Cùng với Quyên, Trần Chí Hiếu (nick Hiếu Orion) có một bài viết dài thông cảm với Quyên cũng là cái tên được đẩy lên “đầu sóng ngọn gió”.
“Dốt không chấp nhận được”?
Phe “ném đá” buộc Quyên và Hiếu Orion vào cùng một hạng mục “dốt và cãi cùn”. Trong hơn 13.000 lượt chia sẻ bài viết “Cần gì phải biết El Nino và canh cua” của Hiếu, đa số đính kèm các status phản đối.
Bước ra từ một cuộc chơi, có lẽ Quyên là người nhận được gạch đá nhiều nhất từ trước đến nay chỉ vì không trả lời đúng hai câu hỏi được mặc định là “kiến thức cơ bản”. Kèm theo là những lời bình luận như “người ngoài hành tinh” và nhiều lời lẽ xúc phạm, miệt thị.
“Thậm chí đến nhan sắc của Quyên, là thứ không hề liên quan đến kiến thức hay kĩ năng sống, cũng bị mang ra bình phẩm. Và như một hiệu ứng của thói bầy đàn, hàng trăm, hàng ngàn người hùa vào, mỗi người buông một câu cay nghiệt, dìm đến nghẹt thở một cô gái trót lỡ... không biết El Nino là gì, hay canh cua là phải nấu với rau đay”!
Đối với những bài viết bênh Quyên với lý lẽ: “Có gì mà phải rộn, đừng quan trọng hóa vấn đề”, gần như ngay lập tức cũng bị vạ lây.
Không biết có phạm luật và đạo đức?
Đối lập với những bài viết vùi dập Quyên, có những người nổi tiếng lại “bênh” cô không tiếc lời.
Nhà văn trẻ Hàn Băng Vũ cho rằng: Cái bệnh lấy mình làm chuẩn mực thước đo sẽ dẫn đến đủ thứ lệch lạc. Họ cho rằng, người không biết những cái mình biết, là ngu. Người suy nghĩ không giống mình, là suy nghĩ khác người. Người không thấy những thứ mình khen ngợi là hay, là không có gu thẩm mỹ. Những thứ mình không làm được, chưa phải làm bao giờ là những thứ không cần thiết, không quan trọng. Người nào nói gì mình không ưng, ném đá trước đã, suy nghĩ sau. Cho nên, không biết El Nino hay canh cua nấu với rau đay thì bị chửi ngu là phải rồi. Nhiều người coi “El Nino” với “canh cua” là chuẩn mực thì những người ấy mới đáng là bị coi là nỗi buồn của một thế hệ bởi họ chỉ khoanh vùng hiểu biết, trí tuệ của nhân loại quẩn quanh trong những thứ phổ thông thường ngày.
Tôi thừa nhận rằng thế hệ trẻ ngày nay thiếu kĩ năng mềm, kĩ năng sinh tồn vì đã được bao bọc quá mức, học hành quá tải và bị ảnh hưởng nền giáo dục áp đặt lý thuyết suông, nhưng chỉ với hai câu hỏi, không thể đánh giá được một người, một người lại càng không thể đánh giá được thay cả một thế hệ. Khôn hay ngu là để đánh giá khả năng tư duy, suy luận chứ không phải để đánh giá biết hay chưa biết trong một chương trình mang tính chất thuần giải trí. Ở một phương diện khác, cô gái xui xẻo vừa vô tình trở thành nạn nhân một trò tấn công, bạo lực tinh thần trên mạng một cách hết sức tàn nhẫn. Hậu quả của thời công nghệ chăng?
Nguyễn Đức Hiển (nick bố cu Hưng có 16.598 lượt theo dõi) phản đối phe ném đá bằng câu chuyện: “Thằng bạn mình chỉ biết kinh doanh, không biết canh cua nấu với rau gì, nấu cơm nó cũng không biết nấu mà giờ làm chủ hai doanh nghiệp. Hỏi thì nó nói tao không biết canh cua nấu với rau đay nhưng tao biết làm ra tiền nuôi tao và mấy trăm nhân viên. Một đứa nữa không biết El Nino là gì thì giờ cũng giàu nhờ nghề bán thuốc nhuộm. Nó chỉ biết cách làm cho khách hàng mua hàng của mình. Một đứa nữa không biết cả canh cua rau đay lẫn El Nino, chỉ biết học y thật giỏi rồi làm bác sĩ mà giờ được báo chí ca ngợi như gì. Còn mình, Hiển, biết nấu canh cua, biết El Nino là gì, mới đi vay tiền ba đứa nó để sửa nhà!”.
Nhạc sĩ Quốc Trung, trong giới showbiz nổi tiếng hòa nhã, lần này phá lệ, bày tỏ quan điểm đối với những người chê Quyên dốt một cách khá quyết liệt: “Cố chứng minh người khác dốt không làm mình được công nhận là giỏi. Cố chứng minh mình giàu có hơn người thì chỉ bị ghét nếu may mắn không bị cướp giết. Cố chứng minh người khác sai thì là việc của công tố viên toà án. Cố chứng minh những sản phẩm của mình có chất lượng cao hơn mà giá lại bằng 1/2 của người khác thì chứng tỏ mình đang là “dân buôn lậu” vùng biên... Nói chung người cần chứng minh nhất là bản thân để thấy là mình không ngu và lãng phí thời gian, tiền bạc và cả cuộc sống của mình và cống hiến cho facebook và thiên hạ bàn luận”.
Giữa bão mạng, Quyên đang vui vẻ đi công tác ở Nhật.
Quyên vẫn giỏi!
Kết luận ngược dòng này đến từ đa phần các bạn trẻ có quen biết thí sinh Phạm Thị Quyên và cả những người chưa từng gặp mặt cô.
Nick My shunshine thông báo: Tôi vừa block một đứa bạn vì nó share clip chương trình “Ai là triệu phú” với những lời lẽ khá là miệt thị. Tôi không biết cô gái ấy nhưng tôi biết vài người. Họ chỉ quan tâm đến những thứ họ thích và họ rất giỏi một hoặc một số lĩnh vực. Họ dùng nó để kiếm tiền, để thay đổi cuộc sống. Và hầu như họ không quan tâm đến những điều khác. Tôi rất ngưỡng mộ những người như thế. Hơn là những kẻ cào phím chê bôi người khác chỉ vì họ không biết những thứ đơn giản mà lẽ ra ai cũng biết.
Thí sinh Đỗ Như Trung, người cùng chơi “Ai là triệu phú” với Quyên khẳng định: Không biết El Nino và canh cua, Quyên vẫn đáng ngưỡng mộ. Vì Quyên đã trải qua 4 vòng loại để được ngồi trên ghế nóng. 4 vòng loại không hề đơn giản, để vượt qua nó bạn cần đủ kiến thức, sự tự tin, nhanh nhẹn và may mắn...
Có ý kiến cho rằng, việc cô gái không biết một số kiến thức cơ bản là không vi phạm pháp luật, không ảnh hưởng đến đạo đức xã hội. Vậy dựa vào đâu mà mọi người có quyền phán xét, thậm chí sỉ nhục?
Phạm Thị Quyên (sinh năm 1992) từng học khoa công nghệ ôtô Đại học công nghiệp và là nữ sinh duy nhất của khoa này.
Quyên vừa tốt nghiệp đại học, hiện đang làm việc cho một tập đoàn của Nhật.
Trong khi bão mạng đang xôn xao ở nhà, hiện Quyên vẫn tiếp tục chuyến công tác ở Nhật và hoàn toàn không bị ảnh hưởng vì gạch đá ném vào mình.
Bức thư của một hiệu trưởng ở Singapore
“Các bậc phụ huynh kính mến,
Kỳ thi của các em học sinh đang tới gần. Chúng tôi biết rằng các vị đều đang mong cho con mình sẽ giành được kết quả cao trong kỳ thi này.
Tuy nhiên, xin hãy nhớ rằng, trong số các em, những người có mặt tại kỳ thi, có người sẽ là một nghệ sĩ, người không cần hiểu sâu về Toán.
Có người sẽ là một doanh nhân, người không cần phải quá quan tâm đến lịch sử hay văn học Anh.
Có người sẽ là một nhạc sĩ, người mà với họ, môn Hoá học sẽ chẳng có ý nghĩa gì nhiều.
Có người sẽ là một vận động viên, người mà việc rèn luyện thể chất sẽ quan trọng hơn là môn Vật lý, giống như vận động viên Schooling của chúng ta.
Nếu con bạn đạt điểm cao, điều đó thật là tuyệt vời. Nhưng nếu con không thể, xin đừng làm mất đi sự tự tin và nhân phẩm của con.
Hãy nói với con rằng: ổn thôi mà, đó chỉ là một kỳ thi. Con được sinh ra trên đời cho những điều lớn lao nhiều hơn thế.
Hãy nói với con rằng, dù điểm số của con là bao nhiêu, cha mẹ vẫn yêu con và không hề phán xét.
Xin hãy làm như vậy, và nếu các vị thực hiện điều đó, hãy chờ xem con mình chinh phục thế giới. Một kỳ thi hay một điểm số kém sẽ không thể gạt bỏ đi những ước mơ và tài năng bên trong của các con.
Và cuối cùng, xin đừng nghĩ rằng chỉ có kỹ sư hay bác sĩ mới là những người hạnh phúc duy nhất trên thế giới này.
Trân trọng,
Hiệu trưởng”.