Anh nên làm võ sĩ thì hơn!
Trần Hiếu chia sẻ từng học thanh nhạc với thầy Nga suốt 4 năm Trung cấp và 5 năm Đại học. Đây cũng là khóa ĐH Thanh nhạc đầu tiên của Nhạc viện Hà Nội. Khóa có 3 người tốt nghiệp, Trần Hiếu đậu thủ khoa. Nhưng khi ra đời, ông không nhận được một lời động viên nào. Ông kể: “Một bà mẹ ở Na Sầm nói với tôi, con ơi con làm gì mà hát như bò rống. Mà bà thì thương tôi lắm, tôi ở nhà bà mà. Một anh khác nói với tôi bên cánh gà, tôi thấy dáng anh nên đi làm võ sĩ thì hơn”.
Ông nhận ra không thể áp dụng kỹ thuật ông thừa hưởng trọn vẹn từ thầy Nga vào hát bài Việt Nam. Và bắt đầu để tâm vào việc phát âm tiếng Việt sao cho đẹp. Ông quyết định đặt bút viết ra những tìm tòi của mình sau khi được GS Trần Văn Khê cổ vũ. Hai người gặp nhau tại Paris năm 1968 khi Trần Hiếu sang hát Con voi (Nguyễn Xuân Khoát). Giữa những năm 1970, ông gặp Trần Văn Khê lần nữa tại Việt Nam. GS hỏi Trần Hiếu có đủ tiếng Pháp để mang công trình qua Pháp lấy bằng tiến sĩ không, ông ngồi trong hội đồng chấm sẽ hỗ trợ. Trần Hiếu có bằng tú tài Pháp nên không ngại nhưng đúng lúc vợ ông là giảng viên Thúy Huyền phát bệnh ung thư cột sống. Mà ông cũng không thể lo đủ 9.000 đô lộ phí sang Pháp.
Tuy kế hoạch Tiến sĩ không thành, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và có lần đến Viện Ngôn ngữ nói chuyện về đề tài này. Trần Hiếu kể: “Mấy ông nghe xong bảo: Chúng tôi sẽ cấp cho anh một bằng đại học về ngôn ngữ, công trình của anh còn quá cử nhân… Nhưng tôi từ chối: Không tôi không làm trò đấy, có thi thì thi chứ tôi không nhận. Về sau các ông ấy vẫn gửi bằng cho tôi. Nhưng tôi không giữ, cũng không khoe ai chuyện này”,
Bà Nguyễn Minh Ngà, phu nhân của NSND Trần Hiếu có vai trò quan trọng trong việc khôi phục bản thảo đã không còn nguyên dạng sau nhiều năm. Một số chỗ chữ viết không rõ, bà thu âm lời chồng rồi ghi lại.
Vì được ông dạy dỗ khi tham gia đoàn nghệ thuật người cao tuổi Khúc Ca Ban Chiều nên bà vẫn gọi ông là thầy. Bà kể: “Năm ngoái thầy Hiếu bị tai nạn giao thông tưởng không qua khỏi. Tôi mới dọn giá sách thấy có tập giấy viết tay. Sinh hoạt trong đoàn nghệ thuật của thầy mười mấy năm, cũng từng đơn ca, nên tôi hiểu giá trị của bản thảo”. Trong thời gian chung sống thỉnh thoảng bà vẫn thấy ông say sưa viết lách trong góc riêng.
Bà nghĩ đến việc đưa tập tài liệu vào thư viện của Học viện Âm nhạc và gọi điện cho Trưởng khoa Thanh nhạc NSND Quốc Hưng- học trò ruột của Trần Hiếu. Sau đó NSND Quốc Hưng cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, cũng từng được NSND Trần Hiếu dìu dắt vào nghề đã biên soạn lại bản thảo để xuất bản. Bà còn cho biết thêm: “Khi thầy ốm nặng tưởng như đi rồi chính Hưng cũng như đứa con ruột vào thay bỉm cho ông trong bệnh viện, túc trực đêm hôm cùng tôi trong phòng cấp cứu”. NSND Trần Hiếu thì nói: “Tôi sở dĩ sống được nhờ có Ngà, người tiếp sức cho tiếng hát của tôi, cho nó sống lại”.
Lá vàng se duyên
Về người vợ hiện tại, ông mô tả “cũng lại là một ngạc nhiên trong đời tôi”. Bà Minh Ngà trước công tác trong ngành “bà mẹ trẻ em”, Trần Hiếu chính là bạn cùng phố với anh ruột bà. Tại TP.HCM, hai người lại tình cờ sinh hoạt cùng nhóm dưỡng sinh hội đồng hương Hà Nội.
Bà kém ông 18 tuổi đâm ra: “Xinh thì xinh quá, trẻ thì trẻ quá. Thành thử tôi không dám yêu. Nhưng cứ thấy hình dáng ấy mình lại suy nghĩ. Tôi không dám đến ngồi cạnh tán tỉnh gì cả. Tôi ngắm cô ấy từ xa, quãng trăm rưởi mét. Thấy ngày nào cô cũng tìm chiếc lá có 3 mảnh quạt quạt thế này”, Trần Hiếu nhớ lại. Giải pháp bật ra. Từ đó sáng nào ông cũng đi sớm hơn, nhặt trước một chiếc lá đặt sẵn nơi bà Ngà vẫn ngồi. Tới khi bà Ngà ra Hà Nội thăm gia đình, ông vẫn nhặt lá hằng ngày. Và gom lại bỏ xuống giếng cô Tấm. Bà về, ông mới thổ lộ: “Ngà ơi em đi bao nhiêu ngày anh đều nhớ cả. Giờ em ra đây xem, em sẽ hiểu”. Ông chỉ xuống giếng: “Em chịu khó nhảy xuống đếm lá”. Thế nên trong số các bài thơ ông làm tặng bà (thường gửi qua tin nhắn điện thoại) có câu: “Người về đất Bắc xa xôi/Để tôi nhặt lá vàng rơi một mình”.
Câu chuyện từ phía bà Ngà: “Thầy bảo em cứ đếm đi, 41 cái lá vàng rơi anh nhặt đấy. Trong khi chính mình cũng chẳng để ý mình ở Hà Nội bao nhiêu ngày… Đúng là mỗi lần tập thể dục xong mình cứ nhặt cái lá to to như lá sa kê mình quạt. Xong hôm sau đến lại thấy có cái lá để ngay ngắn trên ghế. Mình không biết ai để hay nó rơi vào đấy. Mình vô tâm mà, cứ lấy quạt thôi… Thầy kể hết ra đúng là mình hơi xúc động, về cũng mất ngủ đấy”.
Thấy Trần Hiếu đau bệnh, con cái ở xa, lương lậu cũng không bao nhiêu nên từ Hà Nội, bà Ngà vẫn hay gửi đồ ăn, quần áo cho ông. Cả nhà đã để ý rồi nhưng đúng lễ giáo, bà vẫn hỏi ý kiến mẹ và các chị về mối quan hệ này. Mọi người đều có ý ngãng ra: “Dây vào nghệ sĩ phức tạp”. Sau đó Trần Hiếu ra Hà Nội gặp mẹ của bà Ngà. Được câu trả lời: “Thôi anh ạ, con tôi cũng vất vả. Hai đứa con đang ở nước ngoài. Để cho em nó chờ đợi con nó về”. Trần Hiếu vẫn quyết tâm. Một tháng sau đến hát Mẹ tôi của Trần Tiến trong buổi mừng thọ cụ. “Tự nhiên cụ khóc xong cụ bảo, thôi tùy chị...”, bà Ngà thuật lại. Mọi việc thế là được định đoạt.
“Thương thầy thì tôi thương nhiều lắm. Chứ còn nói chữ yêu khó phân tích, chỉ biết cái duyên cái số làm sao ấy. Và khi lấy thầy, tôi hết sức, hết trách nhiệm lo lắng cho thầy”, bà Ngà nói. Còn NSND Trần Hiếu thì nở nụ cười hóm hỉnh như thường thấy: “Đi qua 3 người phụ nữ rồi, tôi tự thấy đây là người thương mình nhất. Còn ai nói thế nào, tùy”.
Chí khí Việt Nam
Trần Hiếu lần đầu chia sẻ về giải Nhất cuộc thi opera quốc tế dành cho các nghệ sĩ dưới 35 tuổi. Khi đó ông đang tu nghiệp tại Nhạc viện Sofia, Bulgary. Trần Hiếu nhớ năm đó mình 41-42 tuổi nhưng nếu đúng cuộc thi diễn ra năm 1983 thì ông đã 47 tuổi, đúng bằng số quốc gia tham gia thi lần đó. Ông “bị” trường ép đi thi, không có tiền, trường tài trợ lệ phí luôn.
Phần thi của ông ở vị trí thứ tư. “Mình 41-42 thi với U35 không đơn giản nhưng đấy không phải Trần Hiếu mà là chí khí Việt Nam. Lúc bấy giờ tôi cháy lên như ngọn lửa, tôi nghĩ đến Việt Nam nhiều hơn mình. Niềm say mê lên đến mức độ không thể tưởng. Tôi hát như trong mơ”, ông nhớ lại. Xong nhiệm vụ, ông về phòng đánh giấc chứ không xem bất cứ tiết mục của một đối thủ nào. Đang khò khò thì có tiếng gọi cửa. Trần Hiếu kể đang ngủ say thậm chí còn văng bậy. Ai dè đó là bà giáo. Bà bắt ông đóng bộ và chở ngược 10km về nơi cuộc thi diễn ra. Trần Hiếu đến nơi vừa lúc nghe tên mình được xướng lên…
“Một chiến công lớn trong đời nhưng về nước tôi không báo cáo”, Trần Hiếu kể. “Hai năm sau Bộ Văn hóa mới gọi lên hỏi, tại sao việc lớn như vậy mà báo cáo. Tôi trả lời: Bộ có cử, có cho tiền tôi đi thi đâu mà tôi nói. Thôi được rồi, giờ tôi thay mặt Bộ cho phép cậu được ghi vào lý lịch là cậu nhất thế giới. Nhưng tôi chỉ ghi đơn giản nhất trong một kỳ thi, thế thôi”.