Tại buổi đánh giá kết quả vận hành của hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được tổ chức tại UBND tỉnh Kiên Giang diễn ra chiều qua (2/3), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã đề nghị Cục Thủy lợi phối hợp các đơn vị tư vấn, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam, các địa phương tính toán lại quy trình vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.
Cụ thể, nghiên cứu từng vùng sản xuất, xem xét tính toán bổ sung số lượng vị trí các trạm khống chế vận hành kiểm soát mặn, để các địa phương chủ động trong chỉ đạo sản xuất; nghiên cứu phương án kiểm soát triều cường, bổ sung vào quy trình vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.
Đối với các tỉnh trong vùng hưởng lợi (Kiên Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng) trên cơ sở quy hoạch tỉnh, các địa phương tập trung quy hoạch sản xuất và đầu tư hạ tầng. Đối với những vùng mà hệ thống thủy lợi không thể cung cấp nước ngọt hoặc nước mặn thì chuyển đổi sản xuất phù hợp với tình hình thực tế, tái cơ cấu nông nghiệp hợp lý. Các địa phương cần tính toán chỉ đạo dịch chuyển thời vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp đảm bảo sản lượng.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Cục Thủy lợi, các đơn vị trực thuộc, đơn vị vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé cùng các địa phương hưởng lợi soạn thảo quy chế phối hợp quy trình vận hành sớm ban hành trong quý 2/2023.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông rộng rãi đến người dân về chức năng nhiệm vụ của hệ thống thủy lợi này, dự báo khí tượng thủy văn, lịch vận hành hệ thống cống, lịch thời vụ sản xuất.
Dự án hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư trên 3.300 tỉ đồng, do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư, được khánh thành và đi vào hoạt động tháng 3/2022; Mục tiêu của dự án cống Cái Lớn - Cái Bé là giúp kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi tại ĐBSCL với diện tích tự nhiên trên 384.000 ha (gồm các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau), trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản trên 346.241 ha.