Ông Trần Thế Kiêm, Phó Trưởng phòng Dự báo Khí tượng Hạn ngắn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (DBKTTV), trao đổi với Tiền Phong về vấn đề này.
Thưa ông, các hiện tượng thời tiết cực đoan ở Việt Nam gần đây thế nào?
Mươi năm trở đây, giông, lốc, mưa đá, nắng nóng, rét đậm, rét hại xảy ra thường xuyên và mạnh hơn so với trước. Từ đầu năm 2013, cả nước ghi nhận gần 90 đợt mưa giông, mưa đá, lốc xoáy mạnh, gây nhiều thiệt hại về sinh mạng và của cải.
Nghiên cứu cảnh báo mưa dông, ngập úng hạn cực ngắn cho khu vực Hà Nội tại Trung tâm DBKTTV bắt đầu từ khi nào?
Chúng tôi thử nghiệm từ lâu rồi. Nhưng chính thức tiến hành là vào lúc phục vụ dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Từ năm 2010 đến nay, chúng tôi cố gắng duy trì thường xuyên thử nghiệm này. Đến giờ, có thể đảm bảo độ chính xác tương đối cao và kịp thời.
Có đơn vị nào khác tham gia cảnh báo tương tự không?
Ngoài Trung tâm DBKTTV Trung ương đang tiếp tục thử nghiệm dự báo, cảnh báo mưa dông, ngập úng hạn cực ngắn cho khu vực Hà Nội, một số đài KTTV khu vực cũng bắt đầu thử nghiệm dự báo tương tự cho một số đô thị lớn như TPHCM, Hải Phòng. Ngoài trao đổi thông tin về ảnh mây vệ tinh và dữ liệu từ radar thời tiết, chúng tôi còn phối hợp giúp đỡ kỹ thuật, kinh nghiệm dự báo.
So với thế giới, hiệu quả dự báo dạng này ở ta đạt mức độ nào?
“Thời gian tới, lãnh thổ nước ta còn xảy ra nhiều đợt mưa giông, lốc xoáy mạnh nữa. Từ nay đến cuối năm, có khả năng có khoảng 7-8 đợt nắng nóng trên diện rộng, trong đó có 4-5 đợt nắng nóng gay gắt, nhất là ở khu vực Bắc Trung bộ và Trung Trung bộ. Sẽ có địa phương xảy ra 5-6 đợt mưa giông, lốc mạnh liên tiếp”.
Ông Trần Thế Kiêm
Các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới có nhiều tiến bộ mới về nghiệp vụ, đạt độ chính xác ngày càng cao, nhất là cho các đô thị lớn. Dự báo thời tiết hạn cực ngắn ở Việt Nam chỉ bắt đầu được xã hội quan tâm mấy năm nay khi thiên tai bất thường gia tăng mạnh. Tuy nhiên, mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn tự động của ta còn quá thưa thớt, mạng lưới radar thời tiết chưa đồng bộ và đầy đủ, chưa có mô hình dự báo số trị độ phân giải cao để dự báo thời tiết cực ngắn.
Với năng lực hiện tại, các ông có thể đoán thiên tai cực đoan trước bao lâu? Thông tin có tuổi thọ cực kỳ ngắn ngủi này được chuyển tải đến công chúng thế nào? Đã có đánh giá hiệu quả chưa?
Gần đây nhất, các cơn mưa giông mạnh xảy ra ở khu vực Hà Nội trong tháng 4 và 5 đều được chúng tôi cảnh báo trước 1 – 3 giờ trên website http://www.nchmf.gov.vn. Một số bản tin được phát trên kênh VOV giao thông của Đài Tiếng nói Việt Nam. Về hiệu quả công việc phát tin cảnh báo thời tiết cực ngắn, chúng tôi chưa làm khảo sát nên chưa thể đưa ra đánh giá.
Làm thế nào để nâng cao hiệu quả của loại hình dự báo đặc biệt này?
Ngành KTTV đang chú ý đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho dự báo viên, tổ chức huấn luyện, phổ biến kinh nghiệm khai thác triệt để nguồn số liệu ảnh mây vệ tinh và radar thời tiết hiện có để phục vụ một số đô thị lớn. Về lâu dài, để tiệm cận trình độ các nước tiên tiến, đòi hỏi đầu tư rất lớn của xã hội cả về nhân lực và vật lực.
Cảm ơn ông.
Quốc Dũng
thực hiện