Yêu sắc xanh áo lính từ hình ảnh cha
Tình yêu với sắc xanh áo lính được nuôi dưỡng trong tâm hồn Hồng Diệu ngay từ khi còn rất nhỏ. Cô vẫn thường được gặp, chơi ở nơi chỗ cha mình công tác.
Cha cô là giáo viên dạy chính trị của Học viện Phòng không Không quân ở Sơn Tây nên những cảnh huấn luyện, cảnh hành quân hay thật giản dị là bữa cơm thường ngày của lính đã thấm nhuần trong cô. Tình yêu đó cứ lên trong Hồng Diệu từng ngày, cô có một ước mơ cháy bỏng là được trở thành “cô bộ đội” nhưng tiếc rằng điều đó đã không trở thành hiện thực.
Không thực hiện được ước mơ đó, Diệu đã thả hồn tình yêu của mình với màu áo lính qua nhưng đoạn thơ, bài ca. Mặc dù công việc của cô rất vất vả, phải làm theo ca kíp cộng với việc chăm sóc hai con gái nhỏ nhưng cô vẫn dành thời gian để sáng tác. Những tác phẩm của Hồng Diệu đều viết về người lính, về Hoàng Sa, Trường Sa bằng tâm huyết và niềm tin, tình yêu của mình.
Bằng tình yêu đó, tác phẩm đầu tay của Hồng Diệu có nhan đề “Viếng hồn anh nhân ngày 27/7”. Vần thơ như để tri ân những người liệt sĩ nằm lại Trường Sa, những người đã cống hiến cả cuộc đời mình để bảo vệ Tổ quốc.
Diệu bộc bạch: “Bài thơ đó mình viết bằng tất cả cảm xúc của một người nơi đất liền xa xôi gửi nén tâm nhang đến những người lính Gạc Ma năm xưa hi sinh vì một phần máu thịt của Tổ quốc”
Ngay sau khi được đăng tải trên mạng xã hội, rất nhiều người tán dương, đồng cảm với Hồng Diệu. Chính từ đó, nguồn động lực như được tiếp thêm để Diệu tiếp tục trang thơ về những người lính.
Hơn 470 bài thơ về Hoàng Sa, Trường Sa được ra đời
Nhiều người đã từng đùa với Diệu rằng sao làm thơ về lính Trường Sa nhiều thế? Có phải ở nơi đó có một hình bóng nào không? Diệu đều cười xòa: “Tình cảm mình dành cho Trường Sa là thứ tình cảm thiêng liêng mà mỗi lần nhắc tới mình không khỏi bồi hồi xúc động. Dường như bài thơ “Không xa đâu Trường Sa ơi” cũng đã nói được phần nào những tình cảm mãnh liệt mình dành cho nơi đầu sóng ngọn gió ấy”.
“Cùng khoác trên mình một màu áo xanh nhưng có thế nào người lính ở đảo xa cũng phải chịu nhiều thiệt thòi nhất. Các anh lính nơi biên cương hay ở trong đất liền họ cũng nhiều vất vả gian lao nhưng có thể dễ dàng chủ động về lương thực, thực phẩm”, Diệu tâm sự.
Những chàng lính có thể về thăm nhà mỗi kì nghỉ phép. Nhưng đối với người lính nơi đảo xa thì ngược lại. Họ phải chia nhau từng ngụm nước, cọng rau, đối mặt với bao hiểm nguy rình rập từ thời tiết khắc nghiệt vô cùng.
Nắng thì bỏng rát mặn mòi muối biển, mưa thì bão tố liên miên. Nhớ vợ thương con nơi đất liền đâu có thể về thăm ngay được. Vợ sinh con đến lúc con biết đi mới được nhìn thấy mặt cha, khi cha mẹ già yếu mất đi cũng không thể về thắp hương ngay được.
Đấy mới chỉ nói người lính đảo, còn những người lính đang ngày đêm, ngày đêm canh giữ biển trời trên nhà những nhà giàn DK (Kinh tế, Kỹ thuật Hậu cần nghề cá – PV) ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc thì còn vất vả gian nguy hơn nhiều.
Rất nhiều người bạn đã động viên cho Hồng Diệu.
Từ khi viết những trang thơ về người lính Trường Sa, Diệu lại quen được thêm nhiều những người lính Hải quân, được gần với Trường Sa hơn. Thông cảm với những người lính bao nhiêu, Hồng Diệu lại thông cảm với những người vợ, người mẹ, những người hậu phương của các chiến sĩ nhiều lần hơn nữa.
Với cảm xúc tuyệt vời về người lính Trường Sa luôn dạt dào trong trái tim nên Hồng Diệu đã cho “ra lò” được hơn 470 bài thơ chỉ trong vòng một năm. Trên trang mạng xã hội cá nhân của mình, đã có người ví von Diệu chăm chỉ như con ong chuyên cần. Ngày ngày đến khu vườn “những người lính” để mang chân thực hình ảnh người lính về đất liền cho mọi người cảm nhận.
Nhưng với bản thân Diệu việc làm thơ mỗi ngày không chỉ đơn giản như thế. Làm thơ mỗi ngày cũng là để lấp đi cái mong muốn được cống hiến, được làm cái gì đó lớn hơn vì một phần máu thịt của Tổ quốc.
Diệu chia sẻ thêm: “Vì điều kiện kinh tế bây giờ quá khó khăn nên chưa thể xuất bản một tập thơ riêng về Trường Sa được, nhất định khi nào tích cóp đủ số tiền làm được tập thơ Diệu sẽ thực hiện cho bằng được”.
Theo Đình Hiếu