ông đã nắm bắt được thông tin về vụ việc và đang nghiên cứu để sớm đưa ra hướng xử lý đối với trường hợp này.