Nhưng dường như con người thơ trong anh có một khoảng không gian riêng, trầm lắng mà bay bổng, tự do mà đầy trách nhiệm. Có những niềm suy tư biến thành câu hỏi trước cuộc đời khiến người đọc không dễ trả lời ngay: ngọn núi quê sao nhìn ta đau đáu/ đá cứ vơi dần/ thành tượng của cô đơn…
Phạm Lê Nhiên
CON ĐƯỜNG
chúng ta mang theo nhiều chìa khóa
sao con đường vẫn tắc
những đám đông dễ bắt lửa
đi trong vùng phủ sóng vẫn lạc nhau
đã lát đến viên gạch cuối
con đường còn dang dở
ai trở về trong sương gió phân vân
hương phù sa vẫn hồng ngô nếp nướng
quán vỉa hè thắp sáng giấc mơ đêm
đi tìm khoảng trống giữa bao điều bỏ ngỏ
có khoảng trời... ai dễ buông xuôi
NHỮNG CÁI BÓNG
bóng ai
đến từ gió
đi ra từ sương khói
bóng ai
trở về trong chạng vạng
tấm vé khứ hồi vẫn ngơ ngác trong tay
mất hút vào quanh co
giữa âm dương chẵn lẻ
đường còn xa phố núi lên đèn
người khách lạ bước vào ngôi chùa cổ
tro tàn thơm bay ra từ kinh kệ
mê lộ
bóng người
ai đang nói trong mơ
Ở NƠI NƯỚC CHẢY
bên ngọn núi
nơi khởi nguồn câu hỏi
những đứa trẻ cùng mặt trời lem lấm
làm bạn với con đường để biết đi xa
ta như lạc vào quê
lạc vào câu chuyện thời chơi trận giả
nấp vào hư vô lại gặp dại khờ
lớn lên cùng thuyền mơ ngóng gió
biển thì xa, sông bao bọc quanh làng
mải lặn ngụp giữa lở bồi hư thực
ngày chín dần trong hoa trái thơm quê
sơn thủy hữu tình
lầm lũi mênh mang
ngọn núi quê sao nhìn ta đau đáu
đá cứ vơi dần
thành tượng của cô đơn
cánh buồm xưa chênh chao khung ảnh
neo vào khoảng trống cái đinh ký ức
nơi gió thức, sóng vẫn hồng lên xứ sở
phù sa bồi nơi chân ái thôn hương
trong hơi núi
lặng thầm nghe đá hát
sông quê chảy hay là ta đang chảy
chiều dâng bóng mùa
em mải miết theo sông