Cơ hội và thách thức

TP - 6 tháng sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương  (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam, một lần nữa, Việt Nam lại bước vào sân chơi mới với những cam kết thực thi Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA),  thỏa thuận thương mại tự do nhiều tham vọng nhất từ trước tới nay mà EU ký với một nền kinh tế mới nổi.

Với việc chính thức ký EVFTA và IPA, Việt Nam là nước thứ tư trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là nước thứ hai trong ASEAN tham gia ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu.

Tuy nhiên, việc ký EVFTA và IPA mới chỉ là khởi đầu cho một chặng đường mới. Sau khi ký kết, về phía Việt Nam, Hiệp định EVFTA và IPA sẽ được trình Quốc hội Việt Nam xem xét phê chuẩn còn về phía EU thì sẽ trình Nghị viện châu Âu thông qua. Riêng Hiệp định IPA cần có thêm sự phê chuẩn của Nghị viện các nước thành viên EU trước khi chính thức đi vào hiệu lực.

Nhìn lại quá trình mở cửa thời gian qua, có thể thấy tốc độ mở cửa, tham gia hội nhập của kinh tế Việt Nam đang diễn ra rất nhanh. Chỉ 5 năm trước, Việt Nam chỉ là nước đang chập chững bước vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế với kim ngạch xuất khẩu cả năm chỉ ở mức 26 tỷ USD và là một đối tác thương mại nhỏ cần sự hỗ trợ của EU để hội nhập với nền kinh tế thế giới. Nay, với kim ngạch xuất khẩu gấp gần 10 lần so với 15 năm trước, Việt Nam cùng EU chính thức bắt tay chuẩn bị cho một giai đoạn mới trong hợp tác kinh tế với những cam kết không hề dễ dàng chối bỏ thực hiện.

Nói gì thì nói, trong hội nhập, không phải tất cả bức tranh đều là màu hồng, có rất nhiều áp lực, thách thức đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp và người nông dân. Thực tế cho thấy, bên cạnh những thuận lợi đã được báo trước về việc nhiều mặt hàng nông sản như gạo, cà phê, mật ong, sản phẩm chăn nuôi, cây trái... sẽ có tăng trưởng mạnh xuất khẩu sang EU ngay trong năm đầu tiên, những sản phẩm kỳ vọng có tăng trưởng mạnh ở EU như dệt may, da giày, chế biến đồ gỗ, tin học, các ngành công nghiệp như: hóa dầu, ô tô cơ khí cũng được hưởng ưu đãi khi cắt giảm thuế quan trong những năm tới.

Ở chiều ngược lại, những mặt hàng thế mạnh của 28 quốc gia thuộc EU với chất lượng châu Âu cũng có lợi thế tương ứng để bước vào cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt với thị trường gần 100 triệu dân. Mất lợi thế sân nhà và độc chiếm thị trường cũng là điều có thể xảy ra nếu các doanh nghiệp trong nước không phát huy được thế mạnh của mình.

Càng tham gia nhiều FTA, khoảng cách giữa cơ hội tiềm năng và hiện thực là vấn đề các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý. Việc “biết” được lợi thế và “hiểu rõ và tận dụng được” lợi thế lại là câu chuyện khác hoàn toàn khi đến nay, chúng ta vẫn đang thiếu một cơ quan hoặc bộ phận để doanh nghiệp có thể tra cứu các thông tin một cách chi tiết nhất liên quan đến ngành và lĩnh vực sản xuất cụ thể. Nhưng cách nào để phát huy lợi thế, tiếp cận thị trường nào theo chiến lược nào đến nay, doanh nghiệp vẫn hoàn toàn thiếu thông tin.

Những chiến lược, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, nếu không được triển khai sớm, sự lép vế với hàng ngoại nhập sẽ ngày càng hiển hiện rõ. Và khi đó, thách thức sẽ nhiều hơn và cơ hội cũng sẽ ngày xa vời hơn.