Trong ngôi nhà cấp bốn ở bên quốc lộ 14 (xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk), chị Nguyễn Thị Công Linh (SN 1996) cùng 3 nhân công đang tỉ mẩn chọn lựa những hạt mắc ca. “Khi thu mua hạt về phải phân loại để chọn hạt có độ đồng đều”, chị Linh nói.
Kể về cơ duyên gắn với hạt mắc ca, chị Linh cho biết, dù đỗ đại học chuyên ngành sư phạm tiếng Anh, nhưng khát khao, đam mê kinh doanh nên chị quyết định không theo đuổi con đường đại học, rẽ hướng kinh doanh với nhiều lĩnh vực như: mở văn phòng phẩm, quán cà phê… Trong một lần về huyện Krông Năng chơi, chị được nếm thử hạt mắc ca. Vị bùi, thơm của hạt này khiến chị tò mò tìm hiểu.
“Hiện cơ sở có 4 nhân công làm việc liên tục, vào thời điểm nhiều đơn đặt hàng, có thêm từ 7 - 8 lao động thời vụ. Đến nay, với hệ thống khách lẻ và sỉ xây dựng được, chủ yếu ở khu vực Hà Nội, TPHCM, mỗi tháng cơ sở tôi xuất ra thị trường khoảng 3 tấn mắc ca thành phẩm”.
Chị Nguyễn Thị Công Linh (xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk)
Khi quyết định khởi nghiệp với nghề chế biến hạt mắc ca, gia đình không ủng hộ, họ biết công việc này rất vất vả và đầy rủi ro. “Tính tôi vốn quyết đoán, lúc đó bản thân đang nuôi con nhỏ, nhưng khi đã muốn thử sức với con đường kinh doanh mới tôi sẵn sàng thực hiện ngay. Thấy mô hình chế biến mắc ca có triển vọng, từ vốn liếng tích góp, và thuyết phục được gia đình hỗ trợ. Năm 2016 tôi mày mò, tìm hiểu rồi mua lò sấy để bắt đầu với loại quả được ví là nữ hoàng quả khô”, chị Linh chia sẻ.
Theo chị Linh, hiện nay, người tiêu dùng rất chú trọng đến sức khỏe nên sử dụng nhiều loại hạt dinh dưỡng, trong đó có hạt mắc ca. Quy trình chế biến hạt mắc ca không khó như nhiều loại hạt dinh dưỡng khác nhưng đòi hỏi sự công phu trong từng công đoạn. Những năm đầu khởi nghiệp cơ sở sản xuất của chị lỗ đến 200 triệu đồng.
Qua nhiều lần thất bại, chị rút ra được kinh nghiệm và bí quyết cho riêng mình. Chị Linh cẩn trọng từng bước, kỹ càng từ khâu thu mua, tuyển chọn hạt cũng như quá trình sấy quả. Khởi đầu từ một cơ sở nhỏ, thương hiệu còn mới trong khi thị trường đã có vô số thương hiệu sản phẩm mắc ca nên chị luôn đề cao việc sản xuất ra sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả hợp lý để phục vụ người tiêu dùng.
Mấy năm trở lại đây, đơn đặt hàng nhiều, chị Linh mua thêm lò sấy với tổng công suất 2 tấn quả, mở rộng quy mô cơ sở chế biến hạt dinh dưỡng.