Cơn chấn động 'cháy vé' thời dịch

TP - COVID tác động mạnh mẽ tới đời sống văn nghệ. Danh ca Lệ Thu, tiếng hát được ví như vàng mười đã ra đi vì COVID. Nhiều hoạt động nghệ thuật bị ngưng trệ trong mùa giãn cách… Giữa không khí trầm lắng ấy, vẫn có những tia sáng lạc quan.
Các diễn viên tham gia biểu diễn trong vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”.

4 đêm diễn mới đây, tại Nhà hát lớn Hà Nội, các diễn viên của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã tiếp tục làm nên cơn chấn động “cháy vé” với vở “Những người khốn khổ”. Không phải một cơn “cháy vé” ảo như một số chương trình ca nhạc vẫn khuếch đại mà là “cháy” thật.

Một vị giáo sư- tiến sỹ, giảng viên một trường đại học lớn ở Hà Nội trầm trồ chia sẻ: “Đã lâu lắm không đi xem vì ngại đi. Nhưng con gái ở Moscow mua vé và mời đi thì đành đi vậy. Nhưng quá bất ngờ khi Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam có vở diễn đặc biệt xuất sắc khi được diễn bằng tiếng Anh đậm chất hàn lâm”.

Theo chia sẻ của bà Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam: Chỉ có1/4 khách nước ngoài, còn lại là “thượng đế” Việt Nam xem “Những người khốn khổ” do các diễn viên Việt Nam thể hiện. Đây không phải lần đầu tiên, nghệ sỹ Việt Nam lập được kỳ tích “cháy vé” ở một “mảnh đất” tưởng như kén người xem: Nhạc kịch. Trước đó, hồi tháng 11 năm 2020,  “Những người khốn khô” cũng đã “cháy vé” khi công diễn. Xa hơn, hồi năm 2019, vở “Hồ thiên nga” công diễn tới 7 đêm trong nhà, một đêm ngoài trời, cũng “cháy vé”.  “Cháy ve” ở vở nhạc kịch do nghệ sỹ Việt đảm đương giữa thời COVID, quả là một tín hiệu vui của làng văn nghệ trong những ngày đầu năm. Nó có tác dụng kích thích tinh thần của những nghệ sỹ thuộc những lĩnh vực nghệ thuật bị khán giả thờ ơ hoặc quên lãng. Những điều tưởng như không thể hoàn toàn có thể thực hiện, chỉ cần người ta lao động quên mình và tin vào bản thân.

Đừng nói nghệ thuật hàn lâm không đến được với công chúng. Không chỉ trong nhạc kịch, gần nhất, lễ ra mắt sách của tác giả Đặng Đình Hưng đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Bản thân Đặng Đình Hưng đã là một tên tuổi gây chú ý, song sự xuất hiện của con trai ông, nghệ sỹ Đặng Thái Sơn cũng là chất kích thích với khán giả. Rất nhiều người Việt nghe tên Đặng Thái Sơn đã quí mến, cho dù ít người có chuyên môn, hiểu biết về dương cầm.

Trở lại với “Những người khốn khổ”. Có người nói, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã lựa những tác phẩm gần gũi với người Việt như “Hồ thiên nga”, “Những người khốn khô” nên mới dễ “cháy vé”. Điều đó vừa đúng, vừa không đúng. Cứ nhìn sang điện ảnh sẽ thấy, xây dựng một bộ phim trên nền móng những tác phẩm văn học quen thuộc, hoặc phim “remake” (phim Việt hóa) dễ gây tranh cãi thế nào. Không hề “ngon ăn”.