Mới thôi mà đã một đời diễn ra tối 8/12 tại Nhà hát Lớn, đúng ngày giỗ đầu nhạc sĩ Em ơi Hà Nội phố. Ông qua đời sáng 8/12/2021 sau hơn một năm nằm viện vì biến chứng tiểu đường. Phú Quang không chỉ viết ca khúc, ông sáng tác khí nhạc từ năm 17 tuổi. Nghệ sĩ Trinh Hương - con gái của của Phú Quang - cho biết những năm cuối đời ông muốn quay lại với giao hưởng, ấp ủ làm một đêm nhạc đồ sộ với dàn nhạc giao hưởng. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
Giao hưởng thơ Ngoảnh lại là một trong những tác phẩm khí nhạc được lựa chọn để giới thiệu tới khán giả một Phú Quang đa chiều hơn. Gia đình mời dàn nhạc giao hưởng và nhạc trưởng Honna Tetsuji chỉ huy. Vị nhạc trưởng từng có dịp làm việc với Phú Quang và cũng yêu nhạc của ông. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
Đêm nhạc này cho khán giả cái nhìn rộng mở hơn về âm nhạc Phú Quang, cả ở mảng khí nhạc, nhạc phim và ca khúc. Nghệ sĩ Trinh Hương nghẹn ngào khi nhắc lại kỷ niệm tác phẩm khí nhạc Ngày xa được nhạc sĩ Phú Quang viết tặng con gái khi con rời gia đình sang Nga du học. Chơi dương cầm cùng dàn nhạc giao hưởng, Trinh Hương nghẹn ngào vì với chị bản nhạc này lại trở thành lời chia xa với bố trong đêm giỗ đầu ông. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
NSND Đặng Nhật Minh xúc động bước ra sân khấu Nhà hát Lớn để kể lại kỷ niệm với người bạn đã khuất. Đạo diễn Bao giờ cho đến tháng 10 kể ông mời Phú Quang làm nhạc phim khi nhạc sĩ mới 35 tuổi. Trinh Hương cùng gia đình nhạc sĩ đã công phu xin tư liệu ở Viện phim Việt Nam để lấy được những đoạn trích phim có nhạc Phú Quang viết. Dàn nhạc giao hưởng chơi nhạc phim Bao giờ cho đến tháng 10 ngay phần mở màn đêm nhạc. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
NSND Đặng Nhật Minh rơm rớm nước mắt khi xem lại những hình ảnh Bao giờ cho đến tháng 10, nhớ lại cả quá trình nhiều lần đi lại tới căn phòng chỉ vỏn vẹn 10 m2 của Phú Quang ở ngõ Văn Hương (Khâm Thiên, Hà Nội) chỉ đủ kê một chiếc piano. "Thi thoảng anh Quang lại gọi điện cho tôi tới nghe thử những đoạn nhạc anh ấy viết cho phim. Cho tới khi thu toàn bộ nhạc ở phòng thu, tôi mới nhận ra Phú Quang đã viết ra những giai điệu tuyệt đẹp", NSND Đặng Nhật Minh nói. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
Mới thôi mà đã một đời lấy theo tên một album nhạc của Phú Quang, cũng đúng tinh thần đêm tưởng nhớ đong đầy cảm xúc, ấm áp tình thân, tình tri kỷ. Hai ca sĩ Tùng Dương, Ngọc Anh “cân” hết đêm nhạc. Tùng Dương bày tỏ sự xúc động, vinh dự khi được hát Em ơi Hà Nội phố với bản phối khí cùng dàn nhạc giao hưởng do nhạc sĩ Phú Quang thực hiện những năm cuối đời. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
Tùng Dương dẫu “quái” đến đâu thì luôn cẩn trọng nhất có thể khi hát nhạc Phú Quang, vì ông luôn dặn anh “đừng lên đồng” khi hát nhạc tình, trừ bài Chiều phủ Tây Hồ lại được ông khuyến khích phiêu nhất có thể. Ngoài hai ca khúc này, Tùng Dương thể hiện Mai đành xa sông Thương thật thương, Mẹ... Ảnh: TRỌNG QUÂN.
Nhiều lần hát ca khúc Mẹ (Phú Quang phổ thơ Hồ Thanh Quang) cho nên Tùng Dương luôn nắm được tinh thần ca khúc nhạc sĩ gửi gắm. Anh chia sẻ có lần hát xong bài này, nhạc sĩ Phú Quang tự đệm đàn cho anh hát, sau đó vào cánh gà ôm chầm lấy Tùng Dương và nói “cháu hát tốt lắm”. Divo tin tưởng dù nhạc sĩ đi xa thì tinh thần, âm nhạc của ông còn mãi. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
Ngọc Anh không có mặt trong đêm nhạc kỷ niệm sinh nhật ông hồi tháng 10 vừa qua, lần này được dịp bung hết cảm xúc trong những ca khúc gắn bó với Phú Quang. Cô dành lời tri ân tới nhạc sĩ Phú Quang, tới nhà thơ Thái Thăng Long và gia đình nhạc sĩ. Ngọc Anh dẫn dắt khán giả chìm đắm trong những bản nhạc tình của Phú Quang như Im lặng đêm Hà Nội, Mơ về nơi xa lắm, Trong giấc mơ xưa... và sau đó là ca khúc âm hưởng dân gian do Phú Quang tự viết nhạc và lời - Đêm ả đào. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
Xuất hiện trong đêm tưởng nhớ, nhà thơ Thái Thăng Long ôn lại những kỷ niệm không quên với người bạn thân. Phú Quang đã phổ nhạc tới 17 bài thơ của Thái Thăng Long trong đó có Chiều phủ Tây Hồ, Mơ về nơi xa lắm, Ám ảnh, Gửi một tình yêu... Thái Thăng Long kể rằng Chiều phủ Tây Hồ ra đời trong hoàn cảnh cả nhà thơ và nhạc sĩ đang sinh sống ở TP.HCM ra Hà Nội chơi. Phú Quang chở Thái Thăng Long thăm phủ Tây Hồ, ít ngày sau từ bài thơ mới sáng tác của Thái Thăng Long nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc và NSND Lê Dung là người đầu tiên thu âm. Ảnh: TRỌNG QUÂN.
Đêm nhạc Mới thôi mà đã một đời được gia đình nhạc sĩ chuẩn bị công phu, chỉn chu nhất có thể để thực hiện tâm nguyện của ông còn dang dở - tổ chức đêm nhạc đồ sộ với dàn nhạc giao hưởng. Khán giả có một đêm đắm chìm trong nhiều cung bậc cảm xúc của âm nhạc Phú Quang, để cùng nhớ về nhạc sĩ tài hoa, nhạc sĩ có nhiều ca khúc hay về Hà Nội. Ngọc Anh và Tùng Dương song ca Ngọn nến khép lại đêm nhạc giàu cảm xúc. Ảnh. TRỌNG QUÂN.
Nguyên Khánh-Trọng Quân