Có còn vong thân?

TP - Trong Ngày thơ Việt Nam vừa rồi ở Văn Miếu, Mai Văn Phấn “dọn quán bán hàng”- phong phú đa dạng trong đó món nóng nhất là 'Bầu trời không mái che'. Dưới đây là cuộc trao đổi với anh về tập thơ mới này và về thơ.
Mai Văn Phấn

Mai Văn Phấn có tuyên ngôn “vong thân” trong quá trình sáng tác. Vậy anh đã vong thân thế nào từ hai tập “Hôm sau” (2009), “Và đột nhiên gió thổi” (2009) đến “ Bầu trời không mái che” mới nhất này?

Vong thân tức một cuộc cách mạng trong thi pháp, sự tái sinh/lột xác để đến với một chân trời khác. Sau khi vượt thoát khỏi hệ mỹ cảm cũ, năm 2009 tôi in hai tập thơ với hai phong cách, khuynh huớng khác nhau. Hôm sau là hướng triển khai phong cách hậu - hiện đại kiểu Việt Nam.

Và đột nhiên gió thổi thuộc cổ- điển - mới. Đến Bầu trời không mái che, tôi không còn bận tâm về khuynh hướng, chủ thuyết. Thong dong là từ diễn tả được tinh thần của tập thơ này. Đấy là cách tôi tìm về cội nguồn thi ca, cho cảm xúc trôi chảy tự nhiên và tìm cách nói hồn nhiên, tối giản, trong trẻo nhất.

Mai Văn Phấn.
 

Anh được coi là nhà thơ cách tân. Những năm gần đây “cách tân” được dùng quá nhiều. Theo anh thơ Việt cách tân đến đâu rồi?

Từ sau Đổi mới năm 1986, xuất hiện số ít nhà thơ (trong nước và hải ngoại) có ý thức sâu sắc cách tân thơ Việt. Họ khác hẳn số đông từ nền tảng, lý tưởng thi ca đến cách biểu đạt ý tưởng, lập ngôn, cách tạo những chuyển động thi ảnh.

Thời gian đã minh chứng một số thành công nhất định dù chưa nhiều nhưng đủ để bạn đọc nhận ra giả, chân. Các gương mặt trẻ cũng hào hứng đi tìm tiếng nói mới cho thơ, mỗi người theo cách của mình đã ít nhiều tạo cho thơ ca diện mạo mới lạ hơn.

Rất tiếc đến nay chưa có hội thảo nào mang tính tổng kết ở tầm quốc gia về các trào lưu thi ca trong các thập niên vừa qua để định hướng cho tác giả trẻ, cũng như bạn đọc đến với những giá trị mới.

Trong bài “Mai Văn Phấn trong cơn say thơ cách tân”, Nguyễn Việt Chiến viết: “Thơ hay là thứ thơ làm cho người ta phải kinh ngạc và rung động bởi một ý tưởng mới, một suy tưởng mới, một sức sống mới đang làm nên những dạng thức mới của ngôn ngữ thơ”. Anh thấy thế nào với tư cách người sáng tác và cả người đọc?

Tôi thích câu này của Đỗ Phủ: Ngữ bất kinh nhân tử bất hưu (Lời không kinh động lòng người thì chết không yên). Thơ hay thường bất ngờ. Với tư cách người đọc, tôi thích đến với những bài thơ/câu thơ khiến mình thông tuệ hơn, cao thượng hơn. Là người sáng tác, tôi khao khát đến những chân trời thi ca làm mình bàng hoàng, sửng sốt trước vẻ đẹp lộng lẫy của nó. Thi ca thanh tẩy và tái tạo trước hết người làm ra nó.

Giai điệu xuân

Nhỏ trên đá sắc

Cơ thể em đau

Thánh thót mở toang từng giọt.

Hạt nắng chảy vào cơ thể em

Trong hơi ẩm nồng nàn

Mùa nước về rạng rỡ.

Đàn ong rạch đường bay

Gió lên thẳng đứng

Cây cao vươn bóng anh.

Con chim non ra ràng

Đàn côn trùng

Lũ nấm rơm mở mắt

Trùm lên non nớt xanh.

Mai Văn Phấn

(Trích Bầu trời không mái che, NXB Hội Nhà văn, 2010) 

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy thực hiện

Theo Báo giấy