Cồn Cỏ vững vàng nơi đầu sóng

TP - Vượt chặng đường dài hơn 600km từ Hà Nội vào Quảng Trị, các đại biểu tham gia hành trình chuyến tàu thanh niên, do Cục Chính trị Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tổ chức, đã chuyển tới quân và dân đảo tiền tiêu Cồn Cỏ những tình cảm tri ân sâu nặng của đất liền.
Lãnh đạo Cục Chính trị Cảnh sát biển Việt Nam trao tặng quà cho huyện đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Nguyễn Minh.

Tiếng hát át say sóng

Sau hơn hai giờ hành trình từ cầu cảng Hải đội 202, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển (CSB 2), tàu CSB 2012 đưa đoàn công tác gồm nhiều cán bộ, đoàn viên thanh niên ưu tú của các đơn vị trong và ngoài quân đội tiến gần Cồn Cỏ. Mọi người lên đảo sau một hồi vật lộn với sóng gió, quá nửa quân số bị say sóng.

Sự mỏi mệt, váng vất nhanh chóng qua đi, nhường chỗ cho không khí trang nghiêm, thành kính trước Đài liệt sĩ trên đảo - nơi tưởng niệm những thế hệ cha anh ngã xuống để bảo vệ đảo. Tận mắt chứng kiến những dấu tích, nghe lại những câu chuyện về cuộc sống của quân và dân nơi đây, lửa nhiệt thành cho các bạn trẻ càng tăng thêm trong đêm giao lưu văn nghệ trên đảo, nơi những giai điệu về Tổ quốc, biển đảo quê hương cùng những vũ điệu sôi động của tuổi trẻ đã gắn kết đất liền và đảo xa thành một khối.

“Tham gia hành trình này, tôi và các học viên của nhà trường cảm nhận rõ hơn sự vất vả, khó khăn của quân và dân đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo. Chuyến đi là sự trải nghiệm bổ ích để những người trẻ như tôi ý thức hơn về trách nhiệm của mình với Tổ quốc”.

Đại úy Lê Văn Tư, Bí thư Đoàn thanh niên Học viện Cảnh sát nhân dân

Binh nhất Hồ Văn Hùng, sinh năm 1991, quê ở xã Hướng Việt (Hướng Hóa, Quảng Trị), chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn hỗn hợp, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đảo Cồn Cỏ cười rạng rỡ trước sự cổ vũ nhiệt tình của các bạn nữ, khi “phiêu” hết mình với bài hát Đi tìm lời ru nữ thần mặt trời. Hùng lém lỉnh: “Anh em trong đơn vị “sợ” các bạn ở đất liền, nhất là các bạn nữ sẽ không biểu diễn được vì say sóng, ai ngờ các bạn ấy còn “sung” hơn lính đảo. Hồi còn ở nhà, em rất thích ca hát”.

Không khí sôi động của đêm văn nghệ giúp cho cả đoàn quên đi cảm giác say sóng trên chuyến tàu trở về đất liền vào rạng sáng hôm sau, khi trên boong tàu CSB 2012 ngập tràn lời ca, tiếng hát, tiếng đàn ghi ta bập bùng của các sĩ quan, chiến sĩ và các bạn trẻ cùng những cán bộ của đảo đi tiễn chân mọi người.

Chuyến hành trình cũng là dịp để đoàn công tác chuyển tới quân và dân trên đảo những món quà đầy nghĩa tình, thay lời tri ân sâu sắc của đất liền với đảo tiền tiêu. Đại úy Lê Văn Tư, Bí thư Đoàn thanh niên Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết: “Tham gia hành trình này, tôi và các học viên của nhà trường cảm nhận rõ hơn sự vất vả, khó khăn của quân và dân đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo. Chuyến đi là sự trải nghiệm bổ ích để những người trẻ như tôi ý thức hơn về trách nhiệm của mình với Tổ quốc”.

Biến “đảo thép” thành “đảo ngọc”

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Cồn Cỏ là vọng gác tiền tiêu của miền Bắc, là hậu phương lớn của tiền tuyến miền Nam. Sau gần 1.500 ngày đêm với trên 1.000 trận đánh lớn nhỏ, lực lượng vũ trang Cồn Cỏ đã lập nên những kỳ tích và hai lần được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ba lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Từ một đảo quân sự, nay Cồn Cỏ đã trở thành một đơn vị hành chính của tỉnh Quảng Trị, với mục tiêu phát triển du lịch, kinh tế biển…

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Minh Tuấn, Bí thư Huyện đảo Cồn Cỏ khẳng định, với quyết tâm xây dựng Cồn Cỏ thành đảo Thanh niên vững mạnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trên đảo (với lực lượng cán bộ trẻ chiếm hơn 80%) sẽ biến nơi đây thành một điểm đến hấp dẫn trong tương lai. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết, những khó khăn của huyện đảo Cồn Cỏ hiện nay là chưa có điện lưới, chưa có phương tiện giao thông đường biển hiện đại và cơ sở hạ tầng cho việc phát triển dịch vụ du lịch. “Chuyến tàu thanh niên ra thăm đảo là sự khích lệ, động viên rất lớn giúp chúng tôi tiếp tục yên tâm công tác, xây dựng đảo Cồn Cỏ vững mạnh về quốc phòng an ninh và phát triển về kinh tế biển đảo”, ông Tuấn nói.

Trưởng đoàn công tác, đại tá Phạm Quang Oánh, Phó Chủ nhiệm Chính trị CSB Việt Nam cho biết, chuyến đi mang mục đích giáo dục, nâng cao nhận thức cho các bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển và các thành viên tham gia hành trình về chủ quyền biển đảo Tổ quốc cũng như truyền thống anh hùng của các thế hệ quân và dân trên đảo. Đồng thời, góp phần động viên Đảng bộ, chính quyền, quân dân trên đảo tiếp tục vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió để xây dựng Cồn Cỏ từ “đảo thép” trong chiến đấu thành “đảo ngọc” trong phát triển kinh tế.