Có thể mất tài nguyên du lịch sau 5 năm nữa

TP - Cung cách phát triển du lịch ồ ạt, mạnh ai nấy làm, không có quy hoạch khoa học ở Việt Nam mấy năm gần đây đã khiến nhiều cảnh quan du lịch bị biến dạng, thậm chí biến mất. Rất nhiều “món quà của thiên nhiên” bị tàn phá, và với một tốc độ chóng mặt.
Bãi biển Mũi Né sạt lở mất điểm nghiêm trọng trong mắt du khách

Nhiều cảnh quan chỉ còn vang bóng

Biển Cửa Đại, Hội An nhiều năm nay đã gần như mất hết khách châu Âu và Mỹ bởi bãi tắm gần như bị xóa sổ vì biển xâm thực. Du khách nước ngoài đến Hội An giai đoạn này đa phần đổ về bãi biển An Bàng hoặc Hà My, thế nhưng ngay ở Hà My – nơi rất gần với Mỹ Khê “một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh” cũng đang đứng trước tình trạng “báo động đỏ” vì sụt lún.

Trong Hội thảo “Nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An” các nhà khoa học đã chỉ ra nguyên nhân chính dẫn đến xói lở bờ biển Cửa Đại là do thiếu hụt lượng bùn cát từ thượng lưu đổ về. GS-TS Khoa học Nguyễn Kim Đan, Chủ nhiệm Dự án “Nghiên cứu quá trình xói lở bờ biển Hội An” cho rằng: việc xây dựng nhiều công trình thủy điện đầu nguồn cùng với tình trạng khai thác cát ồ ạt trên sông Thu Bồn là một trong những nguyên nhân gây thiếu hụt bùn cát. Cộng với việc xây dựng quá nhiều các resort trong khu vực bãi biển gây cản trở trao đổi cát giữa khu vực bãi và biển, khiến bãi biển Cửa Đại “biến mất”.

Trường hợp tương tự xảy ra với khu biển Mũi Né (Bình Thuận) với các resort san sát quây kín gần hết các bãi tắm được cho là một trong 10 bãi tắm đẹp nhất châu Á Thái Bình Dương. Từ chỗ luôn kín phòng những năm trước đây, hiện nay “kinh đô resort” Mũi Né bị cả khách Tây lẫn khách Việt tẩy chay vì “bãi biển không tắm được”. Trên các trang đặt phòng lớn như booking, agoda, tripadvisor... rất nhiều comment tiêu cực dành cho biển Mũi Né vì “đã không còn giống như giới thiệu”.

“Bãi biển bị sạt sâu. Resort tự làm kè bằng bao tải trông khá nhếch nhác. Theo nhân viên ở đây thì có kiến nghị lên chính quyền nhưng chưa có biện pháp khắc phục, họ (resort) phải tự cứu mình bằng cách làm kè chống xâm thực”. (Thúy An – du khách, phản hồi trên Agoda).

“Trong ngày đầu tiên nhà mình đã thấy bốn khách Tây trả phòng vì không tắm được. Vì có con nhỏ không tiện di chuyển nên cả nhà loanh quanh chơi đồi cát một hôm rồi cũng rút. Khuyên mọi người là không nên đến Mũi Né nữa, bãi biển hỏng hết rồi”. (Phượng – du khách, phản hồi trên Tripadvisor).

Nhiều resort ở Mũi Né từ điểm xếp hạng năm sao tụt xuống ba thậm chí hai sao trên các trang xếp hạng du lịch bởi vì bãi biển “bất tiện, không tắm được, xấu xí, nguy hiểm”...

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát biểu trong một hội nghị về du lịch: “Sau 5 năm nữa, Việt Nam có thể không còn tài nguyên du lịch. Hiện tại, Ninh Thuận và Phú Yên là hai tỉnh duy nhất còn tài nguyên biển”. Ông Bình cũng gửi lời tâm huyết đến hai tỉnh này rằng: “Các tỉnh hãy cứ thư thả, phát triển từ từ, đừng quá vội vàng đầu tư ồ ạt ở biển. Là người đi sau, Ninh Thuận hãy biết tránh những vết xe đổ của người đi trước, cẩn thận trong việc quy hoạch và lựa chọn nhà đầu tư”.

Đâu có cảnh quan, ở đó “vỡ trận” đầu tư

Ngay sau tin Bãi Kem (Phú Quốc) bất ngờ lọt vào Top 100 bãi biển đẹp nhất thế giới 2018 do Flight Network – mạng lưới du lịch lớn nhất của Canada bình chọn, cộng với thông tin Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu kinh tế, những khu bãi biển đẹp ở đây gần như bị “băm nát” để xây đựng, giá đất leo thang từng ngày.

Điều đáng nói, trong số những công trình xây dựng để phục vụ du lịch và đầu tư, rất nhiều công trình không phép hoặc trái phép. Riêng trong mấy tháng đầu năm, Đội Kiểm tra trật tự đô thị huyện Phú Quốc đã phát hiện, xử lý hành chính hoặc cưỡng chế gần 650 trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm về việc xây dựng.

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2018 nhiều khu đất tại cung đường Trần Hưng Đạo (Phú Quốc) đã đạt đến mức giá hơn 100 triệu VNĐ/m2, tăng gần 200% so với mức giá ban đầu.

Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó giám đốc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết: đất nền và bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc là hai phân khúc nhận được sự quan tâm lớn nhất từ phía các nhà đầu tư. Trung bình mỗi tháng đơn vị tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

Trong năm, giới đầu tư bất động sản cũng “sốt xình xịch” với từ khóa “Bình Châu” (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu). Nơi đây được ví như “lá phổi xanh” của miền Đông Nam Bộ thu hút đông đảo khách du lịch vì có khu bảo tồn thiên nhiên, suối nước nóng, núi Tầm Bồ và bãi biển Hồ Cốc được đánh giá là đẹp nhất Vũng Tàu. Giới đầu tư khảo sát thị trường đất ven biển khu vực này kết luận: giá đất tăng lên từng ngày, từ 400 - 500 triệu đồng/nền diện tích 100m2 chỉ trong vòng một tháng giá đã tăng lên thêm từ 100 - 200 triệu/nền.

Ông Trần Văn Nguyên, Việt kiều Canada cho biết: “Không có nơi đâu đầu tư đất lại dễ dàng như ở Việt Nam, đặc biệt là những khu du lịch mới. Chính quyền gần như trải thảm đỏ mời nhà đầu tư, không có chọn lọc, và người mua gần như có toàn quyền với mảnh đất mình sở hữu. Điều này trái ngược hoàn toàn với luật đất đai của các nước khác. Đừng nói liên đới đến cảnh quan thiên nhiên, chỉ là đất xây dựng bình thường cũng phải trải qua rất nhiều thủ tục chứng nhận, về kết cấu, công năng sử dụng, tác hại với môi trường, cảnh quan v.v... Thế nên, nhiều Việt kiều muốn về nước đầu tư bất động sản. Chỉ cần mua được một khu đất ở vùng du lịch là đảm bảo thắng lớn chỉ sau vài năm. Thậm chí không cần đầu tư xây dựng, chỉ bán trao tay cũng có thể lời tiền tỉ”.

Không phải cứ đông du khách là đáng mừng

Cảnh quan đẹp, cơ sở vật chất tiện nghi, hút khách, doanh thu năm sau tăng hơn năm trước... là những công thức quen thuộc của ngành du lịch Việt nhiều năm qua. Chỉ đến khi, nhiều cảnh quan thiên nhiên bị phá vỡ hoặc biến mất, sự vào cuộc của một số nhà khoa học và những cảnh báo về phát triển du lịch bền vững gióng lên, các giá trị tăng mới được đem ra bàn lại.

Đào Đặng Công Trung, Hiệp sĩ rác ở Đà Nẵng, người có gần mười năm gắn bó với Sơn Trà cho biết: Sự phát triển du lịch ồ ạt khiến Sơn Trà ngoài xuống cấp vì rác bẩn khắp nơi, sự quá tải du khách còn đang tác động rất xấu đến hệ sinh thái nơi đây. Một loạt khỉ, voọc bắt đầu có thói quen chờ… bới rác để kiếm thức ăn, chứ không chủ động đi tìm kiếm nữa. Hệ san hô gần bờ bị hủy hoại gần như toàn bộ. Bây giờ du khách muốn ngắm san hô phải ra khá xa và lặn sâu hơn. Nếu không kiểm soát, tương lai, Sơn Trà cũng sẽ lại giống Cửa Đại, phải chịu gánh nặng quá tải mà bị hủy hoại và không cách nào khắc phục.

Bản thân anh Trung là người điều hành một công ty du lịch cũng cho rằng: việc hút khách bằng mọi giá và mọi cách khiến cảnh quan thiên nhiên bị xuống cấp nhanh chóng. Ở đâu có nhiều người, ở đó có rác và ô nhiễm. Hiện nay chúng ta chưa có luật đủ mạnh để bảo vệ di tích và cảnh quan. Khắp các nơi ghi biển “cấm sờ vào hiện vật” nhưng đá, tượng... nơi đó kiểu gì cũng bị sờ đến... lõm.        

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam:

“Không phải cứ là điểm du lịch đang hút khách thì chứng tỏ du lịch đang phát triển đi lên. Du lịch trong nước, đa phần vẫn mang tính “ăn xổi ở thì”. Những tổ chức, cá nhân khai thác du lịch hầu hết là cố gắng tận thu mà quên hẳn phần gìn giữ, bảo vệ. Nếu tình trạng này còn tiếp tục kéo dài, ngành du lịch còn buồn”.

Hiệp sĩ rác Đào Đặng Công Trung