Theo ông Phạm Anh Tuấn, Ngày Thẻ Việt Nam hướng tới nhóm người tiêu dùng trẻ - những nhân tố sẵn sàng tiếp cận, trải nghiệm công nghệ số, thanh toán số và lựa chọn những phương thức thanh toán phù hợp nhất đối với bản thân.
"Các hoạt động trong Ngày Thẻ Việt Nam năm 2024 góp phần phổ cập, tuyên truyền về các dịch vụ, phương thức thanh toán mới của các ngân hàng Việt Nam đến người dân, giới trẻ Việt Nam. Sự kiện sẽ tiếp tục thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thẻ tín dụng nội địa, đưa ra những gợi ý cho thị trường Việt Nam trước xu hướng phát triển mới của hệ sinh thái ngân hàng mở trong tương lai", ông Phạm Anh Tuấn nêu.
Với độ phủ sóng 4G là 99,8%, độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình đạt gần 80% (trung bình thế giới khoảng 60%), Việt Nam được đánh giá là đất nước có tiềm năng mở rộng và phát triển hệ sinh thái số, chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, sự gia tăng của công nghệ tài chính (Fintech) trong những năm gần đây đã tạo ra sân chơi, mô hình kinh doanh, người chơi mới, từ đó phá vỡ vị thế “đóng” của các định chế tài chính truyền thống.
"Các tổ chức tín dụng đang có xu hướng dịch chuyển từ mô hình ngân hàng truyền thống sang mô hình ngân hàng mở, tăng cường sự kết nối và tích hợp công nghệ, trở thành cầu nối trao đổi thông tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp, hỗ trợ thực hiện tốt các hoạt động thanh toán tiêu dùng hay sản xuất kinh doanh với mục tiêu khách hàng là trung tâm. Nhiều lựa chọn, dịch vụ được cá nhân hóa nhưng vẫn đảm bảo an toàn, bảo mật, qua đó góp phần phổ biến thanh toán không dùng tiền mặt đến với người dân, doanh nghiệp", Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết.
Liên quan đến kết quả thực hiện Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, ông Phạm Anh Tuấn cho biết đến tháng 9 năm nay đã có khoảng 38 triệu tài khoản, gần 4 triệu ví điện tử thực hiện sinh trắc học thành công.
“Gần như những thẻ thực hiện giao dịch từ 10-20 triệu đồng đều được đăng ký thông tin sinh trắc học thành công. Việc này nhằm kiểm tra, xác thực tính chính chủ của thẻ, ví khi thực hiện giao dịch. Mục tiêu của Quyết định số 2345/QĐ-NHNN nhằm đảm bảo chính chủ khi thực hiện các dịch vụ liên quan đến thẻ, ví điện tử, góp phần hạn chế tình trạng lừa đảo, gian lận”, ông Phạm Anh Tuấn nêu.
Trong tháng 8 vừa qua có khoảng 700 vụ khách hàng bị lừa đảo mất tiền, giảm khoảng 50% so với trung bình 7 tháng đầu năm 2024, có khoảng 678 tài khoản nhận tiền lừa đảo, giảm khoảng 72% so với trung bình 7 tháng đầu năm 2024.
“Hy vọng các đơn vị cung ứng dịch vụ tiếp tục đẩy mạnh công tác thu nhập thông tin sinh trắc học. Đến 1/1/2025, khách hàng chưa được thu nhập thông tin sinh trắc học sẽ chỉ được cung cấp dịch vụ tại quầy giao dịch”, ông Phạm Anh Tuấn thông tin. Điều này ngầm nhấn mạnh xác thực sinh trắc học là yêu cầu tối thiểu để thực hiện dịch vụ Internet banking, Mobile banking.
Bên cạnh đó, thị trường thẻ tín dụng đang có sự phát triển, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại.
Sự kiện mua sắm và giải trí Ngày Thẻ Việt Nam 2024 - Sóng Festival diễn ra tại sân vận động Đại học Bách Khoa Hà Nội tạo ra sân chơi trực tiếp, giới thiệu đến người dân các trải nghiệm hình thức thanh toán hiện đại, tiệm cận công nghệ thế giới như thanh toán bằng thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless), NFC, thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán qua mã QR… kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC) an toàn, thuận tiện.