Có thể tắt máy, dừng xe khách vi phạm từ xa

TP - Tới đây, với việc áp dụng công nghệ vào quản lý vận tải đường bộ, những xe ô tô khách vi phạm dù ở bất cứ đâu, cơ quan quản lý cũng có thể tắt máy, dừng xe nếu tài xế không chấp hành mệnh lệnh...  Tiền Phong trao đổi với Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) Trần Ngọc Thành xung quanh vấn đề này.
Xe khách sẽ phải lắp thiết bị giám sát hành trình
Xe khách sẽ phải lắp thiết bị giám sát hành trình.

Việc quản lý vận tải bằng công nghệ cao sẽ mang lại lợi ích gì?

Luật Giao thông Đường bộ (GTĐB) mới đã quy định chi tiết về hoạt động vận tải, trong đó có quy định về việc áp dụng một số công nghệ để phục vụ việc quản lý. Ví như việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên ô tô để ghi nhận các hành vi: lái xe liên tục 4 giờ và quá 10 giờ một ngày; đón khách dọc đường, chạy sai hành trình…

Việc ứng dụng công nghệ này để quản lý vận tải với mục đích tạo thuận lợi cho hành khách và các doanh nghiệp chủ động trong kinh doanh. Hiện Bộ GTVT đang soạn thảo thông tư hướng dẫn về việc lắp đặt thiết bị này.

Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải lắp đặt và duy trì tình trạng hoạt động của thiết bị. Bộ GTVT quy định (thiết bị) phải có 5 tính năng cơ bản có thể ghi nhận: Bến đi bến đến; hành trình; tốc độ lái xe; số lần đóng mở cửa xe và thời gian lái xe liên tục của tài xế.

Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, hiện các loại xe khi thực hiện đăng kiểm định kỳ đều bị buộc tháo còi hơi do trong thời gian gần đây, thiết bị này đã gián tiếp gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng với người tham gia giao thông.

Năm nội dung trên phục vụ cho việc quản lý vận tải mà Luật GTĐB, Nghị định 91 và các quy định quản lý vận tải của ngành giao thông để đảm bảo an toàn, quyền lợi của khách đi xe, tài xế.

Ngoài việc phục vụ các yêu cầu bắt buộc do nhà nước quy định, thiết bị giám sát hành trình còn có các tính năng phục vụ việc quản trị doanh nghiệp, như: Quản lý nhiên liệu, số lượng khách, thậm chí khi cần thiết, doanh nghiệp có thể dừng hoạt động của xe từ xa.

Ví dụ, người giám sát hoặc cơ quan quản lý ngồi Hà Nội có thể tắt máy của ô tô đang hoạt động ở Tây Nguyên, nếu tài xế không chấp hành mệnh lệnh. Thiết bị này có trên 30 nội dung quản lý. Tốc độ truyền tải các thông số này về trung tâm khoảng từ 5-15 giây.

Nhà nước cũng quy định doanh nghiệp phải lưu trữ các thông tin ít nhất 1 năm để phục vụ việc hậu kiểm, việc chấp hành quy định của luật GTĐB và hoạt động kinh doanh vận tải.

Quy định phân loại các bến xe, đi kèm với đó phí xe vào bến sẽ khác nhau, liệu giá cước vận tải có tăng lên không?

Bộ GTVT đang soạn thảo thông tư hướng dẫn về quản lý bến xe, trạm dừng nghỉ. Thông tư này sẽ quy định trách nhiệm của bến xe trong việc tổ chức vận tải. Theo đó, thông tư sẽ chia bến xe thành 5 loại để thể hiện quy mô của bến xe, năng lực thông qua của bến xe.

Dự kiến, những tuyến xe có cự ly từ 300 km trở lên buộc phải xuất phát từ bến xe loại 4. Hơn nữa, Luật GTĐB quy định phí dịch vụ ra vào bến do UBND tỉnh quy định nhưng phải căn cứ vào hướng dẫn của Bộ GTVT.

Vấn đề mới ở đây là, khi tôi bỏ ra đồng tiền với giá cao thì tôi phải được hưởng chế độ tốt hơn như có phòng chờ, điều hoà, bảng điện tử, ti vi... Đây cũng là một cách thúc đẩy cạnh tranh giữa các bến xe. Hiện các bến xe đang có tính độc quyền vì được xây dựng theo quy hoạch của cơ quan chức năng. Do độc quyền nên doanh nghiệp vận tải muốn đăng ký vào bến phải xin.

Dự kiến, theo thông tư mới, nhà nước sẽ quản lý giá để điều hoà quan hệ giữa bến và doanh nghiệp vận tải.

Đình Thắng

Theo Báo giấy