Ăn bữa nay, lo bữa mai
Trưa 13/6, chúng tôi đến khu nhà trọ nằm trên đường 5C Hồ Học Lãm (Q.Bình tân, TPHCM) gặp chị Nguyễn Thị Phượng (19 tuổi, quê An Giang) vừa đi chợ về. Trong chiếc giỏ nhựa có một ký gạo, mớ rau cải, bịch chân gà và củ hành tây. “Thực phẩm ngoài chợ cái gì cũng lên giá, tôi đã chọn món rẻ nhất nhưng cũng ngót nghét 50.000 đồng cho 4 người ăn” - chị Phượng trần tình.
Chị Phượng đang mang bầu bé thứ 2, bé đầu hơn một tuổi gửi cho bà con ở quận 12 chăm sóc. Dịch bệnh bùng lên, quận 12 giãn cách nên chị chưa kịp đón con về. Nhìn xuống chiếc bụng vượt mặt, người mẹ trẻ không giấu được nỗi lo hiện trong ánh mắt: “Cả nhà thất nghiệp đã 3 tuần nay. Tôi và chồng cùng làm công nhân tại Công ty CP Điện tử Gia Linh (Q.Bình Tân) chuyên sản xuất loa kẹo kéo. Do công ty nằm gần khu vực có ca mắc COVID-19 nên phải tạm dừng hoạt động, chưa biết bao giờ mới có việc làm trở lại”.
Phòng trọ kế bên của bà Võ Thị Nhàn (50 tuổi) cũng chẳng khấm khá hơn. Căn phòng chừng 15m2 là nơi tá túc của 15 con người, cả người lớn và trẻ em. Thấy có khách đến ngay giờ cơm trưa, bà Nhàn mời tôi cùng ăn cho vui. Mâm cơm chẳng có gì ngoài 2 con cá kho cháy sém, đĩa rau xào, vài quả chuối với hơn chục người quây quần.
“Trước đây tôi khỏe lắm, làm việc cả ngày nuôi hết cả nhà. Từ ngày bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người khiến cuộc sống rất chật vật. Mấy đứa con làm công nhân, dịch bệnh thất nghiệp bèn ôm mẹt ra chợ bán cá lo bữa cơm cháo qua ngày…” - bà Nhàn bỏ lửng câu nói, nghẹn ngào quệt nước mắt.
Câu chuyện ngắt quãng khi cô con gái bà Nhàn ôm mẹt cá về, vẫn còn quá nửa chưa bán được. “Bữa rày khu này nhiều nơi phong tỏa do dịch, chợ chạy tứ tán khắp nơi mà cũng không có khách mua. Chắc chiều phải đi xa hơn để bán hàng, chứ ế hàng kiểu này mai không biết lấy gì ăn” - cô gái thở dài qua chiếc khẩu trang sờn cũ.
Hắt hiu xóm trọ
Qua nhiều khúc cua quẹo, chúng tôi đến khu trọ nằm sâu gần bến Phú Định (P.16, Q.8, TPHCM). Những dãy phòng trọ đóng cửa im lìm, không còn không khí nhộn nhịp của ngày cuối tuần như trước. Dè dặt mở cửa khi tôi hỏi thăm, nữ công nhân mới 17 tuổi Lê Thị Thanh Kiều - công nhân Công ty nhựa Chợ Lớn cho biết, do công ty đang dừng việc để kiểm soát dịch nên được nghỉ mấy ngày nay.
Căn phòng trọ rộng thênh vì chẳng có gì ngoài ít bộ quần áo treo trên cây sào. Kiều kể, cô ở cùng người chị em song sinh. Cả hai lên Sài Gòn được hơn một năm, và làm công nhân từ đó tới giờ. “Lương công nhân được 7 triệu/tháng, tụi em chỉ chi tiêu vào việc trả tiền nhà trọ, ăn uống, còn bao nhiều gửi cho người thân dưới quê Cà Mau. Em còn bà ngoại và bà cố lớn tuổi, không người chăm sóc” - Kiều chia sẻ.
Những ngày này, bữa ăn của 2 cô gái trẻ chỉ có mì tôm lót dạ qua ngày. “Công ty phong tỏa rồi, chưa biết khi nào đi làm lại. Tụi em sợ không có việc làm, không có cơm ăn, không có tiền gửi về cho người nhà còn hơn là sợ dịch. Hiện tại em cũng không biết những ngày sắp tới sẽ thế nào, thôi thì tới đâu hay tới đó” - cô công nhân thật thà nói.
Ông Hồ Xuân Lâm - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết, Liên đoàn đang triển khai các hoạt động để hỗ trợ cho người lao động, công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp (có quan hệ lao động) chịu ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch lần này. Theo đó, mỗi người mắc bệnh được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng và 1,5 triệu đồng với lao động có hoàn cảnh khó khăn đang cách ly tập trung. Công nhân cách ly tại nhà, lao động mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, phải nghỉ việc do ở nơi bị phong tỏa nhận hỗ trợ 500.000 đồng...
Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LÐ-TB&XH TPHCM cũng cho hay, “Chúng tôi đang xây dựng phương án hỗ trợ những trường hợp người lao động phải ngừng việc từ 1 tháng trở lên, đề nghị thành phố có chính sách hỗ trợ khó khăn với mức 1.800.000 đồng/người/tháng” - ông Tấn nêu.
Bà Lê Thị Bình (40 tuổi, công nhân Công ty Pouyuen) đang thực hiện cách ly phong tỏa 21 ngày tại nhà trọ ở phường An Lạc, Q.Bình Tân do khu vực có ca mắc COVID-19. Hằng ngày, bà trông chờ từng suất cơm hỗ trợ, nhu yếu phẩm tài trợ từ phường gửi vào nhằm tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Bởi lẽ, 21 ngày nghỉ ở nhà, bà chỉ được hưởng mức lương cơ bản, khoảng 160.000 đồng/ngày. Bà Bình buồn thiu nói: “Thu nhập của tôi khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, chi tiêu tằn tiện còn gửi về quê nuôi con. Dù công ty hỗ trợ 21 ngày lương cơ bản nhưng tôi lo không biết lấy gì gửi về quê trong thời gian tới”.
Những khu nhà trọ nằm gần Công ty Pouyuen thời điểm này càng thêm hiu hắt khi có công nhân dương tính. Dạo qua nhiều con hẻm nhỏ trên đường Lê Đình Cẩn, đường 54, 57… nhiều phòng trọ đóng cửa lặng thinh. Có người là F2 cách ly tại nhà, có người F1 phải cách ly tập trung… Công nhân sau giờ làm về đến phòng trọ liền đóng kín cửa. “Chưa bao giờ, cảm giác “sống trong sợ hãi” lại nặng nề như lúc này. Chỉ mong dịch mau qua!” - anh Tuấn (công nhân xưởng K, Công ty Pouyuen) nói.