Chợ thuốc tân dược này vốn chuyển từ khu vực Giảng Võ (gần đường Ngọc Khánh-Hà Nội) về tòa nhà Hapulico nên nó được gắn tên mới. Ngay từ khi còn ở chỗ cũ, cái chợ đã đầy tai tiếng. Đến nơi mới, sự bát nháo của những quầy thuốc tân dược không bớt đi. Ở đây, tồn tại hàng trăm quầy dược bao trùm 5 tầng nhà. Đỉnh điểm thể hiện rõ bản chất con buôn là việc đầu cơ, tích trữ, đẩy giá khẩu trang, nước sát khuẩn giữa lúc thông tin corona lan rộng. Khi bị nhà nước can thiệp, nhiều con buôn dừng bán trên quầy, nhưng tìm cách bán giá cao qua các kênh khác…
Có lẽ những con buôn nghĩ không ai biết đường đi của những viên thuốc đến từ những quốc gia sản xuất bằng công nghệ cũ, kém chất lượng, nhưng được những dược sỹ thiếu nhân phẩm đôn lên thành biệt được? Đám con buôn nghĩ rằng, sổ sách kê giá (thích giá nào, có giá đó) tận nơi sản xuất, không ai lần ra? Muốn mua bất cứ loại thuốc gì không cần đơn cũng thoải mái ở chỗ chợ này ( Tiền Phong đã có bài phản ánh). Đường đi của những viên biệt được tới tay người bệnh hiểm nghèo, từ đây, có thể qua bao lần “hoa hồng” để có giá ngất ngưởng…
Tại sao phải nhắc nhiều tới cái chợ này? Bởi vì đây là một điển hình về việc cần giám sát, quản lý chặt hơn nữa những mặt hàng đặc biệt nếu không hậu họa sẽ khôn lường. Chuyện cái khẩu trang thực ra chỉ là một phép thử.
Phép thử đó, như người Nhật Bản giữa lúc thiên tai, mỗi người dân tự ý thức chỉ đổ nửa bình xăng so với ngày thường, để nhường phần người khác. Phép thử đó là những nghĩa cử của nhiều người dân ở Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác mua khẩu trang phát miễn phí trước ga tàu, sân bay. Trong đó, có cả sắc phục của các anh cảnh sát giao thông khắp nẻo đường tặng khẩu trang cho người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ lệnh “chống dịch như chống giặc”. Điều này có nghĩa, hơn lúc nào hết toàn dân, cả hệ thống chính trị một lòng, tỉnh táo, dành hết tâm huyết để đẩy lùi dịch bệnh. Chính phủ sẵn sàng đánh đổi các chỉ số kinh tế để dập dịch, cứu tính mạng dân. Dịch bệnh xuất phát từ nước láng giềng Trung Quốc, cũng là nơi giao thương vô cùng lớn, đủ thấy thiệt hại về kinh tế biết chừng nào. Bà con nông dân đến mùa thu hoạch nông sản, cả năm trông chờ mỗi chuyến này xuất khẩu, như ngồi trên lửa. Dù cho thế, lúc này, sự bình tĩnh và tuân thủ cũng là một giải pháp.
Thiên tai, dịch bệnh có thể khiến các chỉ số kinh tế năm 2020 suy giảm, nhưng nó sẽ làm cho mỗi cá nhân (và nhà nước) bản lĩnh hơn, tình người ấm lên; như điệu ví dặm người xứ Nghệ vẫn hát lúc khó khăn: “Rằng qua cơn hoạn nạn, mới hiểu tận lòng nhau”.