+ Ông đánh giá thế nào về chính sách của Đảng và Nhà nước ta dành cho đồng bào dân tộc thiểu số?
- Chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là luôn chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có 118 văn bản về chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ đó đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Chúng ta thấy diện mạo thôn, buôn, bản, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc. Cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng chiếm tỷ lệ cao hơn trong hệ thống chính trị từ cơ sở đến trung ương. Bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số được gìn giữ, phát huy. Y tế, giáo dục, giao thông vùng dân tộc thiểu số được chăm lo, phát triển. Niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường.
Tuy nhiên, do đây là vùng sâu vùng xa, nên kinh tế xã hội cũng còn nhiều khó khăn đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm chăm lo hơn nữa trong thời gian tới.
+ Xin ông cho biết ý kiến về Đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này.
- Tôi đánh giá cao Đề án phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi mà chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này và tán thành nhiều ý kiến mà các đại biểu QH phát biểu sáng nay. Tôi cho rằng Đề án đã được chuẩn bị kỹ lưỡng công phu, đánh giá một cách khách quan toàn diện về kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu và 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện trong 10 năm tới. Đề án được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này sẽ tạo bước chuyển biến mới tích cực cho phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới.
+ Ông có góp ý gì cho đề án từ góc nhìn và thực tế tại địa phương mình?
- Theo tôi, 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp mà Đề án nêu mới tập trung vào việc quản lý nhà nước về dân tộc thiểu số, chăm lo, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số mà rất ít giải pháp phát huy, tạo môi trường và động lực để người dân tộc thiểu số tự vươn lên, nhất là thay đổi nhận thức, tư duy trong sản xuất, đời sống.
Cần phải phát huy nội lực của từng người dân, từng dân tộc thiểu số, có như vậy sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số mới bền vững. Chúng ta cứ nhìn vào các hộ dân vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, ta sẽ thấy cùng điều kiện tự nhiên như nhau, nhưng kinh tế của các hộ người Kinh giầu hơn, khá hơn người đồng bào. Vậy thì vấn đề căn cốt ở đây là phải giúp họ thay đổi tư duy trong sản xuất, đời sống như thế mới bền vững.
Tại tỉnh tôi, chúng tôi đang chỉ đạo xây dựng và thực hiện cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất và đời sống cho người đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, cả hệ thống chính trị vào cuộc, bằng nhiều giải pháp từ nâng cao nhận thức, hỗ trợ, giúp đỡ, kết nghĩa các hộ khá với hộ đồng bào, hướng dẫn cách sản xuất, kiến thức, kỹ thuật, "cầm tay chỉ việc" trợ giúp vốn...như thế sẽ dần dần giúp đồng bào vươn lên làm giầu chính đáng, không trông chờ ỷ lại.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng Đề án về cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chống hụt hẫng trong công tác này ở cán bộ mỗi cấp trong hệ thống chính trị.
Thêm nữa, giải pháp về tổ chức thực hiện cũng cần được quan tâm thực chất.
Có thể thấy chủ trương chính sách của chúng ta không thiếu, nhưng khâu tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Ở đâu có sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt thì nơi đó đồng bào được chăm lo, phát triển. Vì vậy Đề án cần quan tâm xây dựng chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu không triển khai thực hiện đúng, đầy đủ các chính sách, khuyến khích những nơi có cách làm sáng tạo thì công tác này sẽ có sự phát triển, chủ trương của Đảng, Nhà nước sẽ vào cuộc sống.
Cảm ơn ông.