Giúp bổ sung nguồn lực
Chiều 26/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (khoản 4 Điều 80).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) nhất trí với phương án 1 là Tổng Liên đoàn Lao động được tham gia xây dựng đầu tư nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thuê.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng cần có quy định cụ thể và lộ trình, vì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức đại diện cho quyền lợi của người lao động. Việc quan tâm đầu tư xây dựng nhà ở cũng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó, quy định mới này sẽ góp phần nâng cao vị trí, vai trò của công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.
Cũng đồng tình với phương án 1, đại biểu Quốc hội Vũ Huy Khánh (Bình Dương) cho hay, điều này cũng cấp thiết và ý nghĩa hơn đối với những địa phương như Bình Dương, nơi có rất nhiều người lao động là công nhân ngoại tỉnh đến làm việc.
Về mặt kỹ thuật, với tên của loại nhà này, đại biểu đề xuất tên của nhà ở là nhà lưu trú công nhân vì theo Luật Cư trú thì các hình thức đăng ký cư trú gồm có thường trú, tạm trú và lưu trú.
Có thể thành lập ban quản lý để thực hiện
Nhiều đại biểu cũng phân tích, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tham gia xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động từ năm 2017 đến nay theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và không phải là hoạt động mới. Hiện nay Tổng Liên đoàn đã hoàn thành việc đầu tư thí điểm thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp tỉnh Hà Nam với 244 căn hộ cho công nhân thuê, đạt tỷ lệ lấp đầy là 100% và khẳng định được năng lực tổ chức.
Trao đổi về sự cần thiết giao cho tổ chức công đoàn thực hiện xây nhà ở xã hội, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) khẳng định việc giao cho tổ chức công đoàn thực hiện việc xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê và nhà lưu trú cho công nhân lao động đáp ứng được cả ba căn cứ, về mặt chính trị, về mặt pháp lý, về mặt thực tiễn.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa phân tích, Nghị quyết số 02 ngày 12/06/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam có yêu cầu: "Nhà nước, chính quyền các cấp có cơ chế huy động, bố trí nguồn lực tài chính thỏa đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của người lao động, nhất là nhà ở". Như vậy chúng ta có căn cứ chính trị.
Về căn cứ thực tiễn, theo đại biểu Nghĩa, tổ chức Công đoàn cũng đã thực hiện vấn đề này. Ngoài ra, hiện nay, Việt Nam đang tham gia khuôn khổ hợp tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (SPEF), đây là khuôn khổ mới do Hoa Kỳ khởi xướng và có 4 trụ cột chính đều có những yêu cầu rất khắt khe về lao động và tạo sức ép lớn cho tổ chức công đoàn.
“Như vậy, tôi thấy chúng ta cần thiết phải để cho tổ chức công đoàn có điều kiện, có cơ sở pháp lý để chăm lo cho các thành viên của mình và nguồn tài chính ở đây như trong dự thảo luật phân bổ đó cũng là nguồn tài chính công đoàn, nằm ngoài ngân sách nhà nước”, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu rõ.
Đối với các ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn, theo đại biểu Nghĩa, Công đoàn sẽ thành lập một pháp nhân phi lợi nhuận, có thể là ban quản lý. “Như vậy hoàn toàn không mâu thuẫn gì với các quy định của Luật Doanh nghiệp, không mâu thuẫn với việc tổ chức chính trị xã hội thành lập doanh nghiệp. Đây không phải hoạt động kinh doanh, đây là hoạt động thể hiện nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn đối với các thành viên của mình”, ông Nghĩa nói, đồng thời đề nghị thực hiện theo phương án 1 quy định tại Điều 80 của dự thảo luật.