Công trình chống ngập 10.000 tỷ ở Sài Gòn có nguy cơ ngưng trệ

TPO - TPHCM đã cam kết sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu chậm nhất là trong tháng 7/2017 song đến nay hầu hết các gói thầu của dự án chống ngập trị giá 10.000 tỷ đồng đều chưa giải phóng xong mặt bằng khiến việc thi công có nguy cơ ngưng trệ. 

Chiều 25/1, công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (Trungnam BT 1547) cùng các nhà thầu phụ đã cất nóc trụ cuối cùng trụ tháp T5 của cống kiểm soát triều Mương Chuối (huyện Nhà Bè) thuộc dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1”

Cống Mương Chuối là hạng mục cống kiểm soát triều lớn nhất của dự án. Công trình được xây dựng trên sông Mương Chuối, cách ngã ba Sông Soài Rạp 1,4 km  và cách Cầu Mương Chuối trên đường Nguyễn Bình huyện Nhà Bè 500 m. 

Với bề rộng sông hơn 200m, cống Mương Chuối được thiết kế xây dựng với 5 trụ pin, tương ứng với 4 cửa van, mỗi cửa van rộng 40m và âu thuyền rộng 11m. Mỗi trụ pin chính là cánh tay đòn, được thiết kế để chịu lực độc lập và thực hiện nhiệm vụ nâng hạ cửa van ngăn triều gần 300 tấn bằng hệ thống xi lanh thủy lực.

Để thực hiện một trụ pin cần trung bình 15 – 18 tháng để hoàn thiện cho toàn bộ phần xây lắp.

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) giữa UBND TPHCM và nhà đầu tư Trung Nam Group với thời hạn thi công 36 tháng.

Dự án bao gồm 6 cống kiểm soát triều lớn với khẩu độ từ 40 – 160 m là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định. Các hạng mục đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến Sông Kinh dài 7,8 km đê/ kè, bảo vệ các đoạn xung yếu. Các cống nhỏ dưới đê với khẩu độ từ 1,0 – 10,0 m.

Bên cạnh 7 hạng mục chính là xây dựng các nhà quản lý cho dự án, kết hợp với hệ thống SCADA và quan trắc ở nhiều khu vực thuộc dự án.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam Group cho biết dự án hiện nay đã đạt 68% khối lượng. Đến thời điểm này, dự án đã vượt tiến độ đề ra.

Tuy nhiên, dự án đang đứng trước nguy cơ ngưng trệ vì không có mặt bằng thi công dù người dân trong khu vực rất ủng hộ dự án, sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công công trình.

Để đảm bảo tiến độ thi công, nhà đầu tư đã ứng vốn thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng cho một số hộ dân tại một số vị trí quan trọng để có mặt bằng tiếp tục thi công.

Theo cam kết của địa phương, chậm nhất là trong tháng 7/2017, TPHCM sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư nhưng đến nay, sau gần nửa năm, hầu hết các gói thầu đều chưa hoàn tất công tác bồi thường giải toả.

“Do không có mặt bằng thi công nên tết này công ty Trung Nam sẽ cho anh em kỹ sư, công nhân nghỉ Tết đúng quy định của nhà nước, không ăn tết trên công trường như năm trước. Nếu việc bàn giao mặt bằng tiếp tục chậm trễ, công trình sẽ không kịp đưa vào khai thác chống ngập cho người dân TPHCM trong mùa mưa bão sắp tới”, ông Tiến nói.